Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư nhà máy điện khí tại huyện đảo Phú Quốc
Huy Thịnh - Hoài Anh - 31/03/2013 17:45
 
Dự kiến công suất của nhà máy giai đoạn một là 120 MW, giai đoạn hai (đến năm 2030) là 230 MW đúng theo quy hoạch phát triển điện năng Phú Quốc do Tổng công ty Tư vấn phát triển điện lực 3 lập năm 2011.
TIN LIÊN QUAN

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vừa qua, ông Harald Vartdal , Giám đốc điều hành Công ty Gravifloat (công ty chuyên sản xuất thiết bị nhà máy điện khí hoá lỏng của Na Uy) cho biết, Gravifloat và đối tác liên danh là Tổng công ty Xây lắp Petrolimex 3 đã hoàn tất giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án Xây dựng nhà máy điện khí tại Bãi Xếp, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc.

Dự án được sự chấp thuận chủ trương của Bộ Công thương và UBND tỉnh Kiên Giang vào cuối năm 2011. Theo đó, Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức BOT, chia thành giai đoạn. Trong giai đoạn đầu (từ nay đến năm 2020), nhà máy điện khí sẽ là một tổ hợp gồm ba module chế tạo sẵn, neo nổi trên biển, cách bờ Bãi Xếp 300m. Bên dưới module 1 sẽ là kho chứa khí hóa lỏng (LNG), dung tích 40.000 m3. Module 2 được chia thành bốn ngăn, mỗi ngăn dung tích 5.000m3 để chứa LNG và dầu DO dự phòng cho nhà máy điện khí. Module 3 có chiều dài 80m, sâu 18m, bề mặt nổi rộng 6m sẽ là đập chắn sóng cho nhà máy và là nơi neo đậu tàu chở LNG. Trong điều kiện biển động, các module này sẽ được bơm nước để chìm xuống đáy biển ở độ sâu từ 12 – 20m và được neo cố định để đảm bảo an toàn. Bên trên hai module 1 và 2 sẽ bố trí thiết bị tái hoá khí (regas) công suất lớn, nhà máy điện, nhà ở cho nhân viên, phòng điều khiển vận hành…

Dự kiến công suất của nhà máy giai đoạn một là 120 MW, giai đoạn hai (đến năm 2030) là 230 MW đúng theo quy hoạch phát triển điện năng Phú Quốc do Tổng công ty Tư vấn phát triển điện lực 3 lập năm 2011.

Theo tính toán của Gravifloat và Petrolimex III, LNG là nguồn nhiên liệu sạch và ổn định, giá lại rẻ hơn dầu DO khoảng 40%. Sau khi đi vào vận hành, giá bán điện từ nhà máy điện khí chỉ vào khoảng từ 2.500 – 3.000 đồng/kWh. Đây là một mức giá phù hợp để đàm phán hợp đồng bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Trong tương lai, chúng tôi dự báo giá LNG sẽ còn tiếp tục giảm, do nguồn cung cấp từ Mỹ vận chuyển qua kênh đào Panama khá dồi dào. Đối với dự án này, chúng tôi đánh giá rất cao tính khả thi, do ba yếu tố cơ bản là: tài chính đã được World Bank cam kết ủng hộ, kỹ thuật thì Gravifloat và LMG Marin đảm nhận, nguồn nguyên liệu – như đã nói – sẽ rất phong phú. Chúng tôi cũng tin rằng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công thương, tỉnh Kiên Giang và chính quyền đảo Phú Quốc sẽ ủng hộ dự án này”, ông Harald Vartdal bày tỏ.

Đánh giá cao tính khả thi của Dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng tái khẳng định, tỉnh hoàn toàn ủng hộ xây dựng nhà máy điện khí tại đảo Phú Quốc. Bởi ngoài giải pháp về công nghệ cũng như nguồn nhiên liệu ổn định, thì đây là lựa chọn phù hợp với tiêu chí bảo vệ môi trường cho “thiên đường du lịch biển” của huyện đảo Phú Quốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư