Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điều tiết tín dụng hợp lý để "nuôi" bất động sản
Thùy Vinh - 27/01/2016 15:38
 
Thị trường bất động sản đang sôi động trở lại, nhu cầu mua nhà của khách hàng tăng nên ngân hàng mạnh tay đẩy vốn cho vay, nhưng theo các chuyên gia tài chính, cần kiểm soát rủi ro.
ngân hàng chỉ cho vay đối với các chủ đầu tư có khả năng trả nợ  để kiểm soát nợ xấu 	ảnh: chí cường
Ngân hàng chỉ cho vay đối với các chủ đầu tư có khả năng trả nợ để kiểm soát nợ xấu. Ảnh: Chí Cường

Thông tin từ Sacombank cho biết, tín dụng của ngân hàng này tăng trong năm 2015 và tháng đầu 2016 chủ yếu cho vay mua nhà. Đó cũng là chủ trương của Sacombank trong quá trình tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, Sacombank không đặt mục tiêu đẩy mạnh vốn cho kinh doanh bất động sản của các chủ đầu tư mà tập trung cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà.

Lãi suất cho vay mua nhà hiện nay được các ngân hàng áp dụng cũng ở mức phù hợp. Tại OCB mức này dao động trong khoảng 9-10%/năm. Đáng chú ý hơn, một số ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian từ 2-3 năm để khuyến khích hàng vay vốn mua nhà, đất khi lãi suất giảm.

Khác với các năm trước, năm 2015 tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm. Cùng với đó là chính sách tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng bước mở đối với cho vay bất động sản, khi giảm hệ số rủi ro với các khoản khó đòi từ 250% xuống 150% và tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60%. Đây được xem là động thái tác động tích cực đối với thị trường nhà, đất.

Dư nợ tín dụng của các ngân hàng vào bất động sản cũng cải thiện đáng kể trong năm qua khi tăng từ 115-120%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, dư nợ cho vay bất động sản chủ yếu là phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu nhà ở thực sự.

Tuy nhiên, nợ xấu ngành ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua một phần do đã mạnh tay cho vay bất động sản và khi thị trường xì hơi và đóng băng, các ngân hàng sẽ khó xử lý tài sản đảm bảo. Vì vậy, xu hướng tín dụng bất động sản tăng cũng khiến cho nhiều người liên tưởng đến tình trạng “bong bóng” bất động sản được tái lặp như giai đoạn những năm 2008 -2009, khi cho vay bất động sản là những khoản vay trung, dài hạn lãi suất ở mức cao. Nếu so với mức đáy vào đầu năm 2012, tín dụng cho bất động sản của ngành ngân hàng hiện đã tăng khoảng 80%, từ 197.000 tỷ đồng lên mức 360.000 tỷ đồng. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý ngành ngân hàng về tình trạng “bong bóng” bất động sản như đã từng xảy ra, theo đó, hiện thị trường bất động sản đã ấm lên, tín dụng bất động sản có dấu hiệu tăng, nhưng ngân hàng phải chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm soát nguồn vốn đầu tư, nhằm tránh tình trạng “bong bóng” như đã từng xảy ra trước đây.

NHNN cũng cho biết, đã có biện pháp kiểm soát dòng vốn như thế nào, để tiền đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thay vì “chạy” vào bất động sản. Số liệu thống kê NHNN cho thấy, tính đến 25/6/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89%, chiếm tỷ trọng 8,3%, chỉ tăng so với 7,9% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng có điều, vốn vay chủ yếu đổ vào lĩnh vực xây dựng nhà ở và cho thuê, không hướng vào mục đích kinh doanh bất động sản.  Tuy nhiên, quan điểm của NHNN vẫn đặc biệt quan tâm và hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thực tế, nhu cầu về nhà ở của thị trường hiện nay rất lớn, nhất là ở những trung tâm thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, các căn hộ có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng vẫn hút hàng. Theo TS. Trần Du Lịch, đó được coi là “sự điều chỉnh hợp lý” sau khi giá bất động sản được thổi giá lên quá cao trong giai đoạn 2007-2009. Vì vậy, vừa để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản vừa xử lý được các khoản nợ xấu của ngành ngân hàng, các chuyên gia kinh tế - tài chính đã kiến nghị chính sách “nuôi nợ để thu hồi nợ”, nhưng phải lựa chọn các chủ đầu tư có khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, các dự án đòi hỏi phải có sự bảo lãnh của ngân hàng trong việc hình thành nhà ở trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015. Việc đòi hỏi các dự án phải có ngân hàng bảo lãnh sẽ đồng nghĩa với việc sàng lọc, lành mạnh hóa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đó được coi là động thái khiến thị trường lành mạnh và minh bạch.

Tuy nhiên, với thị trường bất động sản, ngoài phân khúc nhà ở với giá phù hợp đang có dấu hiệu hồi phục, thì các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp và các công trình hạ tầng vẫn chưa “tan băng”. Vì vậy, để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, nhằm tránh tình trạng bất động sản xì hơi, ông Lịch cho rằng, không nên “bơm” vốn từ ngân hàng để mua lại những dự án này khi chưa chứng minh được “khả năng chấp nhận được” từ vốn đối ứng của các chủ sở hữu. “Nếu Nhà nước tiếp tục chuyển giao những công trình hạ tầng và cho doanh nghiệp sử dụng bài toán dùng tiền của ngân hàng để hoàn thiện những dự án này thì bất động sản khó tránh việc xì hơi lần nữa”, ông Lịch nhấn mạnh.

Thận trọng khi cầu tín dụng bất động sản tăng
Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong năm 2016 là cơ hội cho ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực này, song phải kiểm soát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư