Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư cần tương xứng với tiềm năng
Hải Hà - 30/07/2017 21:20
 
Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) diễn ra tại Hà Nội vào ngày mai (31/7), dưới sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề.

Du lịch là một trong 3 chủ đề được lựa chọn thảo luận tập trung tại Diễn đàn nhằm tìm ra chính sách phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp các doanh nghiệp đứng vững hơn trong môi trường cạnh tranh, tiến tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.

Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn xin đăng phỏng vấn đại diện một số doanh nghiệp du lịch trước thềm Diễn đàn này.

.
Bà Đinh Nguyệt Ánh

Đầu tư cần tương xứng với tiềm năng

Đầu tư về du lịch của Chính phủ tuy đang cải thiện song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch. Bà Đinh Nguyệt Ánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vietrantour khẳng định.

Theo bà, du lịch có đóng góp thế nào trong tổng thể nền kinh tế hiện nay?

Du lịch từ chỗ chỉ là hoạt động nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, đến nay, ngành “công nghiệp không khói” này đang trên đà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như theo mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tính đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mặc dù du lịch Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước trên thế giới, song vai trò của nó đã thể hiện rõ qua việc đóng góp vào nền kinh tế 13 tỷ USD, chiếm khoảng 9,4% GDP (theo tính toán của Tổ chức du lịch thế giới và Hội đồng du lịch lữ hành thế giới năm 2012); giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần truyền bá hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới và bảo tồn nhiều sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành thể hiện qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30 lần từ 250.000 người (năm 1990) đến 7,57 triệu (năm 2013), khách du lịch nội địa trong vòng 23 năm cũng tăng mạnh liên tục từ 1 triệu lên con số 35 triệu lượt.

Du lịch Việt Nam chiếm 8,2 % thị phần khu vực ASEAN (năm 2013). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành du lịch vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Bà vừa nhắc tới những tồn tại của ngành du lịch, cụ thể những tồn ở đây là gì?

Theo tôi có 5 tồn tại chính. Thứ nhất, chúng ta chưa có một hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết việc tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan xúc tiến du lịch thống nhất từ Bộ tới Tổng Cục Du lịch.

Thứ hai, nguồn nhân lực du lịch vẫn bị hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Thứ ba, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập như nạn cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường….

Thứ tư, so với các nước trên thế giới và trong khu vực, đầu tư về du lịch của Chính phủ tuy đang cải thiện song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của nước ta. Ví như một năm, Chính phủ Thái Lan bỏ ra khoảng 80 triệu USD để quảng bá du lịch quốc gia với trên 20 văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài. Việt Nam chưa có một văn phòng đại diện ở nước ngoài nào và ngân sách hàng năm chỉ có khoảng 2 - 3 triệu USD.

Thứ năm, ngành du lịch đang cho thấy những hạn chế vĩ mô như: thiếu sản phẩm du lịch chủ lực mang đậm bản sắc dân tộc, sự phối hợp, nhận thức giữa các cấp, ngành, địa phương về du lịch chưa đồng bộ; sự quy hoạch và đầu tư đúng tầm nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí còn thiếu; bất cập trong định vị các thị trường mục tiêu....

Vậy theo bà đâu là giải pháp giải quyết những tồn tại này?

Tôi đề xuất sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.... để thúc đẩy tính liên ngành, phối hợp đồng bộ từ hàng không - điểm đến - xuất nhập cảnh và xúc tiến. Ngành cũng phải có đơn vị chuyên trách xúc tiến du lịch. Việc nới lỏng chính sách miễn thị thực thời gian qua được các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao. Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực nên được tiếp tục mở rộng.

Lý do là các nước trong khu vực như Singapore miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Malaysia miễn thị thực cho công dân của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân của 55 nước và cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu. Thái Lan cũng phối hợp với Campuchia triển khai chính sách thị thực chung. Qua sự so sánh này có thể dễ hiểu vì sao Việt Nam đứng thứ 16 trong xếp hạng các quốc gia có tiềm năng du lịch trên thế giới nhưng lượng khách quốc tế đến chúng ta lại không thể bằng 30% lượng khách đến Thái Lan.

Do vậy, việc xem xét vấn đề chính sách thị thực thông thoáng hơn sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Theo ước tính vào năm 2030, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới với 187 triệu lượt.

Việc đưa ra giá thành dịch vụ du lịch cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực sẽ đem lại lợi ích lớn cho ngành. Trên thực tế, giá dịch vụ mặt đất của Việt Nam cao gấp đôi so với các quốc gia xung quanh.

Cụ thể, cùng một đối tượng khách ở dịch vụ 3 sao, dịch vụ mặt đất tính cho một đầu khách/ đêm ở Thái Lan là 22,5 USD, ở Malaysia là 30 USD, Trung Quốc 40 USD, còn ở Việt Nam là 70 USD.

Cùng với đó, giá dịch vụ lưu trú ở Việt Nam cao hơn 20-25%, ăn uống cao hơn 30-35%, giá dịch vụ vận chuyển ở Việt Nam cũng cao hơn khoảng 12%-20%, đặc biệt là vé máy bay nội địa rất cao, thậm chí có lúc cao điểm mùa hè, mùa xuân tăng gấp đôi.

Trong khi sản phẩm du lịch sử dụng các yếu tố đầu vào từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau thì sự hỗ trợ của các ngành liên quan vẫn chưa chặt chẽ.

Do đó, các cơ quan chức năng tại trung ương và địa phương cần có chính sách cụ thể như giảm thuế (mức phần trăm giảm thuế tương ứng với tỷ lệ giảm giá) cho các hệ thống khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, cơ sở vui chơi giải trí, các dịch vụ, hệ thống bán hàng lưu niệm du lịch đặc trưng của các vùng, miền trên phạm vi cả nước… để từ đó, cung cấp cho các công ty lữ hành trong cả nước các gói sản phẩm chất lượng với giá thành hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch.

Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ tối đa từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Chỉ riêng việc chia sẻ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị lữ hành tham gia các sự kiện như: Hội chợ du lịch quốc tế tại các nước bạn. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan quản lý cũng cần lắng nghe những ý kiến góp ý, đề xuất của các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp bởi chính họ, chứ không phải ai khác, sẽ là người hiểu rõ nhất về các phân khúc thị trường tiềm năng, các sản phẩm du lịch đặc sắc mang bản sắc riêng của Việt Nam có khả năng thu hút khách du lịch quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF): Cơ chế đối thoại thường xuyên từ doanh nghiệp
Cam kết không vì lợi ích nhóm của các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) đang mở ra một cơ chế đối thoại mới giữa doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư