Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dệt may, nông sản rộng đường xuất khẩu
Thế Hải - 21/12/2014 09:59
 
Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), đề nghị của Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu dệt may, giày dép, thủy sản và một số sản phẩm chế biến khác sang các thị trường này đã được chấp thuận.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dệt may vào top 4 ngành hút nhà đầu tư ngoại
Ký kết tuyên bố chung kết thúc đàm phán VCUFTA
Hứa hẹn dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt - Nga
Dệt may sang Mỹ nhiều khả năng chạm mốc 10 tỷ USD
Ký FTA với Liên minh Hải quan: Cân đối lợi ích toàn cục
Cần làm gì để xuất khẩu sang Nga thành công?

VCUFTA đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết vào đầu năm 2015. Điều này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và 3 thị trường lớn trong Liên minh Hải quan.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan
Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu dệt may, giày dép, thủy sản sang thị trường Nga - Belarus - Kazakhstan

Trưởng đoàn Đàm phán VCUFTA của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, cái được lớn nhất của đàm phán VCUFTA là đề nghị của phía Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu những loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản và một số sản phẩm chế biến khác đã được chấp thuận.

Cụ thể, đối với toàn bộ Liên minh, khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào đây sẽ được miễn thuế, thay cho mức thuế cao như hiện nay. Đặc biệt, Nga cam kết dành mức thuế suất ưu đãi nhất, có thể nói là bằng 0%, cho toàn bộ các sản phẩm thủy sản, giày dép; phần lớn sản phẩm dệt may và một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè… đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nga.

Bộ Công thương ước tính, khi VCUFTA có hiệu lực, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu với những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế càng hiện rõ, khi số lượng các doanh nghiệp Nga, Belarus chủ động tìm đến các nhà nhập khẩu Việt Nam ngày càng gia tăng.

Đơn cử, thông qua Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Vladivostok (Liên bang Nga), Công ty DILAN, doanh nghiệp chuyên bán buôn và bán lẻ tại tỉnh Primorye, Viễn Đông, Liên bang Nga cho biết, đang có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy, hải sản của Việt Nam như cá (cá ngừ, cá rô phi, cá tra-basa, tôm đông lạnh), gạo, đường chè, lạc, hạt điều, các loại rau củ quả…, cùng các sản phẩm khác như quần áo, chăn, ga, hàng gia dụng, đồ gỗ.

Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Vladivostok cho rằng, những doanh nghiệp Nga có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam như DILAN không hề ít, vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào khả năng cung ứng sản phẩm đạt chuẩn thị trường nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tới đâu.

Được biết, với mặt hàng dệt may, trong 11 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga đạt hơn 120 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may cần quan tâm hơn nữa tới các thị trường thuộc Liên minh Hải quan, nhằm tận dụng hết cơ hội mà khu vực thị trường này đang mở ra cho Việt Nam.

Tín hiệu đáng mừng là Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga và Liên minh Hải quan với 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam. Động thái này mở đường cho thủy sản Việt Nam tăng nhanh về sản lượng và giá trị xuất khẩu sang Nga và các thị trường thuộc Liên minh Hải quan.

Ngoài cơ hội gia tăng xuất khẩu, khi VCUFTA được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho Liên minh Hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường tiêu dùng trong nước. Riêng với một số mặt hàng, như thép, Việt Nam sẽ mở cửa cho thép của Nga, nhưng có lộ trình, nên doanh nghiệp Việt Nam sẽ không quá lo ngại.

“Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hiểu và biết tận dụng, khai thác các ưu đãi mà Hiệp định mang lại. Nếu không, các ưu đãi sẽ rơi vào tay người khác và chúng ta sẽ không những không đạt mục tiêu là tăng năng lực cạnh tranh, mà còn có thể bị thua ngay trên sân nhà”, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư