Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dệt may “lớn nhanh” nhờ nguồn vốn FDI
Thế Hoàng - 14/12/2016 15:17
 
Dệt may, ngành công nghiệp có đóng góp lớn thứ 2 cho xuất khẩu đã có những thành tựu lớn về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giúp tăng nhanh năng lực sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu, có thời điểm lên tới 28-30% trong 10 năm qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, quy mô ngành dệt may tăng nhanh cũng là nhờ vào nguồn vốn FDI.

Theo đánh giá tác động đầu tư của ngành dệt may, tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới  (WTO) từ năm 2007 cho đến giữa năm 2015, dệt may là lĩnh vực thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài.

.
.

Theo số liệu thống kê của Vitas, tính đến giữa năm 2012 đã có gần 1.390 dự án FDI đầu tư vào dệt may Việt Nam, với số vốn đăng ký 6,12 tỷ USD. Tuy nhiên, cao điểm trong thu hút FDI vào dệt may lại rơi vào năm 2014 - 2015. Chỉ tính riêng năm 2014, làn sóng dịch chuyển đầu tư dệt may để đón đầu các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam tham gia, đã khiến 83 dự án FDI mới đổ vào Việt Nam với số vốn đăng ký 1,64 tỷ USD, với 11 dự án sợi, 14 dự án dệt và 58 dự án may.

Động thái trên đã khiến Vitas đưa ra nhận định rằng, vốn FDI đổ vào Việt Nam giai đoạn này đã có sự khác biệt so với các năm trước đây. Số lượng dự án tuy ít, nhưng tổng vốn đầu tư cho từng dự án lại lớn, điển hình có dự án được cấp phép trong đầu 2015 lên tới 660 triệu USD và không ít dự án ngoài 300 triệu USD.

Kết thúc năm 2015, dệt may đóng góp cho xuất khẩu cả nước trên 27,5 tỷ USD và dự kiến, năm 2016 con số này sẽ là 29 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp FDI trong ngành dệt may quyết định tới 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, điều đó cho thấy tầm quan trọng của vốn FDI trong ngành này.

Dòng vốn đầu tư mới từ các doanh nghiệp FDI vào ngành dệt may dẫu không đổ vào mạnh mẽ như cùng kỳ năm 2015, nhưng “quả ngọt” từ dòng vốn này đã bắt đầu hiện diện, khi chỉ trong chưa đầy 1 tháng qua, 2 nhà máy, có tổng vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD đã chính thức đi vào vận hành, thêm xung lực cho xuất khẩu mặt hàng dệt may.

Trong khi xuất khẩu dệt may giảm sút liên tục từ đầu năm 2016, đặc biệt ở khối doanh nghiệp trong nước, thì sự bổ sung nguồn lực từ các dự án FDI, với việc khánh thành các dự án mới. Theo đó, nhà máy may được đưa vào hoạt động cuối tháng 9/2016 (Tập đoàn Hansoll Textile, Hàn Quốc) với quy mô công suất 90 triệu sản phẩm/năm đi vào hoạt động tại KCN Giao Long (huyện Châu Thành, Bến Tre). Được biết, Công ty TNHH Unisoll Vina nhận Giấy phép đầu tư cho dự án này từ 2013 và tiến hành đầu tư với tổng vốn 50 triệu USD, chuyên sản xuất hàng may sẵn, trang phục và các sản phẩm từ da, lông thú để xuất khẩu. Cùng với dự án của Hansoll Textile là dự án của nhà đầu tư đến từ Hồng Kông - Tập đoàn Sản xuất hàng may mặc TAL.

Được xây dựng trên tổng diện tích 75.000 m2, VNG là nhà máy lớn và hiện đại nhất của Tập đoàn TAL. Nhà máy này có quy mô cung ứng tới 4 triệu sản phẩm ngay trong năm đầu tiên hoạt động.

Ông Roger Lee, Giám đốc điều hành TAL cho biết, việc đặt cơ sở sản xuất mới nhất tại Vĩnh Phúc là một minh chứng cho sự gắn kết lâu dài của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Nhà máy đầu tiên mà TAL đầu tư tại Việt Nam đặt tại Thái Bình vào năm 2004, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.

“Cứ 6 chiếc áo sơ mi nam bán ra tại thị trường Mỹ, thì 1 chiếc là do TAL sản xuất đã cho thấy sự đóng góp của TAL vào xuất khẩu hàng dệt may lớn cỡ nào”, đại diện tập đoàn này nhấn mạnh.

Vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp FDI trong ngành dệt may thể hiện trong đóng góp kim ngạch xuất khẩu là điều không cần bàn cãi. Số liệu từ Vitas cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm hơn 20% trong tổng số 6.000 doanh nghiệp của ngành dệt may, nhưng đang đóng góp gần 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Rõ ràng, doanh nghiệp FDI đã và đang tiếp tục thể hiện lợi thế trong cuộc đua kim ngạch xuất khẩu so với khối doanh nghiệp trong nước.

Trong số 20% doanh nghiệp ngoại trong ngành dệt may, ngoài điểm chung là công suất lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thiết lập và đầu tư chuỗi sản xuất khép kín. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào sự gia tăng nhanh chóng của kim ngạch nhập khẩu bông, xơ sợi, vải và các nguyên liệu phụ trợ cho ngành (năm 2015, nhập khẩu nguyên phụ liệu hơn 16 tỷ USD).

Nhưng, sự quy mô, bài bản, được hỗ trợ lớn về thị trường từ các công ty mẹ, đang giúp các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp nội.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) còn cho biết, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp FDI cũng là động lực để các doanh nghiệp trong nước tự thay đổi để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút các nhà đặt hàng quốc tế.

VBF muốn đưa thông lệ tốt của FDI qua mô hình "kiềng 3 chân" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
VBF kiến nghị mô hình “kiềng 3 chân” để thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư