Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: BSR "bay hơi" 12% giá trị
 
Tuần giao dịch khép lại, VN-Index giảm 76,64 điểm (-7,4%), xuống 963,9 điểm; HNX-Index giảm 6,78 điểm (-5,6%), xuống 114,49 điểm. Nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua/bán, trong đó hầu hết là các bluechip đã ngã ngựa như VPB, VJC, PLX, MBB, REE, trong khi tăng nhẹ chỉ có MWG là đáng kể.

BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu VPB

Nhận định: VPB đang trong nhịp điều chỉnh mạnh xấp xỉ 33% từ mức đỉnh 69.300 đồng xuống 46.500 đồng với ngưỡng kháng cự trên là đường SMA20.

Mức giá hiện tại của VPB đã chạm ngưỡng điều chỉnh Fibonaccy 78,6%, và hình thành cây nến doji “Harami cross” trong phiên giao dịch hôm nay, tuy nhiên, khối lượng thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng xuất hiện tín hiệu đảo chiều của giá cổ phiếu.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu trong các phiên tới. Nếu giá cổ phiếu tăng mạnh vượt ngưỡng kháng cự trên SMA20 với khối lượng thanh khoản cao, xu hướng đảo chiều sẽ được xác nhận.

Ngược lại, nếu VPB rơi thủng ngưỡng hỗ trợ 45.920, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ là 39.340 tương đương với ngưỡng tích lũy dài hạn trước đó.

Trong tuần này, cổ phiếu VPB có 2 phiên tăng nhẹ (1%; 0,2%) nhưng 3 phiên còn lại đã giảm mạnh (-4,3%; -2,2%; -5,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ 2 triệu đến 2,9 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VPB giảm từ 46.550 đồng xuống 41.700 đồng, tương đương -10,4%

VCSC: Cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu NLG cho mục tiêu dài hạn

Trong thời gian 2 tháng gần đây, Nam Long đưa ra nhiều kế hoạch và thông tin liên quan đến câu chuyện tăng vốn, phát triển dự án… Các thông tin này mang lại những tác động trái chiều lên giá cổ phiếu, cũng như, quan điểm nhà đầu tư với cơ hội tại Nam Long.

Theo quan điểm khách quan, đối với kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phần theo hình thức đấu giá, chúng tôi cho rằng 2 đợt tăng vốn liên tục trong 2018 thật sự tạo ra áp lực pha loãng lớn về định giá cổ phần, cũng như, ảnh hưởng tâm lý cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, phát hành theo hình thức đấu giá cũng làm cho nhà đầu tư ít nhiều thiếu cơ sở để có thể đánh giá lại giá trị hợp lý của NLG sau khi phát hành.

Với những ấn đề trên, giá cổ phiếu Nam Long đã và dự báo sẽ còn gặp áp lực giảm, nhất là khi thị trường chứng khoán đang diễn biến chưa tích cực.

Do đó, tại mức giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL với cổ phiếu NLG khi kết quả định giá chỉ premium 15% là chưa nhiều hấp dẫn. Tuy nhiên xét câu chuyện dài hạn, chúng tôi vẫn đánh giá tốt với triển vọng của Nam Long.

Trong đó, triển khai hợp tác dự án Waterpoint sẽ là điểm nhấn đầu tư trong nửa cuối 2018 và trong 2019.

Do đó, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cho mục tiêu dài hạn. Mức giá mà nhà đầu tư xem xét là 29.000 – 31.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu NLG có 2 phiên tăng nhẹ (0,3%; 0,3%) cùng 3 phiên mất điểm mạnh (-3,8%; -3,4%; -1,6%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 485.000 đơn vị, phiên thấp nhất đầu tuần hơn 121.000 đơn vị.

Chốt tuần, NLG giảm từ 33.700 đồng xuống 31.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -8%

VCSC giữ nguyên khuyến nghị MUA cho MWG với giá mục tiêu 168.700 đồng

CTCP Đầu tư Thế giới Di động MWG vừa công bố KQLN sơ bộ 4 tháng đầu năm 2018 với doanh thu và LNST tăng lần lượt 43% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả ấn tượng trên hầu hết là nhờ mảng điện tử tiêu dùng. Doanh thu của Điện Máy Xanh, bao gồm Trần Anh TAG) tăng mạnh 88% nhờ doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu tăng, tích cực mở thêm cửa hàng mới (684 cửa hàng Điện Máy Xanh tính đến tháng 04/2018 so với 642 vào cuối năm 2017) và đóng góp của các cửa hàng đã mở trong năm 2017.

Doanh thu của Thế Giới Di Động tăng 5% khi công ty ngừng mở rộng chuỗi này, đồng thời MWG tiếp tục chuyển các cửa hàng có kết quả hoạt động cao sang mini Điện Máy Xanh.

Chuỗi này có tổng cộng 1.065 cửa hàng cuối tháng 4, so với 1.072 vào cuối năm 2017, chủ yếu vì việc chuyển đổi nói trên.

Doanh thu từ bán hàng online tăng mạnh 109% trong 4 tháng đầu năm 2018, chiếm 12% tổng doanh thu.

BachhoaXANH đạt tổng cộng 367 cửa hàng đến tháng 4/2018, so với 283 cửa hàng vào cuối năm 2017. Con số này đang trên đà đạt được mục tiêu của ban lãnh đạo và dự phóng của chúng tôi cho tổng cộng 500 cửa hàng trong năm 2018.

Quan trọng hơn, từ khi thay đổi chiến lược tập trung vào chất lượng vị trí cửa hàng thay vì số lượng đơn thuần, ban lãnh đạo cho biết doanh thu/tháng cho các cửa hàng mới mở trong tháng 4 đã đạt trên 1 tỷ đồng.

Vì vậy, chúng tôi cũng nhận thấy có sự cải thiện trong doanh thu trung bình/cửa hàng trong tháng 4, với mức ước tính khoang 740 triệu đồng trong quý I/2018.

Với kết quả này, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA cho MWG với giá mục tiêu 168.700 đồng, tương ứng với tổng mức sinh lời 60,6% bao gồm 1,4% lợi suất cổ tức.

Trong tuần này, cổ phiếu MWG tăng vọt phiên đầu tuần (4,1%), sau đó điều chỉnh (-1,2%), trước khi bật lại 2 phiên tiếp theo (3,7%; 0,6%), nhưng phiên cuối tuần lại -3,3%. Thanh khoản khớp lệnh cao nhất phiên có hơn 1,1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 420.000 đơn vị.

Chốt tuần, MWG tăng từ 106.000 đồng lên 110.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,77%.

VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho BSR

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho BSR với tổng mức sinh lời 6,5%.

Vị thế thống lĩnh thị trường của công ty, biên sản phẩm dầu diesel (DO spread) phục hồi mạnh và lợi thế về thuế của sản phẩm xăng trong nước so với hàng nhập khẩu đảm bảo BSR có triển vọng khả quan.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận 2018 sẽ giảm nhẹ vì sản lượng tăng mạnh không bù đắp được cho biên sp xăng giảm (gasoline spread).

Tuy nhiên, dự phóng lợi nhuận 2019 sẽ tăng 15,8% so với năm 2018 nhờ biên sản phẩm dầu tăng mạnh và hiệu suất hoạt động tăng.

Chúng tôi thận trọng dự báo lợi nhuận các năm 2020-2022 sẽ đi ngang. Tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào biên xăng dầu (crack spread). Khi biên này tăng hơn dự báo, dự phóng EPS của chúng tôi cũng sẽ tăng hơn dự báo.

Chúng tôi hiện chưa đưa dự án nâng cấp và mở rộng trị giá 1,8 tỉ USD vào mô hình định giá vì nhà đầu tư chiến lược tham gia vào công ty trong tương lai có thể thay đổi dự án.

Hiện tại, chúng tôi chỉ giả định sẽ có dự án khác nhằm nâng chất lượng sản phẩm từ EURO 2 lên EURO 4 trị giá 300 triệu USD.

Triển vọng của công ty đã được phản ánh vào giá do P/E 9,4 lần và EV/EBITDA 6,8 lần là xấp xỉ các công ty cùng ngành.

Rủi ro chính: 1) cung vượt cầu trong ngành công nghiệp lọc dầu toàn cầu; 2) chi phí đầu vào tăng; 3) rủi ro chính sách.

Trong tuần này, cổ phiếu BSR liên tiếp giảm mạnh 2 phiên đầu tuần (-5,5%; -6,6%) sau đó chỉ phục hồi nhẹ 2 phiên sau (1,5%; 1,5%) trước khi một lần nữa bị đẩy xuống mạnh phiên cuối tuần (-4,5%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, BSR giảm từ 21.600 đồng xuống 18.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -12,5%.

KIS khuyến TRUNG LẬP đối với cổ phiếu VJC

Cập nhật cho 2018, chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng tích cực về ngành hàng không cùng chiến lược mở rộng thị phần quốc tế của VJC trong 3 năm tới.

Tuy nhiên, khả năng sinh lời của VJC có thể bị suy giảm đáng kể, ít nhất trong 2018, với đà tăng hiện tại của giá nhiên liệu.

Do đó, chúng tôi dự phóng doanh thu và LNST 2018 của VJC có thể đạt 52.198 tỷ đồng (+23%n/n) và 5.345 tỷ đồng (+5%n/n).

Chúng tôi định giá cổ phiếu VJC tại mức 188.700 đồng/cp vào cuối 2018. Tổng mức sinh lợi kỳ vọng đạt 0%, do đó chúng tôi điều chỉnh.

Trong tuần này, cổ phiếu VJC chỉ có 1 phiên tăng duy nhất ngày 23/5, 4 phiên còn lại đều giảm, trong đó phiên cuối tuần giảm sàn, cụ thể (-3,2%; -3,9%; -3,7%; -7%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên, riêng phiên giảm sàn cuối tuần có hơn 810.000 đơn vị.

Chốt tuần, VJC giảm từ 190.000 đồng xuống 159.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -16%.

MBS khuyến nghị mua với cổ phiếu HDG

Chúng tôi định giá HDG theo phương pháp NAV, với kết quả định giá đạt 61.400 đồng/cổ phần.

So với định giá cũ, chúng tôi bổ sung thêm một số dự án mới sắp được kinh doanh như Noong Tha, Phạm Thế Hiển, Dragon City An Khánh…

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị MUA với cổ phiếu HDG để đón đầu giai đoạn KQKD tăng trưởng cao. PE fw2018 của HDG hiện chỉ ở mức 5,8 lần, rất hấp dẫn trong bối cảnh PE thị trường hiện đã ở mức 18 lần.

Định giá NAV đạt 61.400 đồng/cổ phần, cao hơn 59% so với thị giá. Do thanh khoản cổ phiếu ở mức thấp, HDG phù hợp với chiến lược mua và nắm giữ dài hạn.

Trong tuần qua, cổ phiếu HDG có 2 phiên liên tiếp đầu tuần giảm (-2,8%; -2,9%), và tăng 2 phiên sau (2,1%; 0,3%), trước khi một lần nữa bị đẩy lui trong phiên cuối tuần (-0,9%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất gần 250.000 đơn vị, phiên thấp nhất 64.000 đơn vị.

Chốt tuần, HDG giảm từ 40.900 đồng xuống 39.550 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,3%.

VCSC giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PLX

Chúng tôi giữ khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) với giá mục tiêu 68.100 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi dự báo EPS 2018 sẽ tăng 10,1% nhờ sản lượng bán lẻ tăng 6% và biên lợi nhuận cao hơn từ việc phân phối sản phẩm E5 và RON95.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với dự báo trước đây (20%). Nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm dự báo là lợi nhuận từ xăng RON95 không tăng mạnh như kỳ vọng, trong khi giá nguyên liệu biến động bất thường.

Chúng tôi dự báo EPS 2018-2022 đạt tăng trưởng kép hàng năm 7%, chủ yếu nhờ sản lượng bán lẻ

PLX hiện đang giao dịch tại mức P/E 2018 là 19,9 lần, cao hơn một chút so với trung vị các công ty cùng ngành trong khu vực nhưng công ty có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ các hoạt động không liên quan đến xăng dầu khi đối tác chiến lược tăng sở hữu và tham gia nhiều hơn vào vào hoạt động của công ty, khi Nhà Nước giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%.

Trong tuần này, cổ phiếu PLX giao dịch thất bại, khi chỉ 1 phiên tăng (2,1%) còn lại 4 phiên giảm (-4,3%; -6,1%; -0,5%; -5,6%). Thanh khoản khớp lệnh từ gần 400.000 đến 950.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PLX giảm từ 69.000 đồng xuống 59.500 đồng, tương đương -13,76%.

BVSC Khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu MBB

MBB là 1 trong 2 ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất toàn hệ thống (bình quân năm 2017 ở mức 3,49%) nhờ tỷ lệ nguồn vốn không kỳ hạn (CASA) cao thứ 2 hệ thống (sau VCB).

Lợi thế về nguồn vốn giá rẻ cùng với sự tăng trưởng mạnh của mảng tín dụng tiêu dùng với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Shinsei sẽ giúp MBB mở rộng và duy trì tỷ lệ NIM ở mức rất hấp dẫn trong thời gian tới.

Tại thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu MBB đã giảm khoảng 22% so với đầu tháng 4/2018 và giao dịch ở mức P/E và P/B forward lần lượt là 10,5 và 1,7 lần.

Đây là mức định giá hấp dẫn đối với một ngân hàng có nền tảng cơ bản rất tốt, đồng thời đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ với việc đẩy mạnh mảng bán lẻ và đầu tư phát triển ngân hàng số sau khi có sự thay đổi về ban lãnh đạo.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu MBB.

Mức giá mục tiêu đối với MBB theo phương pháp thu nhập thặng dư và chiết khấu dòng cổ tức sử dụng lãi suất chiết khấu 12% là 37.348 đồng/cổ phần.

Trong tuần này, cổ phiếu MBB cũng có tuần giao dịch không như ý khi chỉ có 1 phiên tăng (1,7%) và ngày 23/5, còn lại 4 phiên đều giảm (-2,3%; -2,7%; -0,2%; -3,6%). Thanh khoản khớp lệnh từ 2,7 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MBB giảm từ 30.300 đồng xuống 28.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,93%.

VCSC: POW hiện đang giao dịch với định giá hấp dẫn

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (POW) công bố kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên lần đầu tiên vào ngày 26/06/2018, với ngày chốt danh sách là ngày 07/06/2018.

Tài liệu ĐHCĐ thường niên chưa được công bố, nhưng chúng tôi cho rằng POW sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển sàn niêm yết sang HOSE.

Công ty có thể thực hiện việc chuyển sàn từ UpCoM sang HOSE trong quý 3/2018, có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động giao dịch của cổ phiếu.

POW hiện đang giao dịch với định giá hấp dẫn với P/E thường xuyên 2018 đạt 12,3 lần và EV/EBITDA 6,5 lần, thấp hơn lần lượt 14% và 21,7% so với các công ty cùng ngành trong khu vực, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) LNST thường xuyên giai đoạn 2017-2020 là 19,1% và tỷ lệ PER là 0,6 lần là tỷ lệ lý tưởng cho một công ty có tiềm năng tăng trưởng thấp và rủi ro thấp.

Trong tuần này, cổ phiếu POW có 2 phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần (-0,7%; -4,8%), sau đó đã tăng trở lại trong cả 3 phiên (1,4%; 0,7%; 0,7%). Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, có phiên hơn 3,1 triệu đơn vị, có phien chỉ hơn 388.000 đơn vị.

Chốt tuần này, POW giảm từ 14.800 đồng xuống 14.200 đồng, tương đương -4,05%.

FPTS khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu NTP

Trong năm 2018, NTP sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành xây dựng cơ bản tại cơ sở mới tại số 222 Mạc Đăng Doanh tăng công suất thiết kế từ 120,000 tấn/năm lên 150,000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, NTP cũng đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất giúp cải thiện chất lượng của các sản phẩm cũ và phát triển một số dòng sản phẩm mới.

Kế hoạch doanh thu năm 2018 là 4800 tỷ đồng (+ 8%yoy) và lợi nhuận trước thuế là 480 tỷ đồng (+5% yoy) (doanh thu và lợi nhuận chỉ bao gồm NTP Hải Phòng và NTP miền Trung).

Chúng tôi đánh giá kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của NTP năm 2018 là sát với thực tế và khả thi.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu NTP với những luận điểm sau:

- Hệ thống phân phối rộng khắp, thị phần dẫn đầu ngành ống nhựa với 60% thị phần miền Bắc, 30% thị phần cả nước.

- Thương hiệu truyền thống với sản phẩm đa dạng và chất lượng tốt.

- P/E ở mức hợp lý so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Trong tuần này, cổ phiếu NTP có 3 phiên liên tiếp giảm từ đầu tuần (-1,3%; -0,9%; -1,5%), sau đó phục hồi nhẹ (0,2%), và lại bị đẩy xuống (-0,4%) trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh chỉ vài nghìn đơn vị/phiên.

Chốt tuần, NTP giảm từ 54.000 đồng xuống 51.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,44%.

BSC khuyến nghị Tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu DGW

Nhận định: Giá cổ phiếu DGW vận động trong biên độ nhỏ, ổn định so với diễn biến của thị trường và có xu hướng dao động trong “Regression Channel”.

Sau khi, chạm ngưỡng trên của kênh ở vùng giá 27.000 đồng, DGW đang có xu hướng tích lũy ngắn hạn gần đường “Regression line”.

Các chỉ báo kỹ thuật MACD, và RSI ngày cho thấy khả năng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy trong ngắn hạn, trong khi các chỉ báo kỹ thuật MACD, và RSI tuần cho thấy khả năng DGW vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá dài hạn.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu xung quanh ngưỡng kháng cự 27.000 đồng.

Trong trường hợp giá cổ phiếu chinh phục thành công ngưỡng kháng cự này với khối lượng thanh khoản tốt, giá mục tiêu tiếp theo sẽ là 32.000 đồng, tương đương với mức Fibonaccy mở rộng 127,2% và vùng đỉnh cũ trước đó.

Trong tuần này, cổ phiếu DGW chỉ có 1 phiên tăng (1,9%) trong ngày 23/5. Còn lại 4 phiên đều giảm (-1,5%; -2,3%; -1,9%; -0,4%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 250.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DGW giảm từ 27.000 đồng xuống 25.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,07%.

VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE

CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu của CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP), nâng tỷ lệ sở hữu từ 20,1% lên 22,1%.

Theo mức giá cổ phiếu hiện tại của CHP là 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E 2017 và P/E 2018 lần lượt là 7,7 lần là 18,3 lần, giao dịch này ước tính sẽ đạt khoản 62,5 tỷ đồng.

Chúng tôi lưu ý rằng REE đã tăng cổ phần tại CHP lên 20% vào cuối tháng 12/2017 và sẽ hợp nhất lợi nhuận được chia từ năm 2018 trở đi.

Chúng tôi dự kiến giữ nguyên dự báo lợi nhuận 170 tỷ đồng năm 2018, nhưng nâng đóng góp của CHP thêm 10% do tỷ lệ sở hữu sẽ tăng lên trong thời gian sắp tới.

Diễn biến này là bước đầu đầu tiên trong kế hoạch đầu tư hứa hẹn của REE trong năm 2018 với cán cân tiền mặt lớn từ cuối năm 2017.

Trong ĐHCĐ thường niên năm 2018, chủ tích HĐQT của REE cũng đặt kế hoạch đầu tư mới 2018 sẽ đạt 130 triệu USD, tăng gấp 3 lần năm 2017 - vào các mảng điện, nước và bất động sản, củng cố cho quan điểm của chúng tôi về tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ cao hơn so với dự báo từ đóng góp của các khoản đầu tư mới.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA cho REE với tổng mức sinh lời 51,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%, trong khi cổ phiếu hiện đang giao dịch với mức P/E hấp dẫn 6,7 lần cho năm 2018.

Trong tuần này, cổ phiếu REE tương tự nhiều buelchip khác, khi chỉ có 1 phiên tăng vào ngày 23/5 (0,6%), còn lại 4 phiên đều giảm (-1,1%; -5%; -2,6%; -2,4%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, REE giảm từ 36.200 đồng xuống 32.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -10,2%.

VCSC khuyến nghị khả quan dành cho mã cổ phiếu SCS

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên vào ngày 28/6/2018 và niêm yết trên sàn HOSE trước ngày diễn ra Đại hội. Ngày giao dịch không hưởng quyền để đăng ký tham dự ĐHCĐ là ngày 08/06/2018.

Hiện tại chúng tôi đang có khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho mã cổ phiếu SCS với mức giá mục tiêu là 188.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời là 17,3% đã bao gồm 3,3% lợi suất cổ tức.

Trong tuần này, cổ phiếu SCS có 2 phiên giảm (-1%; -2,1%) và 1 phiên đứng tham chiếu, còn lại 2 phiên tăng (0,8%; 0,1%). Thanh khoản khớp lệnh dưới 25.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, SCS giảm từ 168.400 đồng xuống 162.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,8%.

VCSC hạ khuyến nghị dành cho HT1 xuống khả quan

Chúng tôi hạ khuyến nghị dành cho CTCP Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) xuống KHẢ QUAN và giảm giá mục tiêu xuống 14.700 đồng/cổ phiếu do quan ngại công ty khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức cao.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 29% xuống 456 tỷ USD, thấp hơn 4% so với kết quả 2017 vì chúng tôi dự báo sản lượng và giá bán đều giảm do cạnh tranh gay gắt hơn cũng như biên lợi nhuận giảm do chi phí đầu vào tăng.

Dù hoạt động đầu tư XDCB chững lại và tỷ lệ đòn bẩy giảm giúp duy trì dòng tiền lành mạnh vẫn bị ảnh hưởng do lợi nhuận giảm.

Cổ tức bằng tiền mặt lên đến 1.500/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 12%), sẽ được trả trong quý II hoặc quý II/2018, nhưng chúng tôi cho rằng công ty khó có thể giữ được mức cổ tức này trong tương lai.

Yếu tố hỗ trợ: Sản lượng bán ra phục hồi, lợi nhuận bất thường từ dự án BĐS Thủ Đức.

Yếu tố bất lợi: Giá điện và than tăng, đồng euro có thể tăng giá cao hơn 2% so với tiền đồng Việt Nam.

Trong tuần này, cổ phiếu HT1 có phiên tăng (3,2%) trong ngày 23/5, còn lại 4 phiên giảm (-0,8%; -3,5%; -0,8%; -1,6%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 157.000 đơn vị, phiên thấp nhất hơn 61.000 đơn vị.

Chốt tuần, HT1 giảm từ 13.050 đồng xuống 12.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,44%.

Thị trường chứng khoán tháng 6: Triển vọng tạo đáy và phục hồi
Dưới góc nhìn của ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, khi VN-Index mất gần 200...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư