Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Định lại trạng thái Quỹ Bảo trì đường bộ
Anh Minh - 27/07/2018 16:39
 
Sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương - cơ quan đang vận hành, chi tiêu hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm để bảo dưỡng hệ thống quốc lộ cả nước sẽ bị giải thể.

Giải thể

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đang tiến hành lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp liên quan đến kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tới Thủ tướng Chính phủ về việc giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Nhiều khả năng, đề xuất của Bộ GTVT sẽ được Thủ tướng chấp thuận, bởi cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khi góp ý về Báo cáo đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương hồi cuối năm 2017 đều cho rằng, việc tái cơ cấu Hội đồng Quản lý Quỹ là rất cấp thiết.

Duy tu dặm vá ổ gà đảm bảo giao thông tại km 19+400 – Quốc lộ 91. Ảnh: Anh Minh
Duy tu dặm vá ổ gà đảm bảo giao thông tại km 19+400 – Quốc lộ 91. Ảnh: Anh Minh

Trước đó, cuối tháng 6/2018, Bộ GTVT đã đồng thuận với đề nghị của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giải thể Hội đồng Quản lý quỹ và tái cơ cấu hoạt động của Quỹ.

Theo  Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 5/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương là cơ quan đầu não được giao quyết định các vấn đề trong tổ chức hoạt động của Quỹ, bao gồm: đề xuất điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phê duyệt kế hoạch tài chính (thu, chi) hàng năm của Quỹ; quyết định phân chia phí sử dụng đường bộ thu đối với ô tô hàng năm cho các quỹ bảo trì đường bộ địa phương…

Cũng theo Quyết định số 1486, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ là Bộ trưởng Bộ GTVT; 4 phó chủ tịch là thứ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ủy viên thường trực Hội đồng là Chánh văn phòng Quỹ; 7 ủy viên Hội đồng khác bao gồm lãnh đạo Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT); Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam; Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) và đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Lý do khiến cơ quan điều hành Quỹ quản lý hơn 10.000 tỷ đồng này đứng trước nguy cơ bị giải thể là từ năm 2017, thực hiện quy định của pháp luật về Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp  toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Toàn bộ nhu cầu chi cho Quỹ Bảo trì đường bộ đều do ngân sách cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.

“Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng cho biết.

Do Hội đồng Quản lý Quỹ bị giải thể, nên Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương - trong vai trò cơ quan tham mưu cho Hội đồng cũng sẽ hết nhiệm vụ.

Để thay thế Hội đồng Quản lý Quỹ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho bộ này trực tiếp quản lý theo hướng Bộ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch Quỹ, hoặc giao cho Thứ trưởng làm Chủ tịch quỹ, giải thể Văn phòng Quỹ.

“Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sẽ sử dụng các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT để giúp việc điều hành hoạt động của Quỹ. Việc quản lý thu, chi của Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và ban hành quyết định giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ GTVT cho biết sẽ phải đồng thời điều chỉnh hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ này gồm bãi bỏ Quyết định số 1486/QĐ - TTg; sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ; sửa đổi Thông tư 60/2017/TT - BTC ngày 15/6/2017 hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí quản lý bảo trì đường bộ.

Trước mắt, để đảm bảo tiếp tục thực hiện công tác quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho các nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ được thông suốt, không bị ngừng trệ trong thời gian thực hiện nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và có hiệu lực thi hành, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời cho phép chuyển toàn bộ các nhiệm vụ của Hội đồng Quản lý quỹ sang Bộ GTVT, để Bộ chủ động giao các cơ quan tham mưu thực hiện công tác tham mưu tương ứng theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể.

Chồng lấn chức năng

Không chỉ Hội đồng Quản lý quỹ bị “việt vị” so với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước, trong Văn bản số 15985/BTC - HCSN góp ý về báo cáo đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ Tài chính cũng có những phản biện khá gay gắt liên quan đến mô hình hoạt động của Quỹ.

Theo Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, Bộ GTVT được giao dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có kinh phí duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do bộ này quản lý.

Tuy vậy, do hiện nay vẫn còn duy trì tổ chức Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, nên dự toán chi ngân sách nhà nước cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ được Chính phủ giao về Bộ GTVT, nay lại phải chuyển sang Quỹ để quản lý, sử dụng. Hàng năm, Bộ GTVT phải xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, gửi sang Quỹ để phê duyệt. Sau khi được Quỹ phê duyệt với một loạt các thủ tục hành chính không cần thiết này, Bộ GTVT mới có kinh phí để thực hiện hoạt động bảo trì.

“Rõ ràng, cùng một công việc duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ đang được giao cho 2 cơ quan, tổ chức cùng thực hiện. Đó là chưa kể đến việc, dù được Chính phủ giao nhiệm vụ và ngân sách để thực hiện, nhưng khi sử dụng ngân sách lại phải báo cáo và chịu sự phê duyệt của Quỹ - một tổ chức không thuộc Bộ GTVT”, lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích.

Liên quan đến mô hình tổ chức, Bộ Tài chính cho rằng, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chưa có đủ nhân sự và năng lực để độc lập quản lý toàn bộ kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm (khoảng gần 10.000 tỷ đồng; có mối quan hệ phân bổ, cấp phát, quản lý kinh phí với 63 tỉnh, thành phố và 59 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT và các Sở Giao thông - Vận tải được ủy quyền quản lý đường quốc lộ).

Theo Bộ Tài chính, hiện Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vẫn đang sử dụng các tổ chức trực thuộc Bộ GTVT để làm thay các công việc của Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, như: xây dựng dự toán, kiểm tra, thanh quyết toán kinh phí bảo trì đường bộ.

Việc này dẫn tới thực tế là, phát sinh thêm một tổ chức trung gian về danh nghĩa là nằm ngoài Bộ GTVT - Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, nhưng thực tế, tổ chức này vẫn đang sử dụng biên chế và bộ máy của Bộ GTVT để thực hiện công việc được giao; dẫn đến chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giữa Bộ GTVT, các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương trong việc phê duyệt kế hoạch, giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước, cấp phát và quyết toán kinh phí, gắn với trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được giao.

“Mặt khác, hoạt động của thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ theo cơ chế kiêm nhiệm là không hiệu quả, không đảm bảo được vai trò kiểm tra, giám sát thực hiện, các ủy viên kiêm nhiệm không làm thay được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT, Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định.

"Nội soi" chi tiêu Quỹ Bảo trì đường bộ
Việc vận hành, chi tiêu Quỹ Bảo trì đường bộ ở cả trung ương và một số quỹ địa phương trị giá hơn 10.000 tỷ đồng vẫn còn khiếm khuyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư