Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Dẹp loạn kinh doanh đa cấp
Thế Hải - 26/02/2017 08:22
 
Bộ Công thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, đồng thời tiến hành kiểm tra cả ông lớn trong ngành này.
TIN LIÊN QUAN

“Trảm” nhiều doanh nghiệp đa cấp

Số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải chấm dứt hoạt động ngày càng nhiều, tính từ thời điểm đầu năm 2016, khi Bộ Công thương ra tay “dẹp loạn” kinh doanh đa cấp.

Tính đến tháng 11/2016, Bộ Công thương đã “trảm” tới 25 công ty đa cấp. Hiện cả nước chỉ còn 42 doanh nghiệp hoạt động so với 67 doanh nghiệp trước kia, giảm hơn 1/3 so với năm 2015, trong đó có 14 công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Động thái chấn chỉnh vẫn chưa dừng lại, khi vào ngày 20/2/2017 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh tiếp tục thông báo chấm dứt hoạt động của 2 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là Công ty TNHH Triwonder International có trụ sở chính tại tầng 15 của tòa nhà An Phú (24 - Hoàng Quốc Việt,  Hà Nội) và Công ty TNHH Isagenix Việt Nam có trụ sở chính ở ô số 2, tầng M, tòa nhà Sông Hồng (165 - Thái Hà, Hà Nội).

Thiên Ngọc Minh Uy là một trong 2 doanh nghiệp bị nêu đích danh sai phạm trong bán hàng đa cấp. Ảnh: S.T
Thiên Ngọc Minh Uy là một trong 2 doanh nghiệp bị nêu đích danh sai phạm trong bán hàng đa cấp. Ảnh: S.T

Không chỉ giảm về số lượng doanh nghiệp, số người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động trong nửa đầu năm nay cũng giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái, hiện chỉ còn khoảng 500.000 người (trước đó gần 1,2 triệu người).

Theo Bộ Công thương, để lành mạnh hóa hoạt động bán hàng đa cấp, không ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới, Bộ đã liên tiếp thu hồi giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của các công ty vi phạm dưới mọi hình thức.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho hay, hoạt động bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, nên sau khi du nhập vào Việt Nam năm 1998, đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam có nhiều biểu hiện biến tướng, gây thiệt hại về tài sản và tinh thần cho nhiều người dân.

Hoạt động của các đơn vị kinh doanh đa cấp gần đây đặc biệt nhận được sự quan tâm của dư luận, sau khi lãnh đạo hệ thống kinh doanh đa cấp Liên kết Việt bị cơ quan công an khởi tố với cáo buộc giả danh công ty thuộc Bộ Quốc phòng, lôi kéo, lừa đảo hàng chục ngàn người tham gia kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng và máy chăm sóc sức khỏe. Chỉ trong 1 năm hoạt động, Liên kết Việt đã phát triển “chân rết” đến 19 tỉnh, thành phố, lừa khoảng 1.900 tỷ đồng từ hơn 60.000 người tham gia.

“Ông lớn” cũng không yên

Sự bát nháo của hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đã khiến Bộ Công thương lập đoàn kiểm tra 7 doanh nghiệp từ tháng 3/2016. Đầu tháng 1 vừa qua, kết quả bước đầu về 2 doanh nghiệp lớn trong số 7 doanh nghiệp bị kiểm tra là Công ty TNHH Amway Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã được công bố. Bộ Công thương khẳng định, cả 2 doanh nghiệp này có nhiều sai phạm. Tùy theo tính chất của hành vi, Bộ Công thương sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

Từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, Bộ Công thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt hơn 11 tỷ đồng.

Riêng đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh triển khai quy trình xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Kết quả xử lý sẽ sớm được công bố.

Đối với Công ty TNHH Amway Việt Nam, kết quả kiểm tra đã chỉ ra 3 sai phạm lớn của doanh nghiệp này. Amway đã không xuất trình được bằng chứng chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công thương khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho các đại lý tại các tỉnh, thành phố.

Sai phạm thứ 2, Công ty thực hiện đào tạo kiến thức cơ bản cho nhà phân phối thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến tại địa chỉ website: www. welcome2amway.com, nhưng chưa có biện pháp chặt chẽ để đảm bảo nhà phân phối theo dõi và nắm bắt toàn bộ nội dung đào tạo cơ bản.

Sai phạm thứ 3 là Công ty vận hành các website thương mại điện tử bán hàng, đồng thời cho phép nhà phân phối đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua website amway2u.com.vn. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty vẫn đang tiến hành thủ tục bổ sung hồ sơ để Cục Thương mại điện tử phê duyệt.

Còn ở Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, kết quả kiểm tra đã chỉ ra 8 sai phạm, điển hình như một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho của Công ty này có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường…

Bộ Công thương khẳng định, vẫn tiếp tục “trảm” những doanh nghiệp sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, đồng thời hạn chế cấp phép doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này trong năm 2017.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư