Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Diễn đàn M&A 2016: Cơ hội và thách thức trong không gian mở
Hồng Phúc – Gia Huy - 18/08/2016 17:52
 
Phiên đầu tiên của Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 nhiều nhà kinh tế và các doanh nghiệp cho rằng thị trường M&A Việt Nam năm 2016 sẽ đầy thách thức trong khi thị trường này đang giảm nhiệt, tuy nhiên sẽ có những không gian mở cho thị trường này tại Việt Nam.

Trong đó, những yếu tố tác động chính vào thị trường M&A Việt Nam vẫn là thị trường các nước trong khu vực châu Á và thậm chí là cả khu vực châu Âu. Ông Chritopher Kummer, Chủ tịch Viện mua lại, Sáp nhập và liên kết IMAA (Thụy Sỹ) cho rằng, thị trường M&A Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ mặc dù tại thị trường châu Âu đã giảm hơn 1/3%, tại các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản… cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ông Chritopher Kummer cũng cho rằng, tuy được coi là phát triển mạnh nhưng hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc các công ty nước ngoài tìm tới thực hiện các thương vụ, đối với doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn còn rất ít đặc biệt là doanh nghiệp Việt chưa có những thương vụ M&A tại nước ngoài.

.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016

Đưa ra những con số thống kê về thị trường M&A tại Việt Nam, ông Chritopher Kummer cho biết, kể từ năm 2013 quy mô của các thương vụ tăng lên khoảng 3 triệu USD, nhiều thương vụ nhỏ cũng khá sôi động. Nhưng nguồn cung mới chỉ giới hạn ở một số công ty Việt Nam muốn bán đi hoặc phát triển đến mức có thể bán, lãi suất tăng. Đặc biệt ông Chritopher Kummer cho biết thị trường M&A Việt Nam hiện đang đứng thứ 15 trên Thế Giới.

Cũng chung quan điểm về việc sẽ có nhiều thách thức đối với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới, ông John Ditty, Phó giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận tư vấn mua bán doanh nghiệp của Công ty KPMG Việt Nam cho rằng, thị trường M&A Việt Nam đã thay đổi nhiều từ quy mô của các giao dịch từ đơn giản và nhỏ bé đến độ phức tạp. Các thương vụ đã nhận dạng được mục tiêu khi thực hiện mua bán, sáp nhận. Trong đó thị trường bất động sản, bán lẻ,… của các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia các Hiệp định.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Tiến Phước đánh giá rằng, trong thời gian tới các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ này sẽ đặc biệt hơn khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam mở rộng mua bán, sáp nhập ở thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam thực hiện các thương vụ lớn như doanh nghiệp của Thái Lan đến mua siêu thị tại Việt Nam. Hay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tìm tới thực hiện những thương vụ mua bán và dự kiến sẽ mở rộng các thương vụ M&A trong thời gian tới khiến thị trường M&A của Việt Nam đứng trước thách thức và khó khăn trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoại.

“Tôi đánh giá đây không chỉ là khó khăn mà còn là thách thức cho các doanh nghiệp Việt bởi M&A luôn là thị trường mở”, ông John Ditty nhận định.

Là những người trực tiếp tham gia đàm phán tại nhiều Hiệp định thương mại của Việt Nam trong đó có TPP. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Hội đồng cạnh tranh Việt Nam thuộc Bộ Công thương cho rằng, khi tham gia các hiệp định thì hầu hết hàng hóa của Việt Nam sẽ bước ra thế giới và ngược lại với thuế suất bằng không, như vậy nhiều doanh nghiệp khi thực hiện các thương vụ M&A hoặc đầu tư ra nước ngoài sẽ đạt thêm giá trị lớn.

Ông Tuấn cho rằng đây chính là không gian mở cho việc phát triển các ngành nghề trong nền kinh tế trong đó có cả thị trường M&A. Bởi khi các hiệp định có hiệu lực, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển tại Việt Nam. Hàng hóa sản xuất sẽ đi nhiều nước, có cam kết bảo hộ với các nhà đầu tư để thu hút đầu tư và M&A là cách nhanh hất để nhà đầu tư xâm nhập thị trường.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty luật LNT & Partners thì cho rằng, trong thời gian gần đây các thương vụ M&A tăng đột biến một phần là do các chính sách đầu tư đã được nới lỏng cho nhà đầu tư nước ngoài, như luật đầu tư 2015. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa tư tưởng chỉ đạo và thực thi chính sách đầu tư.

Một số thương vụ trong thời gian qua cho thấy một xu hướng là nếu luật pháp nghiêm khắc quá mức cần thiết, doanh nghiệp sẽ tìm cách né tránh bằng cách cấu trúc thực hiện giao dịch ở nước ngoài. Từ thương vụ BigC cho thấy có nhiều điểm cần xem xét như chính sách thuế chuyển nhượng hay chính sách cạnh tranh đối với giao dịch ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng đến cạnh tranh trong nước.

Từ một góc độ khác, Sài Gòn Co.op là một công ty Việt Nam là doanh nghiệp Việt Nam, mua lại một công ty Việt Nam nhưng lại gặp khó khăn và tốn kém hơn đối thủ vì phải chịu các rào cản về thủ tục (như phải xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài). Điều này cho thấy luật pháp mà chặt chẽ quá mức sẽ khiến nhiều doanh nghiệp dứt áo ra đi khi đó các nhà đầu tư trong nước còn chịu thiệt thòi hơn so với nhà đầu tư nước ngoài.

"Vì vậy theo tôi nhà nước nên bỏ hẳn các quy định can thiệp vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp như kiểm tra Nhu cầu kinh tế (ENT) trong lĩnh vực bán lẻ, hay thủ tục buộc phải xin giấy phép M&A đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó các nước khác đang được coi là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Myanmar cũng không có yêu cầu này”, Luật sư Tuấn nói.

Một vấn đề nữa cũng đang được các chuyên gia kinh tế lo ngại và xếp vào diện khó khăn cho doanh nghiệp Việt. Đơn cử như Nghị định 60 về luật chứng khoán cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% vốn sở hữu. Ngoài ra, quyết định đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn giúp nhà đầu tư quốc tế tham gia mua và kiểm soát. Đặc biệt các nhà đầu tư ở Nhật Bản và Thái Lan trong lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, bất động sản quan tâm rất nhiều về luật đầu tư tại Việt Nam, Trong đó, có cả những ý kiến cho rằng thị trường đang hồi phục tốt nhưng lại xuất hiện một số vướng mắc như trong Luật đầu tư còn tồn tại nhiều khó khăn. Kỳ vọng sự hồi phục thị trường vốn, thị trường M&A sẽ tiếp tục phát triển .Ngoài ra, đối với lĩnh vực phân phối dược phẩm thời gian tới được dự đoán sẽ có nhiều chính sách khuyến khích sự đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được sản phẩm, công nghệ cao từ nước ngoài.

Trong khi đó, đối với vấn đề thuế chuyển nhượng trong các thương vụ M&A, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục thuế cho rằng trong các văn bản luật đã quy định nếu doanh nghiệp nhượng bán phần vốn của mình thì vẫn phải thực hiện đầy nghĩa vụ thuế doanh nghiệp.

Ông John Ditty, Phó tổng giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận tư vấn mua bán doanh nghiệp, Công ty KPMG Việt Nam đánh giá, thời gian qua việc áp dụng các văn bản luật về thuế còn nhiều bất cập khiến nhiều doanh nghiệp không muốn thực hiện đầu tư vào Việt Nam. Ông đề nghị Chính phủ cần tìm hiểu và đặt vào vai trò quản lý như các nước phát triển trên thế giới và có sự rõ ràng của trong Luật và văn bản dưới luật để hài hòa lợi ích giữa các bên.

Thừa nhận các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng có vẻ vắng bỏng trong thời gian vừa qua, ông Bùi Huy Thọ, Vụ Trưởng Vụ Quản lý cấp phép TCTD và hoạt động ngân hàng cho biết từ đầu năm đến nay đã có 9 thương vụ mua bán, sáp nhập nổi bật. Tuy nhiên, tình hình ảm đạm trong M&A ở lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới sẽ được cải thiện bằng những hành động khuyến khích từ Ngân hàng Nhà nước.

Đông đảo doanh nghiệp tham gia phiên Kết nối đầu tư tại Diễn đàn M&A 2016
Sáng 18/8, tại TP.HCM. Gần 40 doanh nghiệp có nhu cầu mua, bán và quỹ đầu tư, tư vấn môi giới quốc tế đã có buổi kết nối chào bán và tìm hiểu cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư