Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư cổ phiếu "vua": Dài hạn hay lướt sóng?
 
Kết quả kinh doanh năm 2017 ấn tượng, cùng xu hướng tăng điểm của VN-Index và làn sóng lên sàn của nhiều ngân hàng đã tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vua”. Trong bối cảnh TTCK được dự báo sẽ tiếp tục tích cực, khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng nên “lướt sóng” hay cần có chiến lược dài hơn là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Việc chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm trong năm qua có đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng
Việc chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm trong năm qua có đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu “vua” đồng loạt tăng giá

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1, giá các cổ phiếu “tân binh” ngân hàng như HDB, VPB đạt lần lượt 45.500 đồng/CP và 48.000 đồng/CP, vượt khá xa so với mức giá ngày chào sàn tương ứng là 33.000 đồng/CP và 39.000 đồng/CP. Trong khi đó, các “cựu binh” như VCB, ACB, MBB… cũng có mức tăng rất ấn tượng từ 40-70% trong thời gian qua.

Không chỉ trên sàn niêm yết, sự tích cực cũng đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường OTC hay UPCoM. Đơn cử, hồi đầu 2017, giá cổ phiếu TCB của Techcombank trên OTC được giao dịch khá lẻ tẻ với giá hơn 10.000 đồng/CP, nhưng sau đó bắt đầu tăng dần lên mức 20.000-30.000 đồng/CP. Thậm chí, những ngày đầu tháng 12/2017, mỗi cổ phiếu TCB đã được đẩy lên gần 60.000 đồng.

Theo các chuyên gia, mức lợi nhuận cao đạt được trong năm 2017, nợ xấu dần được đẩy lùi kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017, tín dụng cải thiện, sức khỏe ngân hàng hồi phục sau giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc… đã tác động tích cực lên cổ phiếu “vua”.

“Đà tăng của nhóm cổ phiếu này là một trong những động lực chính giúp VN-Index cán mốc 1.000 điểm trong năm 2017”, một chuyên gia nhìn nhận.

Đầu tư dài hạn hay lướt sóng?

Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2018, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, kinh tế đang trên đà tăng trưởng nên hoạt động ngân hàng trong năm nay sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực.

“Cùng với đó, thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh phát mãi tài sản, thu hồi nợ xấu và khơi thông dòng chảy tín dụng. Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm qua đạt trên 19% và khả năng năm nay cũng không thấp hơn mức này”, ông Andy Ho đánh giá.

Nếu mua cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, cần có tầm nhìn dài hạn khoảng 2-3 năm. 

TS. Alan Phạm

Theo nhận định của TS. Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), sau quá trình tái cơ cấu, việc Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 15/1/2018 cũng sẽ góp phần làm lành mạnh bảng cân đối và sức khỏe của các ngân hàng.

“Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2018. Tuy nhiên, câu chuyện ở mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tốc độ tái cấu trúc”, ông Đông đánh giá.

Không chỉ giới chuyên gia, một số tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu tài chính-ngân hàng trong năm 2018. Khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy, có hơn 45% đối tượng được hỏi là các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết cho rằng, nhóm cổ phiếu tài chính-ngân hàng sẽ tăng trưởng và có khả năng sinh lời tốt nhất TTCK trong năm nay. Tiếp đến là ngành bất động sản-xây dựng và hàng tiêu dùng, với tỷ lệ tương ứng là 29,2% và 20,8%.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng nên nắm giữ dài hạn hay “lướt sóng”?

TS. Alan Phạm, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, bởi thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết không thường xuyên có những đợt tăng giá mạnh như thời gian qua.

“Nếu mua cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, cần có tầm nhìn dài hạn khoảng 2-3 năm”, TS. Alan Phạm nhấn mạnh.

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của giới phân tích. Theo chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán lớn, cần có cái nhìn ở tương lai khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm này.

“Bởi hoạt động của ngành ngân hàng đang trong giai đoạn cuối của quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ ngày càng rõ nét hơn, nên nhà đầu tư cần phải tính toán kỹ khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng”, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Trong khi đó, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chia sẻ rằng, ông không chọn phương thức nắm giữ lâu dài, mà chỉ “lướt sóng” đối với các cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm này.

“Tôi đã sớm chốt lời khi giá một số mã ngân hàng nắm giữ có mức tăng khoảng 25%. Nếu cần, sau đó tôi sẽ mua trở lại”, nhà đầu tư trên nói.

Rót tiền vào cổ phiếu “vua”
Đón đầu xu hướng tích cực trong hoạt động của ngành ngân hàng năm 2018, không ít người, trong đó phải kể đến các sếp ngân hàng, đã rót tiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư