Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư từ Nhật Bản: Khẩu vị đã khác
Nguyên Đức - 02/12/2013 08:47
 
Cùng với lượng vốn đầu tư không ngừng gia tăng, “khẩu vị” và hình thức đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Vốn Nhật tuôn chảy vào các dự án

Vốn đầu tư gia tăng

Khi Bridgestone nhận chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư lên 1,22 tỷ USD đối với dự án sản xuất lốp xe ô tô ở Hải Phòng, hôm 13/11 vừa qua, dư luận không khỏi bất ngờ. Lý do là vì, nhà đầu tư này chỉ mới vừa triển khai xây dựng giai đoạn I Dự án từ giữa năm trước, với tổng vốn đăng ký gần 575 triệu USD.

Nakashima là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên khánh thành nhà máy sản xuất chân vịt tàu biển tại Việt Nam. (Ảnh: Đ.T)

Nhưng thực tế, đó là câu chuyện đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc tới cách đây hơn một năm, khi đề cập việc đang có một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam. “Không chỉ Bridgestone, sẽ có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác nữa tìm đến Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Dự báo đó đã trở thành hiện thực, khi trong hai năm 2012 - 2013, liên tiếp các dự án đầu tư của Nhật Bản đổ vào Việt Nam. Năm ngoái, là 5,59 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay, còn năm nay, sau 11 tháng, con số thậm chí đã cao hơn, lên đến 5,68 tỷ USD.

Nếu để nhắc đến những cái tên Nhật Bản, thì Bridgestone chỉ là một ví dụ. Fuji Xerox cũng vừa khánh thành nhà máy sản xuất máy in ở Hải Phòng, 120 triệu USD. Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư 9 tỷ USD, trong đó hai nhà đầu tư Nhật Bản là Idemitsu Kosan và Mitsui Chemical lần lượt nắm giữ 35,1% và 4,7% vốn, đã chính thức được khởi công xây dựng hôm 23/10, nhân Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Cũng tại sự kiện đó, người đồng hương của Idemitsu - Tập đoàn Mitsubishi - đã ký thỏa thuận đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II, 1.200 MW. Dự án có vốn đầu tư 2,3 tỷ USD này dự kiến khởi công trong năm 2014, để tới tháng 1/2018 sẽ vận hành thương mại.

Vốn đầu tư Nhật Bản vẫn tuôn chảy không ngừng, cho đến nay, đã lên tới hơn 2.000 dự án. Và như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, không chỉ đứng đầu về số lượng dự án và số vốn đầu tư, chất lượng dự án của nhà đầu tư Nhật Bản cũng luôn ở mức cao, đã cam kết là thực hiện và thực hiện nhanh.

Đổi mới khẩu vị và hình thức đầu tư

Tất cả các dự án đầu tư của Nhật Bản vừa kể trên, phần lớn tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, như sản xuất ô tô, xe máy, đồ điện tử, sắt thép, năng lượng…, với mục tiêu sản xuất, gia công ở Việt Nam để xuất khẩu.

Tuy nhiên, những thay đổi đã bắt đầu, khi vốn đầu tư từ Nhật Bản đã hầu như có mặt trong mọi lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm, thậm chí cả “săn đầu người”. Xu hướng sản xuất để xuất khẩu cũng không còn quá mạnh mẽ, mà thay vào đó, là sản xuất để bán ngay tại thị trường Việt Nam. Và cùng với xu hướng thay đổi lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư cũng trở nên phong phú hơn, thay vì chỉ đầu tư trực tiếp, chuyển hướng sang mua bán và sáp nhập (M&A).

Một trong những thương vụ nổi bật nhất, mà cho tới nay, giới đầu tư thường nhắc tới, đó là Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank… Hay Unicharm mua 95% cổ phần của Diana; Sojitz mua 51% cổ phần của CTCP Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Hương Thủy; hay Nicherei Food mua 19% cổ phần của CTCP Thực phẩm Cholimex; Suntory thâu tóm 51% cổ phần của PepsiCo…

Và mới đây (tháng 9/2013), RGIP, trực thuộc tập đoàn giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới Recruit Holdings, đã có một khoản đầu tư chiến lược vào Công ty cổ phần Anphabe, sở hữu 19,8% cổ phần tại mạng cộng đồng các nhà quản lý Anphabe.com. Trước đó, trung tuần tháng 4/2013, En-japan đã trở thành đối tác của Navigos Group để cùng phát triển dịch vụ tuyển dụng nhân sự.

Và điều bất ngờ là, cả trên thị trường M&A, Nhật Bản cũng là nhà đầu tư dẫn đầu, với 1,5 tỷ USD trong hai năm 2011 - 2012. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đón làn sóng thứ ba

“Các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản trước đây chỉ hoạt động trong nước, nhưng hiện khách hàng của họ đã chuyển ra nước ngoài, buộc họ phải tìm cách chuyển theo. Họ có thể chọn cách đầu tư sang Việt Nam, liên kết với DN Việt Nam, có thể là M&A, để sản xuất các sản phẩm phụ trợ cung cấp cho khách hàng của mình”, ông Fukurohata Yoshihisa, chuyên gia công nghiệp của JICA, nhận định, như để khẳng định làn sóng đầu tư thứ ba từ Nhật đang đổ vào Việt Nam - điều đã được dư luận nhắc tới lâu nay.

Tuy nhiên, như Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã khẳng định, làn sóng đó mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào Việt Nam. Bởi lẽ, trong khu vực, Việt Nam không phải là địa điểm đầu tư duy nhất. Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí là Myanmar, Lào, Campuchia cũng đang nổi lên là những địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp hợp tác thúc đẩy đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam”

Đơn vị tổ chức: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nhật Bản Sinkin Central (SCB)

Thời gian: Sáng thứ Ba, ngày 3 tháng 12 năm 2013
Địa điểm: Khách sạn Melia, Lý Thường Kiệt, Hà Nội

* Hội thảo có sự tham gia của đại diện các tổ chức chính phủ Nhật Bản tại Việt Nam như: Cơ quan Đầu tư hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác Nhật Bản (JBIC), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các doanh nghiệp Nhật Bản là khách hàng của SCB đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

* Về phía Việt Nam có đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện Ban quản lý các KCN khu vực phía Bắc, nơi tập trung đông các doanh nghiệp Nhật Bản và một số doanh nghiệp Việt Nam là khách hàng tiêu biểu của BIDV tại địa bàn phía Bắc.

* Hội thảo là diễn đàn thông tin, là cơ hội cập nhật thông tin về chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam đối với Doanh nghiệp FDI nói chung và DN Nhật Bản nói riêng; chính sách của Việt Nam về hợp tác phát triển công nghiệp – thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản. Hội thảo cũng mang đến các chia sẻ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN Nhật Bản đi trước, các lưu ý trong luật Lao động mới…

* Thời gian qua, đón bắt xu hướng làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các Ngân hàng Nhật Bản. Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa BIDV và Ngân hàng Shinkin Central Bank (SCB) vào trung tuần tháng 4/2013.
Theo đó, hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các
DN Nhật Bản là khách hàng của Ngân hàng Shinkin Central Bank tại Việt Nam.

* BIDV cũng đã ký kết MOU với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) nhằm xây dựng cơ chế hợp tác hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Nhật Bản (JSMEs). Đối tượng được hỗ trợ trong thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và JBIC là các doanh nghiệp khách hàng của các ngân hàng vùng Nhật Bản trong quá trình hoạt động của họ tại Việt
Nam. Cùng với việc ký kết này, BIDV cũng thành lập và vận hành Japan Desk, một bộ phận chuyên môn để cung cấp dịch vụ riêng cho các DN Nhật Bản.

* Với việc ký kết với JBIC, BIDV đã vươn dài sự kết nối với nhiều ngân hàng và DN ở Nhật Bản. Bởi chính phủ Nhật Bản đang có chủ trương, thông qua JBIC, tạo cơ chế hợp tác giữa các ngân hàng vùng tại Nhật Bản và các ngân hàng lớn tại Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển thuận lợi nhất cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam. JBIC đã làm việc với Hiệp Hội các Ngân hàng vùng của Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản để tăng cường hợp tác với các định chế tài chính nước ngoài nhằm hỗ trợ các JSMEs khi hoạt động tại nước ngoài.

* Cùng Ngân hàng Nhật Bản Sinkin Central (SCB) đồng tổ chức Hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp hợp tác thúc đẩy đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam" lần này chính là sự cụ thể hóa cam kết mạnh mẽ của BIDV với các ngân hàng Nhật Bản trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Ngân hàng “kết” đối tác Nhật
Sự tương đồng về văn hóa và chiến lược thiên về bán lẻ là những điểm chung rất quan trọng giúp nhiều ngân hàng quyết định “kết hôn”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư