Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điểm tên những "hàng mới" lên sàn UPCoM
Tiếp nối làn sóng lên sàn chứng khoán từ đầu năm đến nay, hàng chục mã chứng khoán được đưa lên giao dịch trên UPCoM trong tháng 11, trong đó có những cái tên đáng chú ý như LienVietPostBank (LPB), Idico (IDC), Sonadezi (SZN)… Trong tháng 12 này, sàn UPCoM sẽ tiếp tục đón thêm nhiều “tân binh”, với những cái tên nổi bật như Tổng công ty Thanh Lễ, May Hữu Nghị, Kosy…

11 tháng, giá trị vốn hóa UPCoM tăng 81%, gấp 5 lần HNX

Thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho thấy, trên thị trường UPCoM có 21 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch mới trong tháng 11/2017, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn này lên 670 doanh nghiệp (tính đến 30/11/2017).

Tại thời điểm đóng cửa phiên cuối tháng 11, chỉ số UPCoM-Index đạt mức 54,2 điểm, tăng 3,1% so với thời điểm cuối tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường UPCoM đạt 588.312 tỷ đồng, gấp 5 lần quy mô của HNX, tăng 11,7% so với cuối tháng 10 và tăng 81% so với thời điểm cuối năm 2016.

Trong tháng, toàn thị trường có 377,9 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch hơn 8.060 tỷ đồng. Tính bình quân, giá trị giao dịch đạt 325 tỷ đồng/phiên, tăng 19,2% so với tháng trước. 11 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,7 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 30,7% cùng kỳ 2016 và giá trị giao dịch đạt 218,8 tỷ đồng/phiên, tăng 44,4% cùng kỳ. 

Những “tân binh” đáng chú ý

Ngày 8/12 tới, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) sẽ đưa 11,8 triệu cổ phần lên giao dịch tại UPCoM với mã chứng khoán TLP. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.800 đồng/cổ phiếu.

TLP là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2016 là 1.929 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của TLP là 2.366 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 115 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn. Phần vốn này hiện được giao cho UBND tỉnh Bình Dương quản lý. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại TLP xuống 36% vốn, hoàn thành trước 31/12/2018.

TLP hoạt động trong các lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy… TLP hiện đang quản lý và sử dụng 39 khu đất, chủ yếu tại tỉnh Bình Dương, gồm 37 khu đất với diện tích 301 ha, khu đất cao ốc Văn phòng tại 102 Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM với diện tích 563 m2 và khu đất 16,7 ha tại Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Công ty cũng đang quản lý 2 khu công nghiệp là Sóng Thần 1 và Bình Đường, với 174 doanh nghiệp đang thuê đất.

Năm 2016, TLP đạt doanh thu 6.810 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2015, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 89,5 tỷ đồng, tăng 109%. Năm 2017, TLP đặt kế hoạch doanh thu 6.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 87,9 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 3,16%.

Cùng ngày 8/12, toàn bộ 41,5 triệu cổ phiếu KOS của CTCP Kosy cũng sẽ giao dịch trên UPCoM với tham chiếu 11.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng số vốn điều lệ 415 tỷ đồng. KOS hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, hiện đang làm chủ đầu tư một số dự án như Khu đô thị Kosy Lào Cai, Kosy Bắc Giang, Cầu Gồ (Bắc Giang), Kosy Gia Sàng, Kosy Sông Công…

Tính đến 19/9/2017, KOS có 3 cổ đông lớn đều là các cá nhân, trong đó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường nắm giữ 61,05% vốn; các ông Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Trung Kiên sở hữu lần lượt 15,18% và 6,75% vốn. Được biết, trong năm, KOS đã phát hành riêng lẻ 1,5 triệu cổ phiếu cho ông Cường để lấy vốn đầu tư vào các dự án Cầu Gồ và Lào Cai và hiện số cổ phiếu này đang bị hạn chế giao dịch.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, KOS đạt 195,6 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số lợi nhuận đạt được cả năm 2016 là 20,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, kiểm toán nhấn mạnh về một số khoản cho vay với các thành viên HĐQT và khoản hoàn trả tiền vay với các bên liên quan giá trị 100 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm toán cũng lưu ý khoản chuyển nhượng đầu tư vào Kosy Bắc Giang giá trị 70 tỷ đồng.

Đến ngày 12/12, hơn 9,4 triệu cổ phiếu HNI của CTCP May Hữu Nghị sẽ được giao dịch trên UPCoM, trong đó có hơn 1,41 triệu cổ phiếu đang bị hạn chế chuyển nhượng thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên HĐQT. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 43.100 đồng/cổ phiếu.

May Hữu Nghị trực thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, thành lập năm 1993 và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu 18,83 tỷ đồng. Đến nay, HNI có vốn điều lệ hơn 94 tỷ đồng. Tính đến 21/7/2017, ngoài Tập đoàn Dệt may Việt Nam, HNI còn có 5 cổ đông lớn khác đều là các cá nhân.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu bán hàng các năm 2015 và 2016 của HNI đều đạt trên 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt gần 84 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2015.

Ngoài các doanh nghiệp trên, lên sàn UPCoM trong tháng 12 còn có một số doanh nghiệp khác như CTCP Cấp thoát nước Trà Vinh, CTCP Merufa…

Trước đó, ngày 1/12, gần 5,5 triệu cổ phiếu NHT của CTCP Sản xuất và thương mại Nam Hoa (Nam Hoa Toys) đã chính thức được giao dịch với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong 3 phiên gần nhất, cổ phiếu này vẫn “chết” thanh khoản vì không có nhà đầu tư giao dịch.  

Hơn 10,5 triệu cổ phiếu Cấp thoát nước Tây Ninh lên sàn UPCoM
Ngày 16/11/2017, hơn 10,5 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh (mã WTN) đã chính thức đăng ký giao dịch trên thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư