Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
“Dẹp loạn” quy hoạch (bài 1)
Hà Nguyễn - 07/11/2016 08:18
 
Quy hoạch đè quy hoạch, chồng lấn nhau, nhiều quá, nhiều đến nỗi một chủ tịch UBND tỉnh phải than rằng “vừa ký vừa run” vì chỉ sợ không nhớ nổi mình ký có đúng quy hoạch hay không. Đó là hình ảnh phản ánh rõ những bất cập của công tác lập quy hoạch ở Việt Nam hiện nay.

Bài 1: KHI CHỦ TỊCH TỈNH VỪA KÝ VỪA RUN

Từ chuyện chủ tịch tỉnh “vừa ký vừa run”…

Có một câu chuyện được ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ tại cuộc họp thẩm tra Dự án Luật Quy hoạch mới đây của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, đó là ông “vừa ký vừa run”. “Hiện có quá nhiều quy hoạch, nên ký quyết định đầu tư thấy run, vì anh em tham mưu cứ bảo đúng quy hoạch, nhưng mình không nhớ hết được”, ông Trà kể.

Không ít Dự án tại các địa phương trong tình trạng “sống dở, chết dở” do chồng lấn quy hoạch. Ảnh: Đức Thanh
Không ít dự án tại các địa phương trong tình trạng “sống dở, chết dở” do chồng lấn quy hoạch. Ảnh: Đức Thanh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng cảm trước tâm sự rất thật này của ông Trà. Lý do là, Phú Yên chỉ là địa phương có diện tích không lớn mà có tới hơn 200 bản quy hoạch. “Tôi rất chia sẻ với vị chủ tịch tỉnh vừa ký vừa run”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Một câu chuyện tưởng đùa nhưng rất thật. Và thực ra, ông Hoàng Văn Trà run là phải, bởi ở một tỉnh cách Phú Yên không xa, đã từng có một vụ kiện đình đám mà chủ đầu tư một dự án đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường số tiền lên tới 3,7 tỷ USD chỉ vì có những “tréo ngoe” trong quy hoạch. Đó là vụ kiện của ông Michael McKenzie (người Mỹ) liên quan đến dự án xây khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Giấy chứng nhận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký từ năm 2004. Theo kế hoạch, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ giao đất cho công ty của ông McKenzie để triển khai dự án. Sẽ không có gì đáng nói, nếu một phần của khu vực đất dự án lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh Bình Thuận đã giao cho chủ đầu tư khác. Không triển khai được Dự án, ông McKenzie đã kiện Chính phủ Việt Nam và đòi bồi thường 3,7 tỷ USD.

Sau một thời gian khá dài giải quyết tranh chấp, cuối cùng, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã bác bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie, buộc ông này phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện.

Dù Việt Nam đã thắng kiện, song rõ ràng, cái giá phải trả không hề nhỏ cho những quy hoạch chồng lấn.

“Không thiếu những dự án mà nay cơ quan này chấp thuận đầu tư, nhưng mai lại phát hiện ra vướng quy hoạch của ngành khác”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông thừa nhận.

Thực tế, chỉ riêng ở Bình Thuận cũng đã có không ít dự án “sống dở, chết dở” vì bị chồng lấn quy hoạch, còn cơ quan quản lý thì lúng túng không biết xử lý ra sao. Hàng loạt dự án du lịch của tỉnh này đã được cấp phép, thậm chí có dự án đang triển khai, nhưng rồi buộc phải dừng lại chỉ vì bị trùng phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sẽ không có gì đáng nói nếu việc khai thác quặng titan được tiến hành, nhưng đằng này, đó vẫn là quy hoạch treo. Hệ lụy là, hàng loạt dự án trong các lĩnh vực khác, từ du lịch đến điện mặt trời, điện gió… đều phải nằm im chờ đợi. Chi phí cơ hội mất đi trong những trường hợp như thế này là khôn lường!

Thậm chí, Bình Thuận cũng từng mất đi một dự án khu du lịch quy mô lớn chỉ vì vướng quy hoạch. Lẽ ra, nhà đầu tư Polo Beach International Limited (Mỹ) đã triển khai một dự án quy mô tới 4 tỷ USD ở khu vực huyện Bắc Ninh. Nhưng sau nhiều năm theo đuổi, nhà đầu tư này đã phải từ bỏ Bình Thuận bởi sự đá nhau giữa quy hoạch du lịch và quy hoạch khai thác titan, khiến tỉnh này không thể “mở lòng” đón nhận nhà đầu tư. Polo Beach sau đó phải tìm đường sang Ninh Thuận, song đáng tiếc, lại gặp đúng thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, nên đã không triển khai dự án.

Hay như ở Quảng Trị cũng thế, sau 12 năm đưa vào quy hoạch, Khu du lịch Cửa Tùng (Vĩnh Linh) chỉ mới đầu tư được đoạn đường 300 m. Trong khi đó, hàng chục công trình của dân vướng quy hoạch treo đều phải bỏ dở dang. Khu du lịch chẳng thấy đâu, mà người dân thì không dám xây dựng nhà kiên cố để ở vì đất đai của họ đang nằm trong quy hoạch.

Đến những con số khiến dư luận giật mình

Lãnh đạo địa phương khổ, người dân khổ vì quy hoạch đã đành. Cả đất nước, cả nền kinh tế cũng đang khổ vì có quá nhiều quy hoạch, lại chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, gây lãng phí nguồn lực…

Con số không mới, nhưng đến nay vẫn khiến dư luận giật mình. Đó là tính đến hết năm 2014, số lượng quy hoạch do các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập lên tới 12.860 quy hoạch, trong đó, số lượng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 11.206 (đạt 87%). Năm 2015, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai 907 quy hoạch, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011 - 2020 lên… 13.767 quy hoạch các loại.

Đó là con số quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng. Sẽ là “đáng đồng tiền, bát gạo”, nếu những quy hoạch được lập là hợp lý và hiệu quả. Nhưng sau rà soát, những sự thật đau xót đã lộ diện. Quá nhiều quy hoạch được lập mà chẳng để làm gì, không rõ nội dung, cũng không phục vụ công tác quản lý, nhất là các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh. Chẳng hạn, Quy hoạch Xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030; Quy hoạch Xây dựng vùng dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai giai đoạn đến năm 2030; hay Quy hoạch Xây dựng vùng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Pắc Bó - Hòa Lạc đến năm 2030…

“Qua rà soát, quả thực, thấy còn rất nhiều điểm bất hợp lý trong công tác lập quy hoạch”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Còn ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM than thở: “Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri thì vấn đề bức xúc nhất là quy hoạch, quy hoạch treo, quy hoạch chồng lấn, quy hoạch đã bị lạm dụng, nên số lượng tăng rất nhanh”.

Tăng nhanh bởi xã, huyện làm quy hoạch, tỉnh làm quy hoạch, ngành làm quy hoạch… Chồng chéo, mâu thuẫn nhau, đá nhau là dễ hiểu. Một ví dụ được nhắc đến, rất buồn cười là trong khi Quy hoạch Phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đến năm 2020 (quy hoạch vùng) nêu rõ tại khu cảng Lạch Huyện đến năm 2015 có khả năng tiếp nhận tàu 5 - 8 vạn DWT, thì Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (quy hoạch ngành) lại quy hoạch là... 10 vạn DWT.

Cứ tréo ngoe như thế. Nhưng câu chuyện không chỉ nằm ở việc lập quá nhiều quy hoạch nhưng chất lượng quy hoạch thấp, mà còn là lập quy hoạch mà không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước...

Và những điểm yếu... chết người

Năm 2015, khi bàn về số vốn hàng chục tỷ USD trong các đề án quy hoạch trung và dài hạn của ngành giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải thốt lên rằng, “các anh” nói đến tiền, nhưng khả năng đất nước không thể đáp ứng được cho giao thông với viễn cảnh vốn vẽ ra như vậy (chỉ riêng giai đoạn 2015 - 2020, vốn cho hạ tầng giao thông khoảng 48 tỷ USD). “Nói vậy chẳng khác nào các cháu học sinh ở nông thôn, bố mẹ làm ruộng, nhưng ra Hà Nội học lại muốn thuê nhà ở Royal City, đi học thì đi xe Liberty”, ông Nguyễn Đức Kiên ví von.

Đó cũng là một câu chuyện rất thật, thật giống như chuyện ông Hoàng Văn Trà run khi ký các quyết định đầu tư. Nguồn lực không có, nhưng các quy hoạch luôn được vẽ ra với các viễn cảnh vô cùng tươi sáng, bất kể khả năng có thực hiện được hay không.

“Vì tâm lý muốn đẩy lên một bước cho viễn cảnh tươi sáng, nên nhiều địa phương cố thuyết phục cấp trên, thậm chí vận động hành lang để phê duyệt quy hoạch ‘đẹp như tranh’, nhưng giữa quy hoạch và thực tế có khoảng cách không nhỏ”, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận.

Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp về các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2011 - 2020, thì nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên cho các dự án này là 385 - 390 tỷ USD, song khả năng huy động chỉ có thể đạt 210 - 215 tỷ USD, nghĩa là mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Lập quy hoạch kiểu đó, nên dễ hiểu vì sao quy hoạch không thể thực hiện được.

Thêm nữa, vì tư duy nhiệm kỳ, nên nếu tỉnh này có sân bay thì tỉnh khác cũng muốn có, dẫn đến tình trạng đua nhau làm cảng nước sâu, xây sân bay, muốn phát triển công nghiệp công nghệ cao, bất kể điều kiện thực tế và nguồn lực của địa phương đó ra sao. Đây là chuyện đã khiến rất nhiều chuyên gia kinh tế bức xúc.

“Tôi đã từng phản đối việc làm cảng nước sâu Cửa Lò vì... họa có điên mới làm, bởi chỉ cách đó vài chục kilômét đã có cảng nước sâu Vũng Áng”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại kể.

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, các địa phương muốn đầu tư tràn lan như vậy, thì dễ hiểu vì sao đầu tư công manh mún và kém hiệu quả! Vậy nhưng, các quyết định đầu tư vẫn cứ được ban hành dựa trên các quy hoạch đã được duyệt.n

(Bài 2: KHÔI HÀI CHUYỆN QUY HOẠCH CẢ CON TÔM, CÁI CÁ)

Giải quyết các vướng mắc bằng Luật quy hoạch
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp cho ý kiến về định hướng xây dựng dự án Luật quy hoạch, Thủ tướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư