Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ 1/1/2017: Gánh nặng lớn với người không có bảo hiểm y tế
Kim Lan - 10/10/2016 08:32
 
Theo dự thảo Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đang được xây dựng bởi Bộ Y tế, giá DVYT đối với người bệnh không có thẻ BHYT sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/1/2017.

Từ 1/7, giá viện phí sẽ tăng tới 50%

Cụ thể, theo dự thảo thông tư, từ đầu năm 2017, dự kiến hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tăng trung bình khoảng 30% so với mức giá hiện tại và được áp dụng cho bệnh nhân chưa có BHYT.

Trong đó, việc tăng giá DVYT sẽ được thực hiện theo hai lộ trình: Từ ngày 1/1/2017, sẽ tăng giá 30%, bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù; sau đó, từ ngày 1/7/2017 giá sẽ tăng 50%, bao gồm các chi phí trước đó, cộng thêm chi phí tiền lương.Việc điều chỉnh giá DVYT đối với người không có thẻ BHYT (được thực hiện sau khi tăng giá DVYT đối với người bệnh có thẻ BHYT) theo Bộ Y tế, sẽ tạo sự bình đẳng trong việc khám chữa bệnh, thực hiện tính đúng, đồng thời, tạo động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT.

.
.

Cụ thể, theo Dự thảo, một số dịch vụ sẽ tăng giá như: sau nội soi ổ bụng tăng từ  575.000 đồng (hiện tại) lên 684.000 (từ tháng 1/2017) và 793.000 đồng (từ tháng 7/2017); đỡ đẻ thường, giá khung tăng lên 567.000 đồng (từ  tháng 1/2017) và 675.000 đồng (từ tháng 7/2017); cắt amidan gây mê tăng lên 855.000 đồng và 1.033.000 đồng…

Trước đó, giá DVYT đã được điều chỉnh tăng 2 lần trong năm 2016, nhưng chỉ áp dụng đối với người bệnh có thẻ BHYT. Dự kiến, tiền khám bệnh trong tháng 3/2017 ở bệnh viện hạng đặc biệt là 20.000 đồng/lượt, bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng, bệnh viện hạng 2 là 15.000 đồng, bệnh viện hạng 3 là 10.000 đồng, bệnh viện hạng 4 là 7.000 đồng. Từ tháng 7/2017, tiền khám tại các hạng bệnh viện sẽ tăng lần lượt là 39.000 đồng, 39.000 đồng, 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng…

Theo báo cáo của các địa phương, ngay từ 1/3/2016, đã có không ít bệnh viện công lập (hầu hết là bệnh viện hạng I, tuyến TW, thành phố của 2 TP. Hà Nội, và TP.HCM), 132 bệnh viện tư nhân và 237 phòng khám đa khoa tư nhân (chiếm 20% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên cả nước) thực hiện giá dịch vụ tính cả lương và phụ cấp đặc thù. Như vậy, mức gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT là rất lớn ngay từ quý II năm 2016 (vì chi phí tại các bệnh viện TW như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức chiếm tỷ trọng chi phí rất cao trong thanh toán BHYT tại khối các bệnh viện TW). Ước tính, năm 2016, chi phí khám, chữa bệnh sẽ gia tăng không dưới 30% so với năm 2015.

Hiện tại, người chưa có thẻ BHYT vẫn áp dụng viện phí theo giá cũ chưa điều chỉnh. Tuy nhiên, điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa người có và không có thẻ BHYT nên cần được bổ sung tại dự thảo thông tư trên.

Tham gia BHYT để bớt gánh nặng viện phí

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT chi trả đã bao quát khoảng 95% dịch vụ y tế hiện hành. Với gần 80% dân số có thẻ BHYT, người bệnh sẽ được hưởng lợi không nhỏ từ chính sách BHYT. Với nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT (khoảng 20% dân số), việc điều chỉnh viện phí thời gian tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ nếu đi khám chữa bệnh.

Do đó, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng khuyến cáo, người chưa có thẻ BHYT nên sớm tham gia loại sản phẩm bảo hiểm này để nhận được những hỗ trợ trong dịch vụ khám chữa bệnh, nhằm bớt gánh nặng viện phí. Cũng theo Bộ Y tế, dự thảo điều chỉnh giá viện phí với người không có thẻ BHYT chỉ quy định mức giá tối đa. Bộ Y tế sẽ ban hành giá cụ thể đối với các bệnh viện thuộc trung ương quản lý, những bệnh viện thuộc địa phương quản lý, mức giá cụ thể sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính cũng hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các bệnh viện để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT, nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo; chỉ đạo các bệnh viện sử dụng một phần chênh lệch thu chi để lập Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh nhằm giúp các trường hợp khó khăn trong chi trả viện phí...

Giá dịch vụ y tế tăng mạnh, CPI tháng 8 vẫn chỉ tăng 0,1%
Tổng cục Thống kê chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp, bất chấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư