Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đầu tư gần 65.000 tỷ đồng làm 1.380 km quốc lộ ở Tây Nguyên
Như Loan (Theo TTXVN) - 23/05/2015 14:52
 
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục huy động hơn 64.930 tỷ đồng (gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách, vốn BT và vốn BOT) để đầu tư đồng bộ khoảng 1.380 km còn lại của các quốc lộ trên vùng Tây Nguyên nhằm phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Thi công nâng cấp quốc lộ 14C. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Thi công nâng cấp quốc lộ 14C. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Như vậy, hiện nay, ngoài việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) đoạn qua Tây Nguyên dài 553 km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) phấn đấu cơ bản hoàn thành vào tháng 6 năm nay, vượt kế hoạch 1 năm 7 tháng, đây là tuyến trục dọc chính số một để kết nối các hệ thống các tuyến đường ngang, đường hành lang Đông-Tây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kế hoạch thứ tự ưu tiên đầu tư nâng cấp các Quốc lộ 14C, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 29, 55, 28B, 40, 40B và tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, nhất là các tuyến có lưu lượng vận chuyển cao.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải cũng đầu tư, nâng cấp hình thành các tuyến mới kết nối đường 14C với đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông và Quốc lộ 1 để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống giao thông Tây Nguyên.

Bộ Giao thông Vận tải còn nghiên cứu, xúc tiến đầu tư đường sắt nối vùng Tây Nguyên với các cảng biển lớn ở vùng Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, đồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng hàng không, bảo đảm cho các nhà đầu tư, khách du lịch đến Tây Nguyên được thuận tiện hơn.

Chỉ riêng giai đoạn 2012-2015, Nhà nước đã đầu tư trên 33.000 tỷ đồng, gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách, vốn BT và vốn BOT để đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ trên Tây Nguyên.

Hiện nay, các dự án đã hoàn thành, với tổng chiều dài trên 216 km, gồm các dự án là đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kon Tum-Pleiku, đoạn phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột; Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4 qua Lâm Đồng-Đắk Nông; Quốc lộ 27 đoạn qua Lâm Đồng-Ninh Thuận; Quốc lộ 20 đoạn Trại Mát-Lâm Đồng; Quốc lộ 25, Quốc lộ 14C.

Hiện nay hệ thống đường bộ của Tây Nguyên có tổng chiều dài khoảng 32.220 km; trong đó, Quốc lộ có tổng chiều dài 2.100 km, bao gồm 2 trục dọc đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới, đường Trường Sơn Đông. Ngoài ra còn có khoảng 2.030 km đường tỉnh lộ, 25.600 km đường giao thông nông thôn.

Tây Nguyên cũng có 3 cảng hàng không, gồm Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Pleiku (Gia Lai).

Theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng, mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên phân bổ tương đối hợp lý, tạo sự giao thương giữa các tỉnh trong vùng, giữa Tây Nguyên với các vùng Duyên Hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ cũng như đến các cửa khẩu quốc tế Lào-Campuchia, các cảng biển quan trọng khác…

Thông xe thêm 17 km Quốc lộ 1 rộng 4 làn xe qua Ninh Thuận
Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Ninh Thuận dài 17 km quy mô 4 làn xe sư dụng vốn trái phiếu Chính phủ vừa được thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư