Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đẩy mạnh vay ODA, tại sao không?
Mạnh Bôn - 04/11/2014 07:45
 
Đã có nhiều ý kiến khác nhau sau khi Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga lên tiếng đề nghị giảm dần và tiến tới chấm dứt vay vốn ODA. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội xung quanh nội dung này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam bao giờ “tốt nghiệp” ODA?
Đột phá trong giải ngân vốn ODA
3 dự án tín hiệu đường sắt: Lụt tiến độ nhiều năm, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng
Nhiều dự án hạ tầng đón dòng ODA mới từ Nhật Bản
Dự án ODA: Giải nghịch lý giá đắt dù lãi suất thấp

Tổng nguồn vốn ODA mà Việt Nam đã huy động ước khoảng 78 tỷ USD, tương đương 42% GDP. Ông có lo lắng?

Nợ công cao và tăng mạnh trong mấy năm gần đây, trong khi hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ còn thấp, thì nguồn vốn nào tăng cũng lo.

 

Đẩy mạnh vay ODA, tại sao không?

 
  Ông Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội   

Có nghĩa là, ông đồng tình với quan điểm của bà Lê Thị Nga là giảm dần, tiến tới chấm dứt vay vốn ODA?

Tôi lại nghĩ ngược lại, nếu vay được, thì vẫn tiếp tục vay. Thậm chí, coi việc khai thác, huy động nguồn vốn ngoài nước, trong đó có nguồn ODA là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Nhưng dù vay nguồn nào, trong nước hay nước ngoài, vay thương mại hay ODA, thì vấn đề quan trọng nhất là phải đầu tư hiệu quả, sử dụng vốn an toàn, chống thất thoát, lãng phí, không đầu tư dàn trải và phải coi việc bảo đảm an ninh tài chính quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mỗi khi quyết định vay khoản vốn nào.

Vay ODA thường kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc. Vì sao ông lại cho rằng, phải đẩy mạnh vay ODA?

GDP năm 2015 ước tính khoảng 185 tỷ USD, thu ngân sách từ phí, lệ phí và các khoản khác tương đương chưa đến 20% GDP. Với số tiền thu được phải dành 71-72% để chi tiêu thường xuyên, số tiền ngân sách dành cho đầu tư phát triển còn rất ít.

Muốn phát triển kinh tế, ngoài các yếu tố năng suất lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên…, vốn là yếu tố sống còn. Nguồn vốn trong nước có hạn, nên ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng, các dự án có quy mô vốn lớn cần phải huy động nguồn vốn nước ngoài.

Huy động nguồn vốn nước ngoài ở đây phải hiểu đi kèm là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài; khai thông thị trường tài chính để huy động nguồn vốn gián tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán còn phải phải tận dụng, khai thác tối đa nguồn vốn ODA, đồng thời cũng phải tận dụng cả những khoản vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế khác nữa.

Phải chăng, vay ODA có nhiều lợi thế, nên ông dường như rất ủng hộ khai thác nguồn vốn này thay vì khai thác nguồn vốn trong nước?

Trong tổng số nợ công hiện nay có khoảng 50% là nợ nước ngoài, trong đó chủ yếu là vay ODA với thời hạn 20 - 40 năm, lãi suất vay khá thấp, nhiều dự án vay vốn được ân hạn khá dài. Trong khi đó, các khoản vay trong nước qua phát hành trái phiếu chính phủ chủ yếu là thời hạn ngắn (1 - 3 năm).

Vài năm trước, chúng ta cần vốn, nên phải huy động trái phiếu chính phủ với lãi suất cao, giờ đã đến thời điểm trả nợ, trong khi năm 2015, ngân sách bố trí chi trả nợ còn thiếu tới 130.000 tỷ đồng, thì phải huy động mọi nguồn lực để trả nợ, đảo nợ. Nguồn vay ODA như tôi nói có lãi suất thấp, thời gian vay dài, thì tại sao chúng ta không vay để đầu tư, thậm chí vay để đảo nợ?

Nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng, trong bối cảnh nợ công cao, nếu tiếp tục đẩy mạnh vay ODA sẽ đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia…

Nếu nhìn vào con số nợ công tăng nhanh, thì đáng lo thật! Cụ thể, năm 2010, nợ công mới tương đương 51,7% GDP. Năm 2011 và 2012, về số tuyệt đối nợ công vẫn tăng, nhưng so với GDP thì chỉ tương đương 50,1% và 50,8%. Tuy nhiên, năm 2013, nợ công tăng mạnh, tương đương 53,4%. Còn năm 2014, nợ công ước tính khoảng 63% GDP và đến năm 2015, nếu không có gì thay đổi, nợ công tiến sát ngưỡng 65% GDP - mức trần nợ công mà Quốc hội cho phép.

Thế nhưng, xét về mức độ an toàn của nợ công, việc so với GDP chỉ là một tiêu chí, còn nhiều tiêu chí khác quan trọng hơn như tổng nghĩa vụ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách hàng năm, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với tổng kim ngạch xuất khẩu, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với dữ trữ ngoại tệ… Căn cứ vào các tiêu chí này, thì nợ công chưa đến mức quá lo ngại.

Nhưng nhiều người không nghĩ như vậy…

Quan trọng nhất là các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính cung cấp vốn ODA đã đang và vẫn tiếp tục tin rằng, cho Việt Nam vay vốn bảo đảm an toàn, đồng vốn được sử dụng hiệu quả.

Bằng chứng là, vốn ODA cam kết và giải ngân tăng liên tục hàng năm, kể cả khi chúng ta đã ra khỏi nước có thu nhập thấp (năm 2010), điều kiện vay vốn chặt chẽ hơn, nguồn vốn ODA trên thế giới bị hạn chế hơn do kinh tế thế giới rơi vào khó khăn, nhưng số vốn ODA cam kết và giải ngân không hề giảm.

Trong điều kiện nguồn vốn trong nước có hạn, muốn phát triển kinh tế, thì phải đầu tư, phải huy động mọi nguồn vốn để đầu tư, nên không đặt vấn đề vay nguồn nào miễn sao bảo đảm đầu tư hiệu quả, có nguồn tích lũy để trả nợ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư