Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Đầu tư vào các khu công nghiệp Đà Nẵng: Bài toán khó đối với các dự án cần quỹ đất lớn
Ngọc Tân - 17/06/2018 11:48
 
Hiện nay việc kêu gọi đầu tư với các dự án lớn cần quỹ đất sạch trên 30ha đang rất khó khăn do tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã ở mức rất cao. Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo về cơ hội mở rộng đầu tư đối với doanh nghiệp do Ban Tuyên giáo Đà Nẵng và Cụm thi đua khen thưởng số 3 vừa tiến hành tổ chức vào ngày 16/6.

Nhà đầu tư trong nước có vai trò rất quan trọng

Tại Hội thảo, báo cáo của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã cấp chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 5.893 tỷ đồng. Cấp mới 61 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI)với tổng vốn đầu tư đăng ký là 76,09 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Có 6 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 27 triệu USD, tăng hơn 33,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Có 12 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 24,135 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng.

“Tính từ đầu năm đến nay, thành phố thu hút được 127,2 triệu USD vốn đầu tư FDI, con số này so với những năm trước rất lớn. Các dự án trong nước trong những năm trước chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên những năm gần đây thì các dự án này đã gần như hoàn thành. Còn những dự án mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nhiều hơn,” bà Huỳnh Liên Phương, Phó giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết

Cũng theo bà Huỳnh Liên Phương thông tin, lũy kế đến nay - tức là kể từ thời điểm Đà Nẵng tách ra khỏi Quảng Nam (1997), Đà Nẵng đã thu hút đầu tư được 609 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD. Trong khi vốn đầu tư trong nước đạt con số lên đến 4 tỷ USD.

Bà Huỳnh Liên Phương đánh giá:“ Các dự án đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của thanh phố Đà Nẵng, đặc biệt là những dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, du lịch. Trong các khu công nghiệp thì cũng có hơn 300 dự án, trong đó các doanh nghiệp trong nước cũng có những đóng góp rất lớn”.

Khó khăn về đất đai

Cũng tại Hội thảo, những bất cập trong việc đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đà Nẵng cũng được các đại biểu nêu ra.

Ông Trần Văn Biên, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng cho biết, hiện nay tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 1.276 ha. Thành phố đã có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động với quy mô diện tích đất quy hoạch là 1.066 ha.

Trong số đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lại đất theo quy hoạch là 810 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 689 ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp đạt đến 84,99%. Như vậy, diện tích đát còn lại có thể cho thuê chỉ còn 121,7 ha.

Ông Biên cho biết:“ Nhìn chung các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay còn lại diện tích đất không nhiều, lại phân tán manh mún, hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư thuê lại lô đất lớn từ 30ha trở lên để thực hiện dự án”.

Theo bà Huỳnh Liên Phương, Phó Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng cho biết:“ Có rất nhiều nhà đầu tư có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên khó khăn khi xem xét đầu tư của nhà đầu tư đó là liên quan đến đất đai do quy trình phức tạp, quy trình lựa chọn đấu giá đấu thầu sử dụng đất, vấn đề này chiếm thời gian dài, nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn chờ đợi.”

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho rằng, khi đi ra quốc tế thì doanh nghiệp chúng ta còn rất nhỏ. Trong khi đó, nhà nước lại dành nhiều ưu đao cho nhà đầu tư nước ngoài, còn với doanh nghiệp Việt Nam thì lại rất khó khắn, trong đó có cả chính sách đất đai.

“Cơ hội để cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường xuất khẩu thì cũng sẽ không kéo dài được đâu, chỉ vào độ khoảng 5 năm thôi. Nên rất mong chính quyền thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Thống nói.

ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) nêu ra bất cập tại KCN Liên Chiểu.
ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) nêu ra bất cập tại KCN Liên Chiểu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) cho rằng hiện nay mối quan hệ giữa lãnh đạo Khu công nghiệp Liên Chiểu và các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp đang có sự bất cập khi không phân định được vai trò quản lý nhà nước, chính quyền tại khu công nghiệp.

“ Hiện nay quản lý Khu công nghiệp Liên Chiểu lại là một doanh nghiệp tư nhân, thuộc Tập đoàn Tân Tạo. Trong khi việc thuê đất thuê cát ở Khu công nghiệp Liên Chiểu đang tồn tại nhiều vấn để bất cập, chúng tôi có kiến nghị thì các anh (doanh nghiệp thuộc Tân Tạo) không lắng nghe mà chỉ làm theo quyền lợi của doanh nghiệp mình. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp hoạt động theo định hướng của thành phố, do đó có những cái giữa hai bên còn nhiều khác biệt. Vì vậy thành phố cần xem xét vấn đề quản lý nhà nước ở khu công nghiệp là như thế nào, trách nhiệm của công ty khai thác quỹ đất đến đâu để làm sao phân định được rõ điều này, để cho các doanh nghiệp yên tâm làm việc. Chúng tôi là những doanh nghiệp trong nước thì có thể đơn giản, còn nếu là doanh nghiệp FDI thì môi trường đầu tư của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng,” ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, hiện nay bốn phía Khu công nghiệp Liên Chiểu đều đang được vây quanh bằng khu dân cư do đó trong tương lai việc tồn tại hay không tồn tại Khu công nghiệp Liên Chiểu phải được thành phố cân nhắc và có định hướng cụ thể để doanh nghiệp được biết và có sự chuẩn bị.

“ Dọc đường lên Bà Nà là khu dân cư cao cấp, cách đó là khu đô thị sinh thái sát cạnh sông Cu Đê, khu du lịch sinh thái ở Nam Ô, rồi Khu đô thị sinh thái Làng Vân…Như vậy thì mức độ yêu cầu về môi trường rất là cao, trong khi đó lại lọt vào một khu công nghiệp ở giữa. Do đó chúng tôi cũng đưa ra dự đoán có khi 10-12 năm tới doanh nghiệp lại phải bắt đầu một đợt di dời mới. Thứ nữa cảnh quan ở đó đang phục vụ du lịch. Do vậy, thành phố cho chúng tôi biết để chuẩn bị tâm thế cho việc này”, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, tại Hội thảo, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng đưa ra thông tin: Khu công nghệ cao Đà Nẵng có khoảng 400 ha đất sạch cho nhà đầu tư. Hiện nay Ban mới chỉ cấp phép đầu tư cho 14 dự án với khoảng 50ha, do vậy diện tích đất sạch sẵn sàng dành cho nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều, với nhiều vị trí đẹp. “Các doanh nghiệp khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng thì sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi rất lớn, có thể nói là mức ưu đãi ở mức cao nhất cho đến nay Việt Nam”, ông Hùng Anh nói thêm.

Đà Nẵng thi tuyển 2 Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ngày 15-6, Hội đồng thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng tổ chức thi tuyển nhằm tuyển chọn ra 2 ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư