Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
“Dẹp loạn” quy hoạch (bài 3): Kỳ vọng "người hùng” dẹp loạn
Hà Nguyễn - 09/11/2016 07:11
 
Khi đã có quá nhiều minh chứng cho thấy việc lập quy hoạch ở Việt Nam nhiều bất ổn, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thì dư luận hy vọng việc “loạn quy hoạch” sẽ được dẹp. Và kỳ vọng ấy đang được đặt vào Dự thảo Luật Quy hoạch, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày hôm nay (9/11).

Bài 3: “Người hùng” dẹp loạn

Chồng chất nỗi đau

Một sự tình cờ đầy đau xót, ấy là đúng vào thời điểm Dự thảo Luật Quy hoạch chuẩn bị được trình Quốc hội cho ý kiến, thì miền Trung đang phải oằn mình trong bão lũ. Những con số trong báo cáo của Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng 7/11 khiến những trái tim Việt Nam đau đớn.

Đó là, chỉ trong đợt mưa lũ vừa qua, đã có 21 người chết và mất tích; đã có 225 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 249 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 42.812 ngôi nhà bị ngập; hơn 6.700 ha lúa bị ngập; hơn 6.600 ha hoa màu bị ngập, hư hại; hơn 6.300 con gia súc bị chết, cuốn trôi; hơn 44.200 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Và thiệt hại ban đầu ước tính gần 600 tỷ đồng.

Thủy điện Hố Hô bị coi là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) ngập trong biển nước. Ảnh: Phạm Hòa
Thủy điện Hố Hô bị coi là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) ngập trong biển nước. Ảnh: Phạm Hòa

Nhưng hơn cả những con số, nhìn hình ảnh những người dân vùng lũ phải chui lên mái nhà ngồi chờ sự trợ giúp, nhìn những đứa trẻ nhỏ nhoi đi học trong mênh mông biển nước…, không ai không đau lòng. Thiên tai chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân khác, sâu xa hơn là do chính con người, do những dự án thủy điện được xây khắp trong Nam ngoài Bắc, với những bản quy hoạch và quy trình xả lũ bất hợp lý. Bởi thế, năm nào cũng có chuyện một dự án thủy điện nào đó trở thành “tội đồ” với bà con vùng lũ. Năm nay, Thủy điện Hố Hô đã bị coi là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) ngập trong biển nước.

“Thuỷ điện Hố Hô có những sai sót nhất định trong việc chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên nước, vận hành hồ chứa”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định như vậy.

Còn Chính phủ, trong một báo cáo mới đây gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai Khóa XIV về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, đã cho biết, chỉ trong vòng 3 năm qua, đã loại 471 dự án thủy điện khỏi quy hoạch. Đã loại rồi, nhưng vẫn còn không ít dự án thủy điện đang được rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan…

Nhưng không chỉ cần xem lại một quy hoạch thủy điện đang khiến dư luận bức xúc, hay một quy hoạch ngành công nghiệp ô tô không biết thực hiện kiểu gì mà “mãi không lớn”, hoặc Chương trình 1 triệu tấn đường - tiền đã mất mà tật còn mang…, mà theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cần “lập lại trật tự” trong công tác lập quy hoạch tại Việt Nam.

Thực tế, không phải bây giờ, mà đã từ lâu, những bất cập trong công tác quy hoạch và nguyên nhân của tình trạng này đã được chỉ ra từ lâu. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2012, chỉ đạo của Trung ương Đảng về việc cần sớm ban hành Luật Quy hoạch để điều chỉnh chung về các quy hoạch phát triển trong phạm vi cả nước đã được ban hành. Và đáng lẽ ra, dự luật này cũng phải được thông qua từ kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII, nhưng rồi đã bị trì hoãn cho đến bây giờ.

“Đó là một dự luật rất khó. Vì đây là lần đầu tiên có một luật chi phối chung cho các hoạt động quy hoạch trên toàn quốc một cách thống nhất, nên đòi hỏi cần có thời gian để chuẩn bị và tạo sự đồng thuận trong xã hội”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông giải thích một cách vắn tắt.

Nhưng thực tế, còn một nguyên nhân khác, được ông Hoàng Thanh Tùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề cập, đó là “có vấn đề về lợi ích cục bộ”. “Nếu anh có thẩm quyền quy hoạch đồng nghĩa với việc anh có quyền áp đặt ý chí chủ quan của ngành mình trong quá trình phát triển và tạo ra vị thế, tạo ra quyền lực, tạo ra sự thuận lợi cho công tác quản lý của ngành mình”, ông Tùng nói.

Còn ông Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì thẳng thắn: “Nếu thực hiện việc lập quy hoạch theo cách mới, các bộ, các ngành, các cấp mất đi khá nhiều lợi ích, mất tiền, mất quyền xin - cho, mất đi cái oai của mình…”.

Nhưng dù với bất cứ lý do gì, thì việc xem xét, thông qua Luật Quy hoạch là đòi hỏi tất yếu. Không thể chậm trễ thêm được nữa, bởi không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch không những không thể đi trước một bước và tạo động lực cho sự phát triển, mà còn tạo ra nhiều rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Và điều này cũng sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.

“Người hùng” dẹp loạn?

Tư tưởng cải cách quan trọng nhất của Dự thảo Luật Quy hoạch lần này, đó chính là thay đổi cách làm quy hoạch. “Chúng ta sẽ phải làm một quy hoạch tổng thể quốc gia, bằng phương pháp tích hợp, để hài hòa các quy hoạch ngành trong một chỉnh thể, tránh được mâu thuẫn và chồng chéo. Và thứ hai, đó là sẽ bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói và giải thích, nói một cách dễ hiểu, thì bản quy hoạch tổng thể chính là “tác phẩm” của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, tất cả các ngành cùng đưa bản đồ quy hoạch của ngành mình ra, soi chiếu, rồi trên cơ sở các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngồi lại với nhau, trao đổi, bảo vệ, tranh luận với nhau, làm sao để sau 2-3 năm cho ra có một bản quy hoạch tổng thể. Nếu làm tốt, sẽ tránh tình trạng tương lai phủ nhận hiện tại, hiện tại phủ nhận quá khứ, xây lên lại đập đi, lãng phí thời gian, tiền của…

“Chúng ta đã có rất nhiều quy hoạch mà không hiệu quả. Cái cần lúc này là một quy hoạch hợp lý, quy hoạch mà tốn ít nguồn lực nhất nhưng lại gặt hái được lợi ích nhiều nhất, lợi ích đó mang lại hiệu quả chung cho tất cả mọi người, rất công bằng, bình đẳng chứ không có lợi ích nhóm ở đây”, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh và kể lại câu chuyện từ hơn chục năm trước, 3 bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư dù đã ngồi với nhau nhiều lần, nhưng “không bộ nào chịu bộ nào” để thống nhất xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. “Tình trạng này không thể lặp lại”, ông Võ nói.

Dẫn lại câu chuyện của Thủy điện Hố Hô, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, nếu khi xem xét quy hoạch dự án này, các bộ, ngành ngồi lại với nhau để thấy rằng, dự án đó có thể gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu, thậm chí tính mạng người dân, thì phải cân nhắc thiệt hơn, để có các quyết định đúng đắn hơn. “Đây chính là vấn đề cần phải bàn kỹ khi xây dựng quy hoạch tổng thể tích hợp, để không bao giờ lặp lại những sai lầm, những nỗi đau như hôm nay nữa”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông trầm ngâm.

Và hẳn nhiên, việc bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm - vốn là phi thị trường - thì càng cần được sớm thực hiện. “Tôi chẳng thấy có lý do gì khiến Bộ Công thương phải thông qua quy hoạch một dự án thép 16,5 triệu tấn ở Cà Ná cả. Cái chúng ta cần quan tâm là có đủ đất, đủ nước cho dự án đó hoạt động hay không? Năng lượng ở đâu để cung cấp cho dự án đó? Dự án đó hoạt động thì có gây ảnh hưởng đến môi trường hay không...? Không phải bỏ quy hoạch tức là không quản, mà vẫn phải quản từ khi thẩm định và phê duyệt dự án…”, PGS. Trần Trọng Hanh nói.

Và chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Cuộc phát động Thanh niên khởi nghiệp cách đây không lâu, khi trả lời câu hỏi của một bạn trẻ là đất trồng lúa muốn chuyển đổi sang làm ao nuôi cá thì làm thế nào, đã khẳng định rằng, về nguyên tắc, chỉ cần giữ một diện tích lúa nhất định để đảm bảo an ninh lương lực quốc gia. Còn cứ theo đúng quy luật thị trường, nếu mảnh đất ấy trồng lúa chỉ mang lại 20-30 triệu đồng/ha, trong khi trồng rau quả, nuôi cá có thể cho nguồn thu gấp nhiều lần như thế thì chẳng lý gì mà không chuyển đổi cả!

Trong trường hợp này, mọi quy hoạch ngành, sản phẩm trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, hãy cứ để thị trường “lên tiếng”.

Không thể chậm trễ!

Đồng tình với việc cần thiết phải sớm hoàn thiện, thông qua và ban hành Luật Quy hoạch, PSG. Trần Trọng Hanh đã bày tỏ sự vui mừng khi Dự thảo Luật sẽ mang tới sự đột phá, đó là tạo ra một bản quy hoạch tích hợp, dùng chung, cùng khai thác, trên cơ sở đó triển khai các quy hoạch ngành và các dự án đầu tư “cấp dưới”. “Cái này là một sự đột phá, một tư duy đổi mới. Nếu các bộ, ngành, địa phương chỉ vì lợi ích cục bộ mà chống lại thì rất đáng tiếc”, PGS. Trần Trọng Hanh nói.

Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì khẳng định, Luật Quy hoạch đã động đến vấn đề then chốt là xác lập hệ thống quy hoạch quốc gia của Việt Nam. “Luật sẽ chống được tình trạng lạm phát quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong các hoạt động quy hoạch. Do đó, dự luật này cần sớm được thông qua”, TS. Phạm Sỹ Liêm nói.

Còn GS-TSKH. Đặng Hùng Võ thì cho rằng, Luật Quy hoạch chính là bộ quy tắc để xây dựng kịch bản phát triển. “Có kịch bản phát triển chúng ta mới tính ra được mô hình tăng trưởng nào là hợp lý, mô hình phát triển nào là phù hợp, lấy nguồn lực tài nguyên là chủ yếu, hay nguồn lực con người”, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ nói và nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng không thể làm được điều đó nếu như không thay đổi cách làm quy hoạch.

Rất nhiều quan điểm đồng tình với việc cần thiết phải thông qua Dự thảo Luật Quy hoạch. Dẫu vậy, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, đây là một luật mới và phức tạp, do vậy, rất cần sự đóng góp ý kiến của đông đảo các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để Dự thảo Luật sớm được hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua.

(Còn tiếp)

“Dẹp loạn” quy hoạch (bài 2): Khôi hài chuyện quy hoạch cả con cá, con tôm
Ngay cả sản xuất bao nhiêu con tôm, bao nhiêu tấn cá cũng đều được các bộ, ngành đưa vào… quy hoạch. Biết bao chuyện khôi hài, thậm chí là đau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư