Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dè chừng tỷ giá
Thùy Liên - 29/07/2015 09:07
 
Kỳ vọng USD tăng giá cùng sự tuột dốc không phanh của vàng đang khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ có nguy cơ tái diễn, đe dọa mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
.
Nhiều khả năng NHNN sẽ bán ra USD can thiệp thị trường nếu tỷ giá cuối năm có dấu hiệu căng thẳng

 

Xuất hiện tâm lý kỳ vọng tỷ giá

Sau một thời gian dài ổn định, đầu tuần này, tỷ giá đang có dấu hiệu nhích nhẹ. Theo đó, Techcombank tăng giá mua thêm 15 đồng lên 21.770 đồng/USD và tăng giá bán thêm 10 đồng lên 21.850 đồng/USD. Agribank giữ nguyên giá USD bán ra, song cũng đã tăng giá mua vào thêm 10 đồng.

Tại thị trường tự do, tại “phố ngoại tệ” Hà Trung (Hà Nội), giá USD mua vào - bán ra là 21.900 - 21.920 đồng/USD, tăng nhẹ so với cuối tuần trước.

Có khá nhiều yếu tố đang gây áp lực cho thị trường ngoại hối trong nước.

Thứ nhất, nhập siêu vẫn tiếp tục tăng cao. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2015, nhập siêu của cả nước đã lên tới 4 tỷ USD. Thứ hai, nguồn thu ngoại tệ từ du lịch giảm. Thứ ba, vàng rớt giá thê thảm (tuần qua, vàng mất giá hơn 4%) cộng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 9 tới khiến nhiều nhà đầu tư đang chuyển từ đầu tư vàng sang đầu tư USD. Thứ tư, thị trường bắt đầu xuất hiện tâm lý kỳ vọng NHNN “nới” biên độ điều chỉnh tỷ giá lên 3%, tức tiếp tục phá giá VND thêm 1% nữa từ nay đến cuối năm.

Theo dự đoán vừa được VinaCapital đưa ra, đến cuối quý III/2015, NHNN có khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá 1% thêm một lần nữa, nâng tổng mức điều chỉnh cả năm lên 3%. Tỷ giá liên ngân hàng chính thức sẽ là 21.890 đồng/USD còn biên độ giao dịch là 21.673 - 22.109 đồng/USD). Trước đó, hồi tháng 6/2015, Ngân hàng ANZ cũng từng dự báo, tỷ giá cuối năm nay có thể vượt mức 22.000 đồng/USD.

Thực tế, những năm gần đây, mức độ phá giá tiền đồng ngày càng tăng. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 6/2015, tỷ giá VND/USD vào khoảng 21.820 VND/USD - tăng gần 1,9% so với cuối năm 2014 - mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua (năm 2012: giảm 1,9%, năm 2013: tăng 1,2%, năm 2014: tăng 1,7%).

Trong báo cáo đánh giá về diễn biến thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo  6 tháng cuối năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu (thuộc BIDV) nhận định, khả năng Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất ngay trong năm 2015. Khi đó, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế tăng, tạo sức ép gián tiếp lên thị trường ngoại hối trong nước. Xu hướng tăng giá của USD cũng sẽ khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ có thể tiếp tục diễn ra, đồng thời trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng có thể biến động mạnh, tác động tiêu cực đến diễn biến tỷ giá.

NHNN ghìm phanh tỷ giá, giữ tiền đồng vẫn lợi hơn USD

Trước thông tin phán đoán về khả năng NHNN có thể nới biên độ tỷ giá cao hơn biên độ cam kết, trả lời báo chí tuần qua, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ kiên định mục tiêu giữ ổn định với biên độ biến động cả năm không quá 2% theo đúng cam kết. Có nghĩa là, từ nay đến cuối năm, sẽ không có thêm đợt điều chỉnh tỷ giá nào nữa. 

Thực tế, dù tỷ giá đang đứng trước nhiều áp lực, song các dòng vốn như FDI, FII, ODA, kiều hối… đổ vào Việt Nam vẫn khá tốt. Hơn nữa, từ năm 2011 đến nay, NHNN chưa bao giờ phá vỡ cam kết về tỷ giá.

Mặc dù tâm lý kỳ vọng tỷ giá mỗi khi thị trường biến động vẫn còn. Song theo các chuyên gia, khả năng NHNN phá giá tiếp tiền đồng từ nay đến cuối năm là rất thấp. Mức biến động vào năm 2016 cũng không lớn và chưa đủ hấp dẫn với USD. Vì vậy, việc chuyển từ tiền đồng sang găm giữ USD là không nên.

TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, nếu tỷ giá cuối năm căng thẳng, thì NHNN sẽ bán USD can thiệp thị trường, chuyển điều chỉnh tỷ giá sang năm 2016 như cách làm đầu năm 2015. Bởi nếu phá giá tỷ giá hơn mức cam kết, sẽ gây mất niềm tin của doanh nghiệp và người dân, làm giảm niềm tin với tiền đồng.

Trước khả năng một bộ phận người dân có xu hướng chuyển từ đầu tư vàng sang găm giữ USD, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, vàng rơi đến ngưỡng nhất định sẽ làm tỷ giá bị ảnh hưởng, nhưng đó chỉ là ảnh hưởng tâm lý. Còn biến động tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào vàng, mà còn bị ảnh hưởng từ biến động kinh tế vĩ mô và sự điều hành của NHNN. Chưa kể, nếu vàng giảm sâu, thì tiền đồng càng có giá, chứ không bị mất giá so với USD.

Ngoài ra, dù USD có xu hướng tăng, song theo lãnh đạo các ngân hàng, với chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD như hiện nay, thì dù USD có tăng giá, nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn. “Lãi suất tiền gửi VND đang cao hơn so với lãi suất USD, nên tỷ giá có tăng nhẹ, cũng không tác động nhiều đến sự dịch chuyển giữa 2loại đồng tiền này. Do vậy, không nên rút VND để mua USD gửi ngân hàng”, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ (BIDV) nói.

BIDV: Có khả năng Ngân hàng nhà nước "cắt" cho vay ngoại tệ
Trung tâm nghiên cứu (BIDV) vừa đưa ra báo cáo đánh giá diễn biến thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2015. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư