Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đặt niềm tin vào Chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo
Mạnh Bôn - 06/04/2016 08:39
 
Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, thành tựu đạt được không ít, nhưng hạn chế, tồn tại còn nhiều. Ông kỳ vọng Chính phủ mới sẽ giải quyết được những bức xúc trong xã hội.

Đánh giá về kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, ông có thể tóm gọn thế nào?

Năm năm qua, mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, bối cảnh trong nước cũng khó khăn không kém, nhưng kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát đã được chuyển từ trạng thái kiềm chế sang kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh .

Có thể nói, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII rất thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo khi số hộ nghèo năm 2015 giảm còn 4,5% so với mức 14,2% đầu nhiệm kỳ; thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 1.517 USD năm 2011 lên 2.109 USD năm 2015. Cùng với đó, hàng loạt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, người nghèo, người cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số… được triển khai.

Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, dư luận xã hội cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao ông Đinh La Thăng với tư cách là tư lệnh ngành. Ông có nghĩ như vậy?

Đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội và cả báo chí đánh giá rất cao ông Đinh La Thăng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải về sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nên tôi không đánh giá thêm nữa.

Tôi chỉ muốn nói điều mà ngành giao thông - vận tải chưa làm được và đang là bức xúc trong xã hội, đó là tình trạng có quá nhiều trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và phí đường bộ tăng không ngừng do giá thành đầu tư quá cao.

Vẫn biết, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm đường bằng hình thức BOT, người sử dụng đường giao thông phải trả tiền là đương nhiên, nhưng phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn, mức phí giao thông mà người dân, doanh nghiệp phải trả phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và thu nhập thực tế của người dân, đừng để người tham gia giao thông trở thành con tin của nhà đầu tư.

Thế còn lĩnh vực ngân hàng thì sao, thưa ông?

Nhớ lại những năm 2011 - 2013, hàng loạt ngân hàng đứng bên bờ vực phá sản, tính thanh khoản nằm trong trạng thái báo động - hậu quả của thời kỳ thị trường tài chính tăng trưởng quá nóng trước đó. Nhưng chỉ sau một thời gian tái cơ cấu, kỷ luật, kỷ cương đã được thiết lập trở lại bằng nhiều giải pháp rất mạnh mẽ như sáp nhập, mua lại ngân hàng yếu kém; xử lý mạnh mẽ nợ xấu; can thiệp vào thị trường vàng bằng giải pháp thị trường; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt…

Kết quả đạt được rất khả quan khi lãi suất giảm khoảng 40%, nợ xấu xuống còn khoảng 3%, niềm tin vào VND được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng liên tục…

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, tái cơ cấu ngân hàng mới chỉ ở giai đoạn đầu; chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng vẫn còn thấp; năng lực tài chính, quản trị, kiểm tra, giám sát nội bộ của một số tổ chức tín dụng còn yếu.

Giáo dục, đào tạo, y tế, an toàn thực phẩm là những lĩnh vực được dư luận đánh giá rất thấp. Ông có cùng quan điểm không?

Không chỉ có nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, mà hàng chục năm nay, lĩnh vực giáo dục - đào tạo năm nào cũng đổi mới, năm nào cũng thử nghiệm, nhưng dường như chưa tìm được lối thoát. Học vị thạc sỹ, tiến sỹ, đề tài nghiên cứu nhiều “vô thiên lủng”, nhưng không áp dụng được vào cuộc sống, mà chủ yếu để ngăn tủ, làm đẹp hồ sơ cho chủ nhân của nó khi lên chức, lên quyền.

Trong khi đó, trong vòng 10 năm trở lại đây, nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là rất lớn. Mỗi năm, ngân sách nhà nước dành 2% tổng chi cho lĩnh vực này, chưa kể hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ đã được phát hành để nâng cấp hệ thống bệnh viện. Nhưng thực tế, dịch vụ y tế tối thiểu nhất là mỗi bệnh nhân nằm một giường mà nhiều lúc, nhiều nơi chưa đáp ứng được.

Đó là lỗi của ngành y tế, đồng thời cũng có lỗi của cả xã hội do bệnh tật ngày càng nhiều vì kiểm soát an toàn thực phẩm quá kém. Vấn đề này là trách nhiệm của cả xã hội, các cấp, các ngành và mọi người dân, chứ không phải là trách nhiệm riêng của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.

Kết thúc nhiệm kỳ, Quốc hội vẫn đau đáu với nợ công, bội chi
Chính phủ thừa nhận bội chi còn cao, không đạt mục tiêu giảm bội chi về mức 4,5% GDP vào năm 2015 (năm 2015 bội chi là 6,115 GDP). Nguyên nhân chính của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư