Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Để đi đường dài, nên khởi nghiệp cùng người lạ hay người quen?
Như Loan - 11/12/2018 14:36
 
Startup đều bắt đầu từ những mục tiêu chưa thực sự rõ ràng, nguồn lực hạn chế, rủi ro cao khiến người sáng lập rất cô đơn trên con đường tìm kiếm bạn đồng hành, trong khi đó, bất cứ doanh nghiệp nào khi khởi nghiệp cũng đều muốn tiến xa. Vậy chúng ta sẽ tiến xa cùng với ai?

Trong bất kỳ mối quan hệ khăng khít nào, người ta thường cố gắng không làm mất lòng đối phương, kể cả mối quan hệ đồng sáng lập startup. Mỗi người cần có kỹ năng nhất định.

Chương trình Quốc gia khởi nghiệp với chủ đề “khởi nghiệp cùng người lạ hay người thân?”
Chương trình Quốc gia khởi nghiệp với chủ đề “Khởi nghiệp cùng người lạ hay người thân?”

Có nên khởi nghiệp cùng bạn bè, người thân?

Nếu đi hai người, những câu hỏi, sự ngờ vực và cả áp lực từ công việc sẽ khiến cả hai không sớm thì muộn xảy ra mâu thuẫn. Người ta vẫn thường nói “Không sợ kẻ địch tấn công, chỉ sợ đồng đội phản bội”, sự mâu thuẫn sẽ khiến những người bạn đồng hành sớm hay muộn cũng phải chia hai ngả kể cả từng “vào sinh ra tử” cùng nhau.

Với quan điểm chỉ khởi nghiệp với người thân quen, trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp, ông Nguyễn Khắc Nhật, đồng sáng lập viên của CodeGym Việt Nam, cho rằng: Không có mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả giữa việc lựa chọn người đồng hành với thành bại của một startup. Sự an tâm đối với người đi cùng mình rất quan trọng, do đã biết rõ nhau nên việc giao tiếp sẽ thuận lợi hơn.

“Tôi quan niệm địch ở đây là vấn đề chứ không phải là người đồng hành, khi khởi nghiệp với người quen sẽ ít rủi ro hơn”, ông Nhật chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Nhật, đồng sáng lập viên của CodeGym Việt Nam
Ông Nguyễn Khắc Nhật, đồng sáng lập viên của CodeGym Việt Nam

Tuy nhiên, ông Nhật cũng cho rằng, khó khăn khi khởi nghiệp với người thân quen là vấn đề năng lực, bởi, những người cùng khởi nghiệp thường có xu hướng đồng quan điểm với nhau nên nhiều trường hợp sẽ hùa theo nhau, điều đó là không tốt, nhất là trong kinh doanh.

Chia sẻ về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Bình Nguyên, Giám đốc công ty Marketing và Truyền thông Kawaii, cho rằng: “Khởi nghiệp cùng người thân quen sẽ có nhiều khó xử, đặc biệt khi xảy ra xích mích dễ dẫn tới mất lòng nhau. Cùng với đó, sức ép không đủ lớn, đối với người quen do đã hiểu khả năng của họ đến đâu nên thường áp lực đặt lên không nhiều lắm. Trong khi, với một người lạ, mình hoàn toàn có thể đặt ra những yêu cầu đòi hỏi khắt khe để thử thách”.

Ông Nguyễn Thế Thắng, phụ trách phát triển Trading View Việt Nam, cũng khẳng định: “Đối với người thân quen rất khó để nói thẳng có làm được hay không được, thậm chí khi xảy ra mâu thuẫn có thể đánh mất mối quan hệ trong gia đình”. 

Khởi nghiệp với người lạ có dễ thành công hơn?

Với chủ đề này, đứng ở một chí tuyến khác, sau 2 lần trải nghiệm cay đắng khởi nghiệp cùng những người thân quen dẫn tới thất bại, ông Trần Hải Quang, Founder của Clingme nhận thấy “dĩ hòa vi quý” không thể áp dụng khi khởi nghiệp.

Theo ông Quang, nguy hiểm của việc làm với người thân quen là thường không nhìn họ ở con mắt khắt khe đủ để phát hiện ra những dấu hiệu của sự sai lầm lớn trước khi nó thành hậu họa cho công ty: “Khởi nghiệp là tận dụng cơ hội, là tốc độ, cái mà chúng ta ít nhìn thấy là chi phí cơ hội bị mất. Thời gian của startup rất quý, nếu mình cho bạn mình cơ hội thì ai cho công ty mình cơ hội?”.

Ông Trần Hải Quang, Sáng lập của Clingme
Ông Trần Hải Quang, Sáng lập của Clingme

Trong khi đó, ưu điểm của việc khởi nghiệp cùng người lạ là hoàn toàn đánh giá nhau trên công việc và thường có xu hướng minh bạch hơn với nhau. Ngoài ra, những người không quen sẽ có khả năng giỏi hơn và hỗ trợ ta nhiều hơn. Mâu thuẫn giữa những người đồng sáng lập là luôn luôn có, nhưng tuyệt đối không thể dùng tình thân để giải quyết mâu thuẫn trong khởi nghiệp.

“Cái chắc chắn sẽ có trong kinh doanh là mâu thuẫn, tốt nhất là nên thân với người mình làm cùng, sau đó biến người đó thành người thân quen với mình. Niềm tin trong khởi nghiệp đối với người lạ hay người quen là đặt lợi ích công ty lên cao nhất, nếu không có niềm tin đấy thì đừng làm”, ông Quang khẳng định.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn Viz-Start: “Cần phải rõ ràng ngay từ đầu, đặt trách nhiệm đi cùng với quyền lợi, trách nhiệm nhiều hơn thì quyền lợi sẽ nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, trưởng phòng pháp chế Up Co-working Space cũng cho biết: “Đối với các startup thì quan trọng là những hợp đồng tiền công ty, rạch ròi trong việc vốn, phân bậc quyền hạn, trách nhiệm của các nhà đầu tư đối với nhau như thể nào cũng cần phải thể hiện trong hợp đồng này”.

Có thể thấy, trong câu chuyện “Nên khởi nghiệp với người quen hay người lạ?” thì quan trọng là phải có những cách thức làm việc thực sự minh bạch, rành mạch và xác định rõ vai trò để khi xảy ra bất cứ mâu thuẫn nào thì chúng ta đã có những nguyên tắc để làm việc và giải quyết những mâu thuẫn ấy. Hãy hợp tác với những người có tiềm năng và thực sự có thể cùng bạn làm nên thành công.

Chương trình Quốc gia khởi nghiệp là talk show nơi các doanh nhân thành đạt sẽ chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, bình luận các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp, tư vấn góp ý cho những người khởi nghiệp.

Quốc gia khởi nghiệp được tài trợ bởi Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO), phát sóng vào 20h10’ thứ 6, phát lại lúc 15h30’ thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV1. Khán giả có thể theo dõi thêm thông tin về chương trình tại:

Fanpage: Quốc gia khởi nghiệp

Youtube: Quốc gia khởi nghiệp

Quốc gia khởi nghiệp, kiến thức kinh doanh lên ngôi
Tinh thần khởi nghiệp vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, dễ hiểu vì sao các sản phẩm, dịch vụ truyền bá kiến thức kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư