Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Điều chỉnh giá tại Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT744 (Bình Dương): Bế tắc vì khác biệt quan điểm
Ngọc Tuấn - 14/09/2016 16:07
 
Kỳ vọng sớm tháo gỡ nút thắt nhằm giải quyết vấn đề lùm xùm xung quanh Dự án đường ĐT 744 tỉnh Bình Dương đã không thành hiện thực. Cuộc họp giữa 5 cơ quan chức năng với chủ đầu tư dự án (Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng) diễn ra giữa tuần trước đã đi vào ngõ cụt, bởi sự khác biệt quan điểm giữa các bên.

Rối nồi canh hẹ

Như Báo Đầu tư phản ánh, khó khăn trong giải phóng mặt bằng khiến việc thi công Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT744 (Dự án ĐT744) kéo dài suốt 8 năm vẫn chưa hoàn thành. Theo đó, việc điều chỉnh giá hợp đồng (bù giá) chưa được thực hiện đã đẩy nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và cầu đường Đại Việt (nhà thầu Đại Việt) lâm vào khó khăn.

Sau khi được phản ánh, UBND tỉnh Bình Dương quyết liệt vào cuộc chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh giá theo đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản. Song có vẻ như việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ rất khó, bởi cho đến ngày 10/9/2016 vẫn tồn tại những khác biệt lớn trong quan điểm của các cơ quan chức năng.

Báo Đầu tư sẽ thông tin quan điểm của chủ đầu tư và UBND tỉnh Bình Dương tới bạn đọc khi có quyết định chính thức về vụ việc.
Báo Đầu tư sẽ thông tin quan điểm của chủ đầu tư và UBND tỉnh Bình Dương tới bạn đọc khi có quyết định chính thức về vụ việc.

Lo lắng theo dõi diễn biến cuộc họp giữa 5 cơ quan chức năng với chủ đầu tư dự án (ngày 7/9), nhà thầu Đại Việt đã sớm thất vọng bởi sự việc đã không có bất kỳ bước tiến đáng kể nào. “Cuộc họp rất kịch tính, gay gắt và thậm chí không ra nổi biên bản họp. Không biết tới bao giờ, quyền lợi chính đáng của nhà thầu được giải quyết thỏa đáng”, đại diện nhà thầu Đại Việt nói.

Theo nhà thầu này, cho tới nay, chủ đầu tư vẫn đổ trách nhiệm cho Ban Quản lý dự án (BQLDA) ngành giao thông - vận tải trước đây, dù chủ đầu tư (là BQLDA Đầu tư Xây dựng, đơn vị kế thừa) đã nhận chuyển giao nhiệm vụ từ BQLDA ngành giao thông - vận tải. Theo đó, việc chuyển giao đã bao hàm việc kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà thầu Đại Việt cho rằng, BQLDA Đầu tư Xây dựng đang chuyền “quả bóng” trách nhiệm sang chân chủ thể tiền nhiệm cho dù đơn vị tiền nhiệm đó đã giải thể.

Trước thực tế đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cũng cho rằng, cần thiết phải xác định đơn vị chịu trách nhiệm để có cơ sở tiến hành các thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá hợp đồng nói trên.

Ngoài vấn đề quy trách nhiệm, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tiếp tục thể hiện sự lúng túng, khác biệt về lập trường khi đụng đến vấn đề cốt lõi là căn cứ pháp lý và phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng. Hiện các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương có 3 luồng ý kiến:

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đối với gói thầu đoạn Km 6 - Km 12 (hợp đồng được ký trước năm 2010), thì việc điều chỉnh giá hợp đồng phải áp dụng theo Thông tư 09/2008/TT - BXD; Các gói thầu còn lại (3 gói) đoạn Km 12 - Km 32 sẽ điều chỉnh giá hợp đồng theo Nghị định 48/2010/NĐ - CP. Theo đó, ngoài việc điều chỉnh giá hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu cần phải xác định nguyên nhân chậm tiến độ từng của giai đoạn để làm căn cứ bồi thường cho bên thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế tại dự án này, trong quá trình giám sát thực hiện, chủ đầu tư đã không lập biên bản xác nhận khối lượng hoàn công tại hiện trường, nên không có cơ sở để xác định nguyên nhân chủ quan hay khách quan.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, với bản chất gần như nhau, các cơ quan chức năng cần tham chiếu việc thực hiện bù giá tại Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh mà tỉnh Bình Dương đã thực hiện trước đó để làm cơ sở cho việc bù giá dự án này. Theo cách làm tại Dự án, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng căn cứ vào từng thời điểm ký phụ lục gia hạn hợp đồng. Cụ thể, lập lại dự toán tại thời điểm ký phụ lục hợp đồng sau đó giảm trừ giá trị giảm thầu vào giá trị ký phụ lục hợp đồng.

Tuy nhiên, BQLDA Đầu tư Xây dựng không thống nhất với quan điểm này của Sở Tài chính, bởi công trình đường Nguyễn Chí Thanh có thời gian tạm ngừng thi công 3 năm chờ mặt bằng để thi công và phải ký lại phụ lục hợp đồng, trong khi các gói thầu thuộc Dự án ĐT744 đã ký tới hơn 20 phụ lục hợp đồng nên có tính liên tục.

Trước ý kiến trên, nhà thầu Đại Việt cho biết, mặc dù việc ký các phụ lục hợp đồng là có thật, nhưng có trường hợp 2 lần ký phụ lục hợp đồng, mỗi lần gia hạn 6 tháng mà nhà thầu vẫn không thi công được vì thiếu mặt bằng, hoặc mặt bằng được bàn giao quá manh mún, nên về tính chất không khác gì công trình nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh vì vẫn có khoảng thời gian tạm ngừng thi công.

Luồng ý kiến thứ ba là từ chủ đầu tư. Tại cuộc họp trước đó (ngày 6/9) giữa chủ đầu tư và nhà thầu Đại Việt với mục đích xác định nguyên nhân của sự chậm trễ trong triển khai Dự án để đưa ra phướng án bù giá, ý kiến chủ đầu tư là chỉ đồng ý điều chỉnh giá nhân công, xe máy cho nhà thầu, căn cứ theo chính sách tiền lương của Chính phủ, các văn bản điều chỉnh giá nhân công, xe máy của tỉnh Bình Dương và khối lượng chậm thi công không do lỗi nhà thầu. Trong khi đó, quan điểm nhà thầu Đại Việt cho rằng, sau khi hết hạn hợp đồng, hoặc phụ lục hợp đồng, chủ đầu tư phải thực hiện điều chỉnh giá cho tất cả khối lượng còn lại, đồng thời, nhà thầu Đại Việt đề nghị chủ đầu tư bồi thường chi phí thiết bị thi công và nhân công trong thời gian chờ mặt bằng, cùng với lãi suất ngân hàng do việc chậm thanh toán.

Ngoài sự khác biệt về quan điểm, chủ đầu tư vẫn tiếp tục giữ lập trường xác định “lỗi chủ quan - khách quan” dẫn tới chậm tiến độ thi công. Sự việc trở nên phức tạp hơn, vì trong quá trình giám sát thi công, chủ đầu tư đã không thực hiện khâu lập biên bản bàn giao mặt bằng và biên bản chốt khối lượng thi công hiện trường trước mỗi đợt ký phụ lục hợp đồng.

Cần phải nhắc lại rằng, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Văn bản số 9236/BGTVT- KHĐT (tháng 11/2012) về điều kiện mặt bằng khởi công công trình giao thông đường bộ, trong đó quy định các chủ đầu tư chỉ khởi công khi được bàn giao mặt bằng sạch ít nhất 80% công trình.

Lối nào thoát khỏi vũng lầy

Thống nhất quan điểm về căn cứ pháp lý và phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng sẽ là bước đi đầu tiên để khai thông tiến trình giải quyết những tồn tại Dự án ĐT744, nhưng với những diễn tiến trên, cho tới thời điểm này, không ai dám chắc sự việc sẽ được giải quyết theo hướng nào.

Theo dõi diễn biến sự việc trên, khi được nhà thầu Đại Việt tham vấn, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) có Văn bản hướng dẫn số 1635/VKT/GXD, ban hành ngày 1/9/2016 nêu rõ: “Tại điểm c, khoản 2, Điều 38 Nghị định số 48/NĐ-CP (ngày 7/5/2010) của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đều quy định rõ: khi bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng (bàn giao chậm, kéo dài, không đồng bộ…) ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng mà không do lỗi của bên nhận thầu gây ra thì được phép điều chỉnh tiến độ hợp đồng. Theo đó, bên nhận thầu thi công xây dựng công trình được quyền yêu cầu bên giao thầu bồi thường thiệt hại khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng thi công như quy định điểm c, Điều 27, Nghị định số 48/NĐ-CP”.

Như vậy, trường hợp hợp đồng thi công các gói thầu thuộc Dự án ĐT744 đoạn Km12 - Km32 là hợp đồng theo đơn giá cố định, nhưng kéo dài tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng không phải bởi lỗi nhà thầu thì các bên thương thảo, đàm phán để xác định phần giá trị bồi thường thiệt hại đối với những khối lượng công việc thực hiện trong khoảng thời gian tiến độ bị kéo dài (từ thời điểm gia hạn tiến độ lần đầu tiên do chậm giải phóng mặt bằng) theo nguyên tắc đảm bảo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Cũng theo một chuyên gia Viện Kinh tế Xây dựng, đối với nội dung thỏa thuận xác định lại đơn giá hợp đồng với những khối lượng công việc thực hiện trong khoảng thời gian tiến độ bị kéo dài, trường hợp giá vật liệu, nhân công, ca máy thi công có biến động thay đổi so với thời điểm ký hợp đồng thi công xây dựng, thì việc các bên thống nhất xác định lại đơn giá hợp đồng tại thời điểm 28 ngày trước ngày gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng cho từng đợt gia hạn tương ứng trên cơ sở công bố giá vật liệu của địa phương nơi xây dựng công trình, hoặc báo giá của nhà sản xuất do tổ chức có chức năng cung cấp đến hiện trường công trình và các thiết bị thi công là phù hợp.

Đối với việc thỏa thuận xác định giá trị bồi thường cho phần chi phí máy thi công đã huy động đến công trường, nhưng buộc phải nằm chờ tại hiện trường do không có mặt bằng để thi công, phần chi phí cho bộ phận quản lý tại công trường cho thời gian kéo dài thực tế, phần lãi suất cho phần vốn đi vay để thi công xây dựng của nhà thầu để huy động thi công xây dựng, nhưng chậm không được thanh toán thì các bên căn cứ các quy định trong hợp đồng để thỏa thuận, thương thảo xác định giá trị thiệt hại theo thực tế. Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án giải quyết như quy định tại Điều 44, Nghị định số 48/NĐ-CP.

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT744 tỉnh Bình Dương: Trái đắng từ một thỏa thuận
Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt đang ôm trái đắng từ việc thực hiện khối lượng công việc phát sinh tại Dự án Nâng cấp, mở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư