Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dấu ấn hạ tầng kết nối đô thị miền Trung
Minh Khuê - 09/10/2017 09:05
 
Hạ tầng được xem như huyết mạch xóa nhòa danh giới địa lý, kết nối các đô thị tạo mối liên hoàn trong phát triển, kích thích và hỗ trợ các địa phương miền Trung cùng phát triển.

Từ hàng không…

Nằm ở vị trí trung lộ của cả nước, miền Trung hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường hàng không... Nếu như đường sắt chỉ đơn thuần là vận chuyển hành khách và hàng hóa, thì hàng không và đường bộ là hai loại hình đặc biệt quan trọng, tạo nên sức hút cho miền Trung đối với các nhà đầu tư.

Vì vậy, bên cạnh những sân bay kết nối đã được nâng cấp, mở rộng, như các sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, thì các sân bay khác cũng đang lên kế hoạch xây dựng thành trung tâm vận chuyển của quốc gia, khu vực, như Phù Cát, Tuy Hòa, Đồng Hới, thậm chí, có những sân bay được quy hoạch tầm quốc tế về đào tạo phi công, bảo dưỡng máy bay, logistics... như Chu Lai (Quảng Nam).

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tạo lợi thế rất lớn để đô thị Đà Nẵng phát triển.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tạo lợi thế rất lớn để đô thị Đà Nẵng phát triển.

Lẽ dĩ nhiên, khi quy hoạch xây dựng các sân bay này, lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành Trung ương đã có định hướng phát triển rõ ràng.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, cần kíp phải mở rộng Sân bay Phù Cát để kết nối các đô thị trong nước, quốc tế và tạo lập các tuyến bay quốc tế đến các quốc gia trên thế giới vì những năm qua, nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... đến Bình Định tìm hiểu cơ hội đầu tư rất nhiều.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhận nhận, Phú Yên hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông, nhưng hướng theo loại hình nào cũng khó. Gần đây, đường bộ đã khai thông phía Nam với việc thông hầm Đèo Cả, phía Bắc còn trắc trở do hầm đèo Cù Mông đang được xây dựng. Với hàng không, hiện nay, các hướng tuyến bay từ TP.HCM và Hà Nội đến Phú Yên không đều đặn, khiến địa phương bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư...

Hay như Sân bay Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai đang là điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư khi ở đây đã và đang hiện diện trung tâm công nghiệp ô tô và sắp đến là siêu dự án điện khí... “Các dự án này sẽ tạo nên nhu cầu đi lại, lượng hàng hóa trung chuyển rất lớn... Sân bay Chu Lai cần sớm được nâng cấp, mở rộng thành sân bay khu vực và quốc tế”, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai nói.

Gần đây, khi làm việc với các địa phương về dự án sân bay, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, nhu cầu của địa phương là rất lớn, nhưng kinh phí đầu tư có hạn, nên việc huy động xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết. Do vậy, khuyến khích các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

… đến những chiếc cầu và hệ thống đường bộ

Điểm nhấn quan trọng đối với đô thị Đà Nẵng là những cây cầu. Khởi đầu là cầu Sông Hàn được xây dựng dựa vào đóng góp của nhân dân. Sau đó, với chiến lược mở rộng không gian đô thị sang phía Đông, Đà Nẵng đã dồn sức đầu tư hàng loạt cây cầu như cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… Những chiếc cầu này không chỉ mở toang cánh cửa phát triển đô thị Đà Nẵng, mà còn tạo nên kiến trúc đô thị độc đáo cho Đà Nẵng.

Ở miền Trung, đa số các thành phố dựa vào địa thế ven sông, như Quảng Ngãi có sông Trà Khúc, Quy Nhơn có sông Hà Thanh, Tuy Hòa có sông Đà Rằng... Sông không chỉ tạo nên điểm nhấn cho đô thị thịnh vượng, mà còn là điểm tựa để tô vẽ thêm kiến trúc đô thị thông quan những chiếc cầu ấn tượng.

Bên cạnh hàng không, miền Trung những năm qua đã được đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực đường bộ. Liên tiếp các dự án đưa vào khai thác đã kích thích kinh tế, kết nối liên hoàn và đảm bảo an toàn giao thông, như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1. Đặc biệt, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140 km đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng 65 km đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho phía Tây các địa phương này phát triển.

Trong khi đó, tuyến ven biển đã thực sự gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư khi chính quyền các địa phương tham vọng xây dựng những đô thị ven biển dọc tuyến đường này. Trong đó, trong tuyến ven biển từ Đà Nẵng đi Hội An đã xuất hiện hàng chục dự án nghỉ dưỡng, đô thị nhà ở. Rồi từ Hội An, thông qua cầu Cửa Đại, Quảng Nam đã xây dựng chiến lược 6 nhóm động lực vùng Đông để phát triển những đô thị nghỉ dưỡng.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vùng phía Đông Quảng Nam chính là đô thị vùng lõi của Quảng Nam trong tương lai.

Tiếp theo, tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh của Quảng Ngãi cũng đang được tỉnh này gấp rút triển khai, trong đó có việc xây dựng cầu Cửa Đại vào cuối tháng 11 năm nay. “Tuyến ven biển sẽ kết nối các đô thị Dung Quất, TP. Quảng Ngãi, Đức Phổ, Sa Huỳnh...”, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Ông Hồ Quốc Dũng đánh giá, nhờ có tuyến ven biển mà đô thị Quy Nhơn - Sông Cầu được quy hoạch thành đô thị chung, tạo động lực liên kết giữa Phú Yên và Bình Định.

“Nhờ có tuyến ven biển nối từ TP. Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô (Phú Yên) đã tạo ra quỹ đất sạch với cơ chế ưu đãi thông thoáng cho nhà đầu tư. Từ tuyến này, đô thị Tuy Hòa sẽ mở rộng và kết nối với Nam Phú Yên, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) trong tương lai”, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ.

Kinh tế miền Trung: Không phát triển được nếu bị chia cắt về không gian địa lý
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, liên kết vùng là câu chuyện thời sự không chỉ ở Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng không thể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư