Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điều ít biết về khoản đầu tư 1 triệu USD của Viettel ở Campuchia
Phương Linh - 24/04/2019 16:43
 
Vượt qua những khó khăn ngoài sức tưởng tượng, chỉ với chi phí đầu tư 1 triệu USD trong đó gần một nửa là tiền thiết bị, người Viettel đã xây dựng thành công một đế chế di động ở Campuchia khi lần đầu tiến ra nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng giám đốc Viettel Global (VTG) là một trong 3 người Việt Nam đầu tiên được cử sang Campuchia để xây dựng hoạt động kinh doanh. Ông Lợi vẫn nhớ ngày ra đi nhận nhiệm vụ thì “hành trang duy nhất là sự tin tưởng vào quyết định của tập đoàn cùng quyết tâm phải ngẩng đầu khi quay về”.

Những điều khó tin khi đầu tư ở Campuchia

Năm 2007, Nguyễn Cao Lợi, một nhân viên phòng kế toán, nhận được chỉ thị trực tiếp của lãnh đạo tập đoàn cho việc đi sang Campuchia xây dựng hoạt động kinh doanh. Ở thời điểm đó, ban lãnh đạo Viettel chấp thuận đầu tư vào Campuchia với số vốn 1 triệu USD trong đó 446.000 USD là thiết bị. Quyết định này được đưa ra sau khi Viettel chi 98.000 USD nghiên cứu thị trường của quốc gia láng giềng.

Ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng giám đốc Viettel Global.
Ông Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng giám đốc Viettel Global.

Khi bước chân sang Campuchia, thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel chọn đầu tư Voice IP. Chính tiền thu được từ dịch vụ này được dùng để “nuôi” các mảng sau đó. Đây cũng chính là bài học mà Viettel đã thực hiện ở thị trường Việt Nam.

Chúng tôi đi ra nước ngoài cùng với tâm niệm mình không chỉ là đại diện của Viettel mà là đại diện của Việt Nam.

“Với 663.000 USD tiền mặt, chúng tôi đã kéo cáp thành công từ An Giang về văn phòng của Viettel ở thủ đô Phnom Penh. Từ tháng 7-10/2006, tuyến cáp hoàn thành và VoIP mang lại doanh thu chỉ sau 3 tháng. Số tiền 81.000 USD thu được từ Voice IP tiếp tục được đầu tư để phát triển mảng Internet và di động sau này”, ông Lợi nhớ lại những ngày đầu tiên khi Viettel mở rộng thị trường sang Campuchia.

Ban đầu, Viettel chỉ có 9 người Việt Nam làm việc ở Campuchia và đây là giai đoạn rất khó khăn. Ông Lợi không bao giờ quên giai đoạn những cán bộ kỹ thuật của Viettel “ngày vất vả kéo cáp, tối về chỉ có trứng tráng ăn với cơm”.

Từ một chàng sinh viên mới ra trường, chỉ bắt đầu công tác ở Viettel vài năm, Nguyễn Cao Lợi đã được lãnh đạo tin tưởng cử sang Campuchia để đảm nhiệm cương vị trưởng phòng tài chính, trưởng phòng hành chính, kiêm trưởng phòng xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đi ra nước ngoài cùng với tâm niệm mình không chỉ là đại diện của Viettel mà là đại diện của Việt Nam”, ông Lợi chia sẻ.

Những người Viettel đi Campuchia cũng phải đương đầu với những áp lực “chưa từng có tiền lệ”. Khi 26 nhân viên kỹ thuật Viettel được đưa sang để phát triển thị trường ở các tỉnh, họ chỉ có hai ngày để làm quen. Sau đó, mỗi người được giao một chiếc xe cùng một lái xe để đi đến các địa phương, thuê nhà, thuê vị trí đặt trạm và đảm bảo cơ sở để phát triển mạng lưới di động.

Không biết tiếng bản địa cũng như tiếng Anh, đội ngũ cán bộ của Viettel phải tự mò mẫm để làm mọi việc. Tuy nhiên, những người Viettel thời đó cũng không nghĩ nhiều về khó khăn mà chỉ tập trung vào cách tìm ra biện pháp để giải quyết việc mình được giao. “Đó là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi thời đó, mà bây giờ không phải ai cũng được trải qua”, ông Lợi nhận xét

“Ra nước ngoài, tôi được làm việc, nghiên cứu, xây dựng bộ máy tài chính theo cách của riêng mình. Nó giúp mỗi người chúng tôi cứng cỏi, kinh nghiệm hơn và giúp ích được cho tập đoàn nhiều hơn”, ông Lợi chia sẻ.

Vác bao tải tiền đi nộp thuế và kỳ tích ở xứ chùa tháp

Mạng di động đầu tiên mà Viettel xây dựng ở Campuchia không chỉ đánh dấu bước chân của tập đoàn này ra toàn cầu mà còn góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hình ảnh của Việt Nam. Trước đó, quốc gia hình chữ S được phần lớn thế giới biết đến qua những cuộc chiến tranh khốc liệt thay vì thành tựu về phát triển kinh tế hay đầu tư ra nước ngoài.

Samdech Pichey Sena Tea Banh – Phó Thủ tướng Campuchia.
Samdech Pichey Sena Tea Banh – Phó Thủ tướng Campuchia.

Trong quá trình thử nghiệm 10 trạm phát sóng di động đầu tiên, Viettel phải nhập thiết bị vào Campuchia từ Việt Nam, bao gồm cả cột BTS. Chưa bao giờ Hải quan Campuchia nhập loại hàng hóa này nên họ lúng túng không biết xử lý ra sao. Trong khi đó, đây là dự án thử nghiệm nên phía Campuchia yêu cầu đặt cọc để đảm bảo.

“Metfone trong suốt 1 thập kỷ qua là nhân tố góp phần đưa Vương quốc Campuchia trở thành ‘Con hổ mới’ về phát triển kinh tế tại khu vực châu Á”.

“Tôi vác một đống tiền lên cửa khẩu Mộc Bài để nộp. Họ muốn chúng tôi nộp tiền USD nhưng không thể phân biệt tiền thật hay tiền giả nên yêu cầu chúng tôi phải photo và ký vào từng tờ để lưu trữ, đảm bảo đây là tiền thật”, ông Lợi nhớ lại.

Cũng trong năm 2008, trong vai trò kế toán trưởng của Viettel ở Campuchia, ông Lợi phải dùng tiền mặt để đi nộp thuế nhập khẩu. Người Campuchia tại cửa khẩu nằm sát tỉnh An Giang của Việt Nam chỉ nhận tiền Riel nên số tiền 200.000 USD đổi sang tương đương 2 bao tải.

Đến nơi, vì vào buổi chiều, nên chúng tôi buộc phải ngủ lại để chờ sáng hôm sau làm thủ tục nhập khẩu. Nằm gối đầu lên bao tiền, chúng tôi chia nhau một người ngủ, một người thức để đảm bảo an toàn”, ông Lợi kể lại kỷ niệm khó quê năm xưa.

Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 19/2/2009, dự án xuất ngoại đầu tiên của Viettel của khai trương mạng di động và dự báo sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn.  Lúc đó, Campuchia đã có 7 doanh nghiệp góp mặt với Mobitel (công ty cổ phần giữa Tập đoàn Hoàng gia Campuchia và Millicom) đang chiếm tới 50% thị phần di động. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm, Metfone đã tạo nên kỳ tích trong lịch sử viễn thông Campuchia khi đạt 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng.

Hằng năm, thương hiệu này đóng góp khoảng 40-50 triệu USD tiền thuế cho chính phủ, tạo công ăn việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 30.000 gia đình khác có công ăn, việc làm ổn định. Đánh giá về hoạt động của Metfone, ông Samdech Pichey Sena Tea Banh, Phó Thủ tướng Campuchia nói tại lễ kỷ niệm 10 năm của thương hiệu này: “Tôi xin ghi nhận những đóng góp của Metfone trong suốt 1 thập kỷ qua, nhân tố góp phần đưa Vương quốc Campuchia trở thành ‘Con hổ mới’ về phát triển kinh tế tại khu vực châu Á”.

Sau hơn 10 năm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Viettel đã có thương hiệu riêng tại 10 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Peru, Haiti, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Burundi) ở 3 châu lục trên thế giới (châu Á, châu Mỹ và châu Phi). Trong số đó, ở 5/10 thương hiệu của Viettel là công ty viễn thông lớn nhất tại quốc gia đang kinh doanh và 7/10 thị trường đã có lãi, với tổng lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam là hơn 500 triệu USD. Tại Myanmar, thị trường mới khai tháng 6/2018, Viettel đã tạo nên một kỷ lục hiếm có trong ngành viễn thông thế giới khi vượt mốc hơn 5 triệu thuê bao chỉ sau gần 7 tháng kinh doanh. Mục tiêu tới năm 2020 của Tập đoàn Viettel là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư