Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Để không lỡ cơ hội đi đường bằng phẳng
Khánh An - 27/05/2013 12:58
 
Thiếu cam kết mạnh mẽ, việc thực thi không quyết liệt về chính sách kinh tế đang cản trở khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Ở kịch bản cao hơn, mức tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 5,3%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5,5% đã được Quốc hội phê duyệt.

Sáng nay, tại buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013 với tiêu đề Trên đường gập ghềnh tới tương lai, VEPR (thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013.

Kịch bản thấp dự báo, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,04%, lạm phát ở mức 4,95%. Trong kịch bản cao hơn, mức tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 5,3%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5,5% đã được Quốc hội phê duyệt. Lạm phát trong kịch bản cao vẫn ở vùng ổn định, khoảng 6,64%.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, Chủ biên Báo cáo cho biết, các kịch bản này được tính theo phương pháp GDP mới, theo giá cố định năm 2010, được cập nhật số liệu đến quý I/2013.

“Hai kịch bản dự báo đều cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2013 tương tự như năm 2012”, ông Thành nói và nhấn mạnh tới xu hướng giảm trong cả tăng trưởng GDP và TFP (năng suất yếu tố tổng hợp).

Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù năm 2013 có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, chỉ số công nghiệp phục hồi nhẹ và còn mong manh, song các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn đáng lo ngại. Đó là tình trạng doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh... “Môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế”, ông Thành phân tích.

Đây là lý do các chuyên gia nghiên cứu tiếp tục đề xuất các giải pháp ngắn hạn và trung hạn gồm giải quyết nợ xấu trong hệ thống tài chính và hồi sinh doanh nghiệp.

Vấn đề dài hạn cần được đặt ra và làm ngay, theo ông Thành, đó là cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp nhà nước trong hoạt động kinh tế, cải cách quan hệ đất đai và cấu trúc thị trường nông nghiệp.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị Chính phủ cần nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh tế vừa qua và sớm định hướng một mô hình mới.

“Nếu tiếp tục né tránh nhận thức một cách dứt khoát và rõ ràng về mô hình mới cho phát triển kinh tế, cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp, các cuộc cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự và Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội đi tới tương lai bằng còn đường bẳng phẳng”, báo cáo kết luận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư