Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đấu thầu online: Lợi thì có lợi, nhưng chưa chịu làm
Phan Long - 28/02/2014 15:09
 
Do yêu cầu về hạ tầng máy tính mạng quá cao, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, doanh nghiệp cũng hạn chế, cùng với việc chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ đã cản bước đấu thầu điện tử phát triển rộng hơn. Cải cách đăng ký kinh doanh là yêu cầu khách quan
Hạ tầng mạng kém, trình độ cán bộ hạn chế cũng gây trở ngại cho việc áp dụng đại trà đấu thầu điện tử.
Đầu thầu qua mạng tạo sự công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí

Ngày 28/02/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn 2012 -2013 và đề xuất lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng trong những năm tiếp theo.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Lê Văn Tăng, giai đoạn năm 2011- 2013, số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 20 lần.

Trong hai năm 2012-2013, số lượng nhà thầu đăng ký tham gia sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn cũng tăng 650%, số lượng bên mời thầu tăng 460%.

Đấu thầu điện tử góp phần tiết kiệm rất lớn vì giảm thiểu chi phí đi lại, in ấn, cũng như hạn chế tiêu cực.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết thêm, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Singapore, Australia…, đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 3-20% giá gói thầu và trung bình là 10%.

Tại Việt Nam, đấu thầu theo hình thức thông thường chỉ tiết kiệm khoảng 1% giá trị gói thầu. Nếu áp dụng đấu thầu qua mạng, lượng tiết kiệm sẽ rất lớn khi tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng khoảng trên 20 tỷ USD.

Nhấn mạnh đến yếu tố công khai, minh bạch, chống tham nhũng, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng đầu thầu qua mạng từ lâu và đến năm 2015, đấu thầu điện tử là việc bắt buộc đối với toàn bộ thành viên EU.

Vị đại diện này cũng cho biết, tỷ lệ tăng trưởng nhanh của các gói thầu qua mạng trong thời gian qua cho thấy cả chủ đầu tư và nhà thầu đều nhìn thấy lợi ích của đấu thầu điện tử.

Lợi ích lớn như vậy, nhưng đấu thầu điện tử vẫn đối mặt với không ít trở ngại. Một trong những vấn đề còn vướng mắc để áp dụng đại trà đấu thầu qua mạng hiện nay, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, là do yêu cầu về hạ tầng máy tính mạng quá cao, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, doanh nghiệp cũng hạn chế nên ngại tiếp cận cái mới.

“Năm 2013, chúng tôi dự kiến có 10 gói thầu tham gia đấu thầu qua mạng, nhưng rốt cuộc chỉ có 3 gói cũng vì những lý do trên. Ngay ở Hà Nội còn như vậy, nên việc khó áp dụng đại trà ở các tỉnh, khi hạ tầng và trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế hơn là điều dễ hiểu”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đánh giá.

Cùng quan điểm này, đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho hay, đấu thầu qua mạng yêu cầu hạ tầng máy móc, công nghệ cao nhưng trang web http://muasamcong.mpi.gov.vn lại chỉ hỗ trợ trình duyệt web duy nhất là IE phiên bản từ 6.0-10.0, ngoài ra không hỗ trợ các trình duyệt khác.

Dung lượng hồ sơ dự thầu tối đa cho phép gửi là dưới 20MB và dưới 10file nên gây khó khăn với gói thầu có lượng hồ sơ dự thầu lớn.

Đặc biệt, giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ, chưa được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật khiến các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn khi giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra hay khi làm việc với các ngân hàng nên nhiều đơn vị vẫn ngại tham gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư