Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Định vị Đồng Tháp trên bản đồ du lịch
Huy Tự - 10/04/2016 20:03
 
Tỉnh Đồng Tháp đang tập trung xây dựng hình ảnh chủ đạo và sản phẩm du lịch đặc thù, với mục tiêu định vị Đồng Tháp trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
TIN LIÊN QUAN

Không ỷ lại tiềm năng có sẵn

Khi nói đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều du khách cho rằng, chỉ cần đến một tỉnh trong vùng thì coi như đã cảm nhận hết về miền Tây, bởi các sản phẩm du lịch các tỉnh nhìn chung là đơn điệu và trùng lắp. Đa phần quanh quẩn các hoạt động như chèo (hoặc ngồi) thuyền tham quan sông nước, ăn uống, nghỉ ngơi cho lại sức, tiếp đến mua vài tặng phẩm, quà vặt rồi về. Không có gì đọng lại tại các điểm đến để níu chân du khách được lâu, không nhiều du khách có ý định sẽ quay trở lại lần sau. Nhưng quan niệm ấy đang dần thay đổi, bởi một số tỉnh trong vùng đã phát triển cách làm du lịch đặc trưng, trong đó có Đồng Tháp.

Nhà trưng bày Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) thu hút rất đông du khách.
Nhà trưng bày Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) thu hút rất đông du khách.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: nhận diện những điểm yếu nội tại, đồng thời xác định rõ những cơ hội phát triển du lịch, ngay từ đầu năm 2015, Đồng Tháp đã lập Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, song hành với Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, được triển khai sâu rộng từ các cấp chính quyền, các địa phương đến các doanh nghiệp và người dân, với mục tiêu định vị Đồng Tháp trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh chủ đạo và sản phẩm du lịch đặc thù, xác định thị trường; ưu tiên vốn đầu tư, phân công và đặt mục tiêu cụ thể từng khu tuyến, điểm du lịch theo từng năm, từng việc cụ thể.

Đồng Tháp gắn với biểu tượng hoa sen, từ lâu đã trở thành một hình ảnh quen thuộc. Địa danh Đồng Tháp, cụ thể là Tháp Mười đã được biết tới qua câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, tạo ấn tương đẹp trong lòng du khách. Đó chính là một điểm cộng cho Đồng Tháp tập trung định vị rõ ràng trong tâm trí và tiềm thức của người dân Việt Nam. Hơn 200 ha trồng sen tại Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười, đang trở thành mô hình tiêu biểu cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của tỉnh.

Đồng Tháp có cảnh quan thiên nhiên còn nguyên sơ, thuần khiết, nhiều thắng cảnh đẹp như: Vườn quốc gia Tràm Chim (là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới); Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Xẻo Quýt với hệ sinh thái đặc trưng rừng tràm ngập nước, có hệ động thực vật phong phú đa dạng về chủng loại cũng như số lượng vào mùa nước nổi, có thể kể đến như: sen, súng, cỏ năng, lúa trời, tràm, sếu đầu đỏ… Đồng Tháp còn là nơi có nhiều bản sắc văn hóa, tâm linh truyền thống, lưu dấu một nền văn hóa Óc Eo huyền bí của vương quốc Phù Nam cổ xưa. Khu di tích Gò Tháp, nơi gắn liền với địa danh Tháp Mười chính là nơi thờ phụng, là vùng đất linh thiêng...

Không ỷ lại vào tiềm năng sẵn có và không hài lòng những gì đạt được, những người làm du lịch Đồng Tháp có tầm nhìn năng động, cởi mở, luôn sẵn sàng cầu thị, biết thay đổi và đón nhận cái mới, quyết tâm đưa du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh đã quan tâm chú trọng công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, quảng bá xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tìm kiếm cơ hội liên kết hợp tác phát triển du lịch cũng được tỉnh quan tâm hàng đầu.

Phát triển du lịch sinh thái, hướng về cộng đồng         

Từ định hướng rõ ràng, đầu tư theo quy trình bài bản, đến nay, Đồng Tháp đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng khu, điểm du lịch, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch được nâng lên rõ rệt. Các khu, điểm du lịch đã bổ sung sản phẩm mới, mở rộng hoạt động khai thác du lịch và thực hiện xã hội hóa.

Trong năm qua, Đồng Tháp đón 2.100.000 lượt khách, tăng 13% so với năm 2014. Tổng doanh thu du lịch đạt 400 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch là 260 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm nay, Đồng Tháp tập trung phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán và dịp du xuân của du khách, đã thu hút gần 800.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015, đón trên 10.000 lượt du khách quốc tế, tăng 28,5%, tổng doanh thu 60 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Tại TP.Cao Lãnh, thủ phủ tỉnh Đồng Tháp, hàng loạt  công trình được đưa vào sử dụng như: siêu thị, khách sạn nhà hàng, công viên được nâng cấp và làm mới, cổng chào ở các cửa ngõ vào thành phố. Đây có lẽ là thành phố duy nhất cả nước trồng hoa sen dọc dải phân cách các tuyến đường chính, tạo nét đặc trưng cho thủ phủ của đất sen hồng.

Ở vị trí cửa ngõ huyện Cao Lãnh, có Khu du lịch làng bè Bình Thạnh với dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, làng cá bè, góp phần tạo sự đa dạng cho du lịch Đồng Tháp và tạo thêm sự lựa chọn cho du khách.

Xây dựng và phát triển thành phố hoa Sa Đéc đặc trưng của vùng, phát triển mô hình du lịch Home-stay ở phường Tân Quy Đông, mô hình tham quan vườn quýt hồng Lai Vung, vườn xoài Cao Lãnh, làng bè cá Bình Thạnh… đã giúp người nông dân làm du lịch một cách tự tin trên gia sản, cơ nghiệp của mình. Nhiều du khách cho biết, họ rất thích thú khi được trải nghiệm làm nông dân, thưởng thức ẩm thực Đồng Tháp, gắn liền với sông nước bưng biền, với văn hoá sen.

Một số điểm du lịch đã đưa thêm ô tô điện, thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời vào phục vụ khách. Trong một chuyến trải nghiệm, khách vừa đi ô tô điện, vừa đi thuyền sẽ thích thú hơn. Đặc biệt, du khách vừa ngồi trên thuyền, vừa ngắm cảnh mà không có tiếng ồn của máy nổ sẽ cảm nhận trọn vẹn không khí đất trời, hòa mình với thiên nhiên. Cùng với du lịch trải nghiệm, các địa phương cho ra đời các sản phẩm du lịch theo mùa như: Chương trình du lịch sắc xuân Đồng Tháp gắn với Làng hoa Sa Đéc; tua ngắm hoa Hoàng Đầu Ấn, trải nghiệm mùa nước nổi gắn với Vườn quốc gia Tràm Chim; du lịch trải nghiệm làng nghề gắn với làng nghề nem Lai Vung, chiếu Định Yên; du lịch sinh thái miệt vườn…

Nắm bắt xu hướng của du khách thích đi nghỉ vào dịp cuối tuần, các điểm du lịch chọn 2 ngày cuối tuần tổ chức phiên chợ quê, hội chợ ẩm thực, với các gian hàng bánh, món ăn miền quê như bánh bèo, bánh tét, bánh lọt, bánh xèo ăn kèm lá bằng lăng non, các món bún riêu cua đồng, gỏi cuốn… Điểm thú vị khi ăn ở phiên chợ quê là du khách tận mắt xem đầu bếp làm ra chiếc bánh, món ăn và thưởng thức ngay khi còn nóng, nên cảm nhận trọn vẹn hương vị. Ngoài ẩm thực, còn có các gian hàng bày bán sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương và các món quà lưu niệm bắt mắt, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết: hàng trăm hộ dân trồng sen của huyện rất phấn khởi vì sen đã và đang được các doanh nghiệp thu mua để chế biến sâu, cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo như: rượu, sữa, dược liệu… phục vụ du khách và thị trường. Qua đó, thu nhập của người trồng sen ổn định hơn, giúp họ chăm chút, đầu tư thêm cho những cánh đồng sen hiệu quả, giúp du lịch địa phương phát triển bền vững hơn.

Kỳ vọng tốp đầu vùng ĐBSCL

Năm 2016, Đồng Tháp đang tăng tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa, lưu trú tại nhà dân.

Việc phát triển các loại hình du lịch này rất quan trọng, nhằm đáp ứng xu thế đang rất thịnh hành của thị trường du lịch hiện nay, nhất là đối với đối tượng khách nước ngoài, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh. Mới đây, Đồng Tháp thành lập một cơ quan chuyên trách để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển du lịch tỉnh. Cơ quan này quản lý những điểm tham quan du lịch trọng điểm, trực tiếp khai thác du lịch ở một số di tích, vừa kêu gọi đầu tư để xã hội hóa lĩnh vực du lịch hiệu quả hơn, giải quyết hài hoà bài toán kinh tế giữa bảo tồn và kinh doanh.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp sẽ dành nguồn vốn trên 511 tỷ đồng cho Đề án phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020 đầu tư cho các tuyến, điểm, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá tuyên truyền xúc tiến du lịch, định hình cơ bản mô hình phát triển của du lịch Đồng Tháp với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng riêng. Qua đó, tạo nên một bức tranh Du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác.

Mục tiêu đến năm 2020, tăng gấp đôi số lượt khách du lịch đến Đồng Tháp (3,5 triệu lượt khách) và vươn lên tốp đầu khu vực ĐBSCL về tổng lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch. Phấn đấu đưa Đồng Tháp trở thành một trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực ĐBSCL, là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

“Để giữ chân du khách đến và trải nghiệm lâu hơn, giúp tăng nguồn thu cho du lịch, chúng tôi đang chủ động quảng bá, với phương châm mình tìm đến khách, chứ không để khách phải tìm đến mình. Từ việc phục vụ tốt, khách sẽ đến nhiều, đến rồi sẽ đến nữa và ở lâu hơn”, ông Tuyên chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư