Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điều tiết tốt tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Minh Nhung - 31/01/2016 15:38
 
Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế là một quan hệ kinh tế vĩ mô quan trọng, có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát... Tuy nhiên, quan hệ giữa tốc độ tăng tín dụng và GDP không hoàn toàn thuận chiều, một chiều, cần được kết hợp khéo léo.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2001 đến nay, quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP đã qua 3 trạng thái.

Trong giai đoạn 2001-2005, hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt ở mức trung bình (3,6 lần). Với hệ số này, tăng trưởng GDP đạt khá cao (7,33%/năm). Đồng thời, tốc độ tăng giá tiêu dùng cũng ở mức vừa phải (5,09%/năm) và thấp tương đối xa so với tốc độ tăng trưởng GDP.

.
Năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%, với định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 18 - 20%

Giai đoạn 2006-2010, hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng GDP ở mức khá cao (trên 5,2 lần). Với hệ số này, tăng trưởng GDP tuy vẫn còn đạt khá (6,32%/năm), nhưng đã thấp hơn so với tốc độ tăng của thời kỳ trước (7,33%/năm). Trong đó, năm 2009 tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy (5,4%) và có hiệu ứng phụ là tốc độ tăng CPI vượt lên 2 chữ số (11,37%/năm), cao gấp 1,8 lần tốc độ tăng GDP (năm 2008, CPI tăng tới 19,89%, cao gấp trên 3,5 lần tốc độ tăng GDP). Các hệ số ở mức rất cao, làm bất ổn kinh tế vĩ mô.

Từ năm 2011-2015, hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng GDP ở mức thấp nhất so với 2 kỳ 5 năm trước (chỉ bằng một nửa hệ số thời kỳ 2006-2010 và thấp hơn so với thời kỳ 2001-2005). Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm nhanh (chỉ còn 15,38%/năm, trong đó năm 2012 chỉ tăng 8,85%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng và hệ số này thấp như vậy, tốc độ tăng CPI đã chậm lại tương đối nhanh (từ 18,13% năm 2011 xuống còn 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015, bình quân thời kỳ 2011-2015 tăng 6,51%), thấp hơn tốc độ tăng bình quân năm trong 5 năm trước.

Tuy nhiên, có một số điểm đáng lưu ý. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng liên tục, kéo dài với số lượng lớn (chiếm trên 15% tổng số doanh nghiệp: 2010 là 43 nghìn, 2011 là 53 nghìn, 2012 là 54 nghìn, 2013 là 60,7 nghìn, 2014 là 67,8 nghìn, 2015 là 71,4 nghìn). Tốc độ tăng GDP thấp hơn so với 2 kỳ 5 năm trước, trong đó, năm 2012 rơi xuống đáy (5,25% - thấp nhất tính từ năm 2000) và có 3 năm liền (2012-2014) ở mức dưới 6%.

Năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%, với định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 18 - 20%, hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng so với tốc độ tăng GDP sẽ vào khoảng 2,7-3 lần.

Hệ số như trên là vừa phải, cần thiết và có khả năng thực hiện. Có một số nguyên do.

Trước hết, hệ số này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động, ngăn chặn sự tăng lên của số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã kéo dài với quy mô lớn. Cần thiết còn bởi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhằm chống tụt hậu xa hơn, chống sập bẫy trung bình, để tạo nền tảng sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Có khả năng thực hiện bởi yêu cầu vay vốn cho sản xuất, tiêu dùng, cho thị trường bất động sản ấm nóng, trong khi kênh thu hút vốn trên thị trường chứng khoán sau 4 năm tăng liên tục...

Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến nguy cơ làm cho lạm phát cao trở lại do nhiều yếu tố tác động. Yếu tố nhìn thấy ngay là hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng với tốc độ tăng GDP cao hơn thời kỳ trước, trong khi, tốc độ tăng số dư tiền gửi thấp hơn tốc độ tăng dư nợ cho vay.

Yếu tố về thực hiện lộ trình giá thị trường (được kiềm chế vào năm trước) nay sẽ cùng lúc thực hiện với liều lượng cao hơn, có thể làm tăng từ 3,56 - 4,81 điểm phần trăm CPI.

Một yếu tố khác là tỷ giá sẽ tăng theo giá USD trên thế giới và giá các đồng nội tệ của các nước có quan hệ thương mại lớn, sẽ làm cho chi phí đẩy tính bằng tiền đồng sẽ cao lên.

Một yếu tố rất quan trọng, tuy không phải là yếu tố kinh tế, nhưng trong nhiều trường hợp còn lớn hơn yếu tố kinh tế - yếu tố tâm lý, yếu tố cộng hưởng của các yếu tố trên.

Nỗ lực kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng trong năm 2016
Năm 2016, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, các mặt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư