Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Định đoạt số phận siêu dự án Guang Lian
Nguyên Đức - 02/08/2015 11:21
 
Tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu những thủ tục đầu tiên để thu hồi siêu dự án thép Guang Lian (Dung Quất), vốn đầu tư hiện tại 3 tỷ USD, từng có kế hoạch nâng lên 4,5 tỷ USD, thậm chí là 7 tỷ USD, nhưng sau đó lại xin rút xuống còn 2 tỷ USD.

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Quảng Ngãi đã chính thức có văn bản về việc dừng thực hiện Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD, của hai nhà đầu tư E-United (Đài Loan) và Tycoons (Trung Quốc).

“Việc thu hồi dự án này sẽ được thực hiện theo ba bước, đúng như quy định tại Luật Đầu tư 2014. Đó là chấm dứt thực hiện dự án, thanh lý tài sản và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện giai đoạn II, đánh giá tài sản để thanh lý Dự án”, nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cho biết.

Dự án Thép Guang Lian từng được coi là Dự án động lực để phát triển Khu kinh tế Dung Quất
Dự án Thép Guang Lian từng được coi là dự án động lực để phát triển Khu kinh tế Dung Quất

 

Như vậy, sau khi E-United quyết định không đeo đuổi Dự án vì không thể thu xếp được tài chính vào đầu tháng 7/2015, Quảng Ngãi đã ngay lập tức có bước đi cần thiết để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, kết thúc số phận của siêu dự án thép đã dùng dằng triển khai từ 9 năm qua.

Trên thực tế, trong 3 khâu xử lý Dự án, thì việc đánh giá tài sản để thanh lý là khâu quan trọng và cũng là phức tạp nhất. Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, cho tới thời điểm Dự án Guang Lian dừng xây dựng vào năm 2010, đã có khoảng 73 triệu USD được nhà đầu tư này giải ngân để thực hiện Dự án. Một số hạng mục mà Guang Lian đã triển khai như san nền, đóng cọc, xây dựng các tòa nhà ký túc cho công nhân ở… Mục sở thị công trường Dự án, dù bây giờ hoang tàn, đất bỏ hoang còn nhiều, nhưng cũng thấy chủ đầu tư Dự án Guang Lian đã bỏ không ít công sức và tiền của vào dự án này.

Trong khi đó, 337/504 ha đất theo các giấy chứng nhận đầu tư đã được tỉnh Quảng Ngãi bàn giao cho chủ đầu tư. Ngân sách nhà nước cũng đã hỗ trợ 387 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án. Nhà đầu tư cũng đã ứng một khoản tiền không nhỏ để Quảng Ngãi đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bởi thế, vấn đề cần được đặt ra lúc này, đó là sẽ xử lý các tài sản mà nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như thế nào, định giá ra sao và có hoàn trả nhà đầu tư hay không? Chưa kể, chuyện “an lòng dân”, những người bàn giao đất cho Dự án trong gần 10 năm qua cũng là chuyện không đơn giản đối với tỉnh Quảng Ngãi.

Hơn thế, vấn đề không kém phần quan trọng, thậm chí là một bài toán rất khó với Quảng Ngãi, đó là sau khi Dự án Guang Lian bị thu hồi, làm sao để thu hút nhà đầu tư thế chân? Hơn 300 ha đất không phải là một diện tích nhỏ, không thể tiếp tục để hoang phí kéo dài.

Cũng cần nhắc lại một câu chuyện rằng, Dự án Thép Guang Lian, cùng với Dự án Lọc dầu Dung Quất từng được coi là dự án động lực để phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Khi Guang Lian phá sản, Quảng Ngãi sẽ phải tìm dự án quy mô lớn để thay thế, phù hợp với định hướng đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trọng điểm phát triển công nghiệp nặng ở miền Trung.

Một thông tin đáng mừng là hiện tại, Lọc dầu Dung Quất đang được đầu tư mở rộng với quy mô vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD và việc Tập đoàn GazpromNeft (Nga) đang nỗ lực đàm phán mua cổ phần Lọc dầu Dung Quất có thể giúp tiến trình này được đẩy lên nhanh hơn.

Tuy nhiên, Khu kinh tế Dung Quất còn cần nhiều dự án quy mô lớn hơn thế để phát triển. Thông tin được đưa từ đầu năm 2014, Tập đoàn Exxon Mobile (Mỹ) đang theo đuổi Dự án Cụm Khí - Điện miền Trung phục vụ việc đưa các sản phẩm khí tại các lô 117, 118, 119 vào bờ tại Việt Nam. Quy mô của dự án này từng được công bố có thể lên tới 20 tỷ USD, nhưng sau đó cũng có thông tin cho rằng chỉ vào khoảng 10 tỷ USD.

Exxon Mobile đã từng nhiều lần tới Quảng Ngãi để tìm hiểu cơ hội đầu tư và lãnh đạo tỉnh này cũng đã giới thiệu cho Exxon Mobile 4 địa điểm đầu tư. Cả 4 địa điểm này đều cách các vị trí điểm khoan của các lô 117, 118, 119 trong khoảng 75 - 85 km. Trong 4 địa điểm đó, vị trí nằm về phía Đông Bắc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được quan tâm nhất.

Quảng Ngãi đương nhiên muốn có dự án này, bởi nếu được thực hiện, Dự án sẽ tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội địa phương. Đây cũng sẽ là dự án động lực cho cả tỉnh.

Tuy nhiên, không chỉ Quảng Ngãi mà cả Quảng Nam cũng dập dình xúc tiến đầu tư dự án này vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Exxon Mobile cũng đã từng tới Quảng Nam để khảo sát địa điểm triển khai dự án. Tuy nhiên, sau những thông tin dồn dập hồi đầu năm ngoái, thì cho tới nay, chưa có nhiều thông tin cập nhật về dự án này. Vì thế, Quảng Ngãi vẫn sẽ tiếp tục phải chờ.

Và trong khi chờ đợi, chính quyền Quảng Ngãi sẽ phải tập trung dứt điểm giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới “hậu thu hồi” Dự án Thép Guang Lian.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư