Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Để hàng không Việt bay xa
Anh Minh - 07/11/2016 13:52
 
Mặc dù còn phải đợi ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhiều khả năng, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air) sẽ sớm có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do hồ sơ của doanh nghiệp này đã được Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá là hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu đề ra.
.
Nhưng nhiều khả năng Vietstar Air sẽ sớm có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

Chỉ duy trì đội tàu bay gồm 5 máy bay tầm trung trong năm đầu hoạt động, nhưng sự xuất hiện của Vietstar Air chắc chắn sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh cho thị trường hàng không nội địa hiện gồm 4 hãng. Lẽ dĩ nhiên, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh này chính là hành khách.

Cần phải nói thêm rằng, dù “bay” trong thị trường trường hàng không hơn 93 triệu dân và đang duy trì đều đặn tốc độ tăng trưởng hai chữ số, song Vietstar Air có lẽ là hãng hàng không duy nhất được cấp phép trong vòng 3 năm tới. Số lượng tàu bay đến năm 2021 của Vietstar cũng chỉ được giới hạn là 10 chiếc – vừa với khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông, trong đó có khả năng cung cấp chỗ đậu qua đêm - như nhận định của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không.

Trên thực tế, đã có những quan ngại nhất định của cơ quan quản lý chuyên ngành về nguy cơ  phát triển quá nóng của thị trường. Sự phát triển rất nhanh về số lượng tàu bay trong 3 năm qua gắn với sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng hành khách, hàng hóa chuyên chở… lẽ ra cần được coi là thành tích, nhưng dưới góc nhìn của một bộ phận cơ quan quản lý, đó lại là áp lực nặng nề lên hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không.

Đây là lý do khiến việc “siết”, “quản” sự phát triển đội tàu bay để phù hợp với hạ tầng hàng không được thể hiện khá rõ trong Dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 cùng Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến năm 2030 do Cục Hàng không Việt Nam soạn thảo.

Điều đáng lưu ý là trong khi chờ làm rõ thêm những chỉ dấu về tăng trưởng nóng, thiếu bền vững của thị trường, việc cơ quan quản lý nhà nước cố gắng “gọt cánh” của các hãng hàng không cho vừa “số lượng, quy mô hạ tầng”, rất có thể khiến họ xa dần mục tiêu “kiến tạo”, “bà đỡ”, dẫn đến làm hạn chế sự tự chủ trong hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.

Kinh tế hàng không Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với việc cho phép các hãng bay ngoại có thêm thương quyền đón khách, bản thân các hãng hàng không Việt cùng vươn ra thành lập liên doanh tại nước ngoài. Tuy vậy, sẽ rất khó để các hàng không nội địa tung cánh bay xa, đủ sức cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài nếu như chiến lược kinh doanh của họ bị chốt cứng bởi một hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ trong nước. Vì lẽ đó, các chính sách phát triển thị trường có độ mở để bao quát được các xu hướng phát triển và nhất là phải cụ thể hóa được cam kết của Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.

Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư kỳ vọng để môi trường kinh doanh nói chung, lĩnh vực hàng không nói riêng thực sự bước sang một trang mới với những cải cách lớn, khơi dậy nhiệt huyết, sức sáng tạo của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để hàng không thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Chưa đáp ứng quy định vốn góp, Vietstar Airlines chưa thể cất cánh
Do chưa đáp ứng quy định về vốn góp và xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu ý kiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư