Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư 6.378 tỷ đồng nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải cho tàu trên 100.000 DWT
Anh Minh - 14/07/2016 21:14
 
Dự án nạo vét, cải tạo tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải cho tàu trên 100.000 DWT theo hình thức PPP nếu được thông qua sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác từ quý I/2019.
Tuyến luồng tàu biển Cái Mép-Thị Vải sẽ được nâng cấp, cải tạo luồng để tiếp nhận tàu biển trọng tải trên 100.000 DWT ra vào bến cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải
Tuyến luồng tàu biển Cái Mép-Thị Vải sẽ được nâng cấp, cải tạo luồng để tiếp nhận tàu biển trọng tải trên 100.000 DWT ra vào bến cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải

Theo đề xuất của liên danh nhà đầu tư Cienco1 – Cái Mép – Thái Sơn, Dự án có mục tiêu cải tạo, nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải (từ phao số 0 đến khu cảng Gò Dầu) để có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải trên 100.000 DWT ra vào thường xuyên các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải; tàu trọng tải 60.000 DWT ra vào các bến cảng khu vực Mỹ Xuân – Phước An và tàu trọng tải 30.000 DWT ra vào các bến cảng khu vực Gò Dầu.

Để đạt mục tiêu này, các nhà đầu tư tính toán cần nạo vét khoảng 22 triệu m3 trên tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải, trong đó đoạn từ phao số 0 đến cảng CMIT có khối lượng nạo vét lớn nhất – 6,83 triệu m3; đoạn CMIT đến SP – PSA – 5,34  triệu m3; đoạn cong “S” – 6 triệu m3; đoạn SP – PSA đến SITV 2,23 triệu m3; đoạn SITV đến Tắc Cá Trung – 3,95 triệu m3; đoạn Tắc Cá Trung – Gò Dầu – 2,68 triệu m3.

Tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 6.378 tỷ đồng, trong đó phân kỳ đầu tư giai đoạn trước năm 2020 – nạo vét đoạn phao số 0 đến cảng CMIT cần khoảng 1.375 tỷ đồng.

Trong đề xuất đầu tư, liên danh Cienco1 – Cái Mép – Thái Sơn không nêu rõ phương thức thu phí hoàn vốn nhưng cho biết là sẽ hoàn vốn trong vòng 20 năm 4 tháng.

Được biết, trong dự án Nghiên cứu phát triển cảng phía Nam Việt Nam của JICA, tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải đoạn từ phao số “0” vào đến bến cảng tổng hợp Thị Vải (ODA) đã được nghiên cứu nâng cấp. 
Trong giai đoạn lập thiết kế chi tiết cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải, tuyến luồng được nghiên cứu thiết kế cho cỡ tàu lớn nhất là 75.000DWT đầy tải và tàu 80.000DWT giảm tải. Lượng hàng thông qua luồng được dự báo cho các giai đoạn 2010-2020 là 16,8 triệu tấn/năm và 26,8 triệu tấn/năm.
Thực tế, sản lượng hàng hóa qua cảng và quá cảnh năm 2010 đạt 124,4 triệu tấn, gấp hơn 2,5 lần kết quả dự báo của JICA năm 2010 và vượt cả số dự báo năm 2020 của JICA.
Đối với khu vực Cái Mép-Thị Vải, chỉ riêng hàng khô qua cảng năm 2010 (16.837 triệu tấn) đã tương đương con số dự báo hàng qua luồng của khu Cái Mép-Thị Vải theo nghiên cứu của JICA, nếu kể thêm hàng lỏng và hàng quá cảnh thì con số đã vượt khá nhiều, đặc biệt là trong những năm vừa qua khối lượng hàng quá cảnh các cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải tăng lên khá nhiều, đạt từ 8,73 triệu tấn (năm 2010) lên 25,65 triệu tấn (năm 2011) và đạt 19,30 triệu tấn (năm 2014).
“Như vậy, khả năng thông qua của toàn tuyến luồng cần được nghiên cứu bổ sung một cách chi tiết hơn để có thể đáp ứng lượng hàng thông qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải năm 2020 theo Quyết định 3327/QĐ-BGVT là từ 101,6-109,2 triệu tấn,” ông Đỗ Hồng Thái, Phó cục trưởng Cục Hàng hải cho hay.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như các đoạn cong có bán kính cong khá nhỏ trên luồng hoặc tuyến bến của Tân Cảng Cái Mép được xây dựng lấn ra phía luồng cũng tiềm ẩn một nguy cơ lớn đối với an toàn hàng hải trên luồng; các phương tiện thủy nội địa lưu thông với mật độ lớn, neo đậu không đúng quy định; các khu vực đón trả hoa tiêu phía đầu luồng hoạt động còn tồn tại một số bất cập... đều tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra tai nạn hàng hải, nếu xảy ra một tai nạn đâm va trên luồng là mọi hoạt động của toàn bộ hệ thống cảng phía thượng lưu có thể sẽ bị tê liệt.

Tìm cửa ra cho Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, hoạt động của Cảng Cái Mép – Thị Vải còn nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư chưa cao, còn gây khó khăn cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư