Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đề nghị xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than
Hoàng Nam - 29/05/2015 16:43
 
Bộ Công thương vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hai doanh nghiệp lớn của ngành than được xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than trong năm 2015.

Theo tính toán của Bộ Công thương, năm 2015, sản lượng than thương phẩm của cả ngành đạt 40,03 triệu tấn, năm 2016 là 43,77 triệu tấn, năm 2020 là 50,38 triệu tấn và năm 2030 là 57,49 triệu tấn. Trong số này, chủng loại than đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho điện (từ cám 4 trở xuống) chiếm 60-95%.

Đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng được Bộ Công thương tính toán năm 2015 là 36,34 triệu tấn, năm 2016 là 41,77 triệu tấn, năm 2020 là 74,908 triệu tấn và năm 2030 là 143,65 triệu tấn, thì năm 2015 thừa 3,5 triệu tấn và 2016 thừa 2 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng khoảng 5,5 triệu tấn, năm 2020 khoảng 26,5 triệu tấn.

Xuất khẩu than tại Cảng Hòn Nét (Hải Phòng)
Xuất khẩu than tại Cảng Hòn Nét (Hải Phòng)

 

Dẫu phải nhập khẩu một lượng lớn than để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác, nhưng theo Bộ Công thương, Việt Nam vẫn dư thừa khoảng 3,5 triệu tấn than chất lượng tốt mà trong nước không có nhu cầu trong năm 2015 (sang năm 2016 là khoảng 2 triệu tấn).

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng lên kế hoạch năm 2015 tiêu thụ 38 triệu tấn than thương phẩm. Trong đó, xuất khẩu 2 triệu tấn gồm than cục là 0,9 triệu tấn, cám loại 1, 2, 3 và 5 là 1,1 triệu tấn; thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản và Lào. Hiện xuất khẩu sang Lào than cám 5 với khối lượng 110.000 tấn/năm được xem là vừa tạo điều kiện cho Công ty Kinh doanh Than Nghệ Tĩnh (thành viên Vinacomin) và duy trì quan hệ láng giềng giữa 2 nước.

Với Tổng công ty Đông Bắc, lượng than tiêu thụ năm 2015 được lên kế hoạch là 4,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước là 4,55 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 0,25 triệu tấn chủ yếu sang Nhật Bản.

Các quan chức của ngành than cho hay, việc xuất khẩu một số loại than mà trong nước không tiêu thụ hết, hoặc than tốt có giá trị cao, trong khi vẫn nhập khẩu than ở các chủng loại thấp hơn về cho điện là bài toán kinh tế đã được cân nhắc tổng thể.

Với thực tế giá than trong nước đã theo thị trường và hiện ngang bằng giá than ở thị trường quốc tế, thậm chí có những nơi còn cao hơn do lợi thế vận chuyển, khách hàng không quá khó khăn để chọn mua than. Trong khi đó, việc xuất khẩu than sang thị trường Nhật Bản được xem là mang lại nhiều lợi ích.

Theo tính toán của Vinacomin, 1 tấn than cám chất lượng tốt có giá bằng 1,5-2 tấn than cám cho sản xuất điện. Bởi vậy, nếu không được xuất khẩu than cám chất lượng tốt sang Nhật Bản, ngành than sẽ gặp khó khăn như mất cân đối tài chính, ứ đọng vốn do than sản xuất ra không tiêu thụ được. “Ngoài ra, sẽ giảm cơ hội tham gia thị trường than thế giới, dẫn tới khó khăn trong việc tìm kiếm, đàm phán, ký kết các hợp đồng nhập khẩu than”, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận xét và cho biết, năm 2014, Nhật Bản đã nhập khẩu 877,34 tấn than với trị giá 109 triệu USD.  

Xét về tổng thể, Nhật Bản cũng là đối tác có nhiều hỗ trợ với ngành than trong 10 năm trở lại đây. Hiện ngành than được hỗ trợ tín dụng 150 triệu USD/năm không cần bảo lãnh Chính phủ từ Nhật Bản với lãi suất ưu đãi 1,5%/năm (lãi suất vay thương mại cùng thời kỳ là 5%/năm) trong thời gian 2011-2015. Vì thế, xuất khẩu than cám chất lượng tốt sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn sẽ có ưu thế trong việc nhận tiếp tín dụng giai đoạn tiếp theo.

Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và khoáng sản quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) cũng là đối tác triển khai Dự án Đào tạo nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than kể từ năm 2002. Ngoài ra, JOGMEC đã hỗ trợ tổng cộng 110 triệu USD cho Dự án Thăm dò mỏ, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường hàng năm cho các mỏ than kể từ năm 2002.

Còn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ và đào tạo cán bộ cho Trung tâm Quản lý khí mỏ để đảm bảo an toàn khí mỏ với kinh phí khoảng 100 triệu USD. JICA cũng hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu lập Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ nhập khẩu than với tổng giá trị tương đương 2,75 triệu USD.

Trong khuôn khổ Chương trình Chuyển giao công nghệ than sạch, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (Jcoal) đang nghiên cứu thử nghiệm đốt than phối trộn giữa than cám 5a Hòn Gai, cám 6B Mạo Khê với than nhập khẩu của Indonesia để cho hiệu suất cháy cao nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư