Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đề nghị loại bỏ 16 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Khánh Linh - 01/07/2017 14:02
 
Cho rằng, 16 ngành nghề này không phù hợp với các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, VCCI đề nghị loại bỏ khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
.
Hội thảo công bố Báo cáo Rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh do VCCI và WB thực hiện

Đề xuất này được đưa ra trong Báo cáo Rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh do VCCI và WB thực hiện, vừa công bố.

Sự không phù hợp được nhóm chuyên gia phân tích theo nhiều nghiên nhân.

Có những ngành nghề có tên trong danh mục không phải ngành nghề kinh doanh, tức là không phát sinh lợi nhuận.  Ví dụ kinh doanh dịch vụ logistics. Logistics bao gồm một hoặc nhiều hoạt động như: vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… và mỗi hoạt động đó lại là một ngành, nghề được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành.

“Do đó, khó có thể xem logistics là một ngành và quy định điều kiện kinh doanh chung cho tất cả các hoạt động”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) lý giải.

Tương tự, nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh, không đáp ứng tiêu chí là ngành nghề kinh doanh. Hơn thế, theo nhóm nghiên cứu, giao dịch nhượng quyền là giao dịch dân sự giữa hai doanh nghiệp và nên được giải quyết bằng các biện pháp dân sự.

Hoạt động của tổ chức trọng tài thương mại cũng được đề nghị loại ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì đây không phải là kinh doanh.

“Tôi đã nghiên cứu và không thấy ở đâu coi đây là ngành kinh doanh và áp đặt điều kiện. Chúng tôi đồng ý với đề xuất loại Danh mục này”, bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam chia sẻ quan điểm.

Cùng với danh mục 16 ngành nghề trên, VCCI cũng đưa ra danh sách 10 ngành nghề có tên trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng không rõ phạm vi kiểm soát.

Ví dụ, ngành kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương (Mục 52); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Mục 194).

“Không rõ đây là những loại thực phẩm nào? Liệu có phải là tất cả các loại thực phẩm không (bởi rốt cuộc thì một loại thực phẩm sẽ hoặc là thuộc lĩnh quản lý của một Bộ hoặc nhiều Bộ, cơ bản không có loại thực phẩm nào không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nào cả)”, các chuyên gia nghiên cứu đặt câu hỏi.

Hơn nữa, trong Danh mục có một số loại hàng hóa thực phẩm cũng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương nhưng được tách riêng ra thành các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (ví dụ: gạo, thực phẩm đông lạnh).

Các chuyên gia lo ngại, khái niệm “thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương” có thể chồng lấn với các nhóm hàng này.

Quan điểm của nhóm nghiên cứu là quan trọng nhất trong kiểm soát thực phẩm chính là an toàn thực phẩm. Do đó cần đặt ra những yêu cầu đối với quá trình sản xuất, kinh doanh đối với các loại thực phẩm này để đảm bảo về an toàn thực phẩm. Ngoài mục tiêu trên thì không nên có ràng buộc nào khác đối với các chủ thể kinh doanh loại mặt hàng này.

“Các quy định tại Mục 52, Mục 172, Mục 194 có thể hiểu là sẽ quản lý bao trùm (không chỉ giới hạn ở “an toàn thực phẩm”) đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các Bộ. Như vậy là biện pháp quản lý quá mức cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.

16 ngành, nghề sau được VCCI xác định là các ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp:
• Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại (Mục 17);
• Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Mục 36);
• Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) (Mục 43);
• Xuất khẩu gạo (Mục 55);
• Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh (Mục 57);
• Kinh doanh dịch vụ Logistics (Mục 60);
• Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (Mục 78);
• Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển (Mục 90);
• Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119);
• Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng (Mục 120);
• Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy (Mục 203);
• Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim (Mục 206);
• Kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mục 210);
• Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu (Mục 212);
• Kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng (Mục 215);
• Kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì (Mục 128).

 

10 ngành, nghề kinh doanh sau có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp:
• Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52);
• Nhượng quyền thương mại (Mục 59);
• Kinh doanh thủy sản (Mục 150);
• Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi (Mục 151);
• Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (Mục 161);
• Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172);
• Kinh doanh phân bón (Mục 174);
• Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi (Mục 176);
• Kinh doanh giống thủy sản (Mục 177);
• Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Mục 194).

Nguồn: VCCI

 

Rà soát điều kiện kinh doanh trong ngành và công thương và khoa học - công nghệ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Kết quả rà soát một số điều kiện kinh doanh trong ngành công thương và khoa học - công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư