Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đầu tư 3.845 tỷ đồng phát triển ngành cơ khí Cần Thơ
Nam Việt - 09/01/2018 16:33
 
Ngày 9/1, Sở Công thương TP. Cần Thơ đã tổ chức công bố Quy hoạch phát triển ngành cơ khí TP. Cần Thơ đến 2025, định hướng đến 2030 với tổng số vốn đầu tư 3.845 tỷ đồng, nhằm nâng dần tỷ lệ nội địa hóa trong ngành cơ khí Việt Nam.
Thiết bị cơ khí tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc.
Thiết bị cơ khí tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Theo đề án, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành cơ khí Cần Thơ đến 2025 đạt 12,5%, năm 2030 đạt 13%. Tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế tạo chế biến trong cùng thời kỳ từ 1-2%...

Giai đoạn đến 2025, tập trung phát triển các phân ngành: sản xuất cấu kiện kim loại, thùng bể, nồi hơi, tạo phôi xử lý bề mặt; cơ khí nông nghiệp thủy sản, chế tạo máy khác, sửa chữa và lắp đặt máy móc thiết bị..., tăng giá trị sản xuất đến năm 2025 là 2,14%; năng suất lao động bình quân 7 %/năm.

Giai đoạn đến 2026 - 2030, tập trung các phân ngành: tạo phôi, xử lý bề mặt, cơ khí  nông nghiệp, thủy sản; sản xuất máy chế biến thực phẩm, đóng tàu, y tế... tăng giá trị sản xuất đến năm 2030 là 2,25%;  năng suất lao động bình quân 8%/năm.

Định hướng đến 2030, ngành công nghệ cơ khí TP. Cần Thơ đạt trình độ công nghệ thiết bị tiên tiến, sản xuất sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao tương đương 20 địa phương hàng đầu cả nước, đáp ứng nhu cầu sản phẩm dịch vụ cho các ngành kinh tế chủ lực của Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2015 số doanh nghiệp cơ khí Cần Thơ tăng 2,69 lần so với năm 2005 (65 doanh nghiệp).  Nhưng khi so sánh ngành cơ khí Cần Thơ  với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ đứng ở vị trí thứ 5 sau Long An, Bến Tre,Tiền Giang, An Giang và vị trí thứ 31/63 tỉnh thành trong cả nước.

Kết quả khảo sát của nhóm soạn thảo quy hoạch Đề án thực hiện vào tháng 1/2016 đối với 11 doanh nghiệp cơ khí của Cần Thơ dựa trên các tiêu chí tuổi làm việc của máy và mức độ áp dụng tự động hóa cho thấy:  trình độ thiết bị công nghệ lạc hậu có 04 doanh nghiệp (36,4%), trung bình có 05 doanh nghiệp (45,4%), trình độ khá có 2 doanh nghiệp (18,2%). Theo PGS TS Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng Khoa Công nghệ (ĐH Cần Thơ) thì ngành cơ khí TP. Cần Thơ nằm ở mức trung bình thấp.

Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ cho biết, sắp tới doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành cơ khí nói riêng phải đối đầu với những thách thức lớn khi tham gia hoàn toàn vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), AFTA... và các hiệp định thương mại song phương, đa phương nên phải cạnh tranh với nền cơ khí của các nước phát triển, nếu chúng ta không kịp thời có chiến lược phát triển  thì ngành cơ khí sẽ không có đủ sức cạnh tranh với các nước khác.

Hiện TP. Cần Thơ kêu gọi nhà đầu tư vào 10 dự án ngành cơ khí đến năm 2025, định hướng năm 2030 với tổng số vốn 980 tỷ đồng, tại các khu công nghiệp Ô Môn, Trà Nóc, Hưng Phú, Thốt Nốt, Cái Răng:

1/ Trung tâm công nghệ tạo mẫu nhanh

2/ Trung tâm công nghệ nhiệt luyện và xử lý bề mặt

3/ Đúc phôi chính xác

4/ Chế tạo khuôn

5/ Sản xuất bánh răng và trục răng. chi tiết hộp số

6/ Sản xuất máy nông nghiệp

7/ Đóng mới, sửa chữa tàu và phương tiện nổi

8/ Sản xuất khí điện cụ

9/ Trung tâm nghiên cứu, sửa chữa máy thủy Đồng bằng sông Cửu Long

10/ Trung tâm kho vận và khởi nghiệp cơ khí Nam Việt

VINFAST: Sử dụng nhân lực điện tử, cơ khí có tay nghề theo tiêu chuẩn Đức
Ngày 27/10, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST và Phòng thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo nghề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư