Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Đô thị Cà Mau nâng tầm diện mạo mới
Huy Tự - 27/12/2016 14:25
 
Nhận diện rõ những điểm nghẽn cần khắc phục để đưa TP. Cà Mau phát triển nhanh, bền vững là quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền và người dân TP. Cà Mau. Ông Hứa Minh Hữu, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chủ đề này.
Nhiều Dự án đang được triển khai để Thành phố Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều dự án đang được triển khai để Thành phố Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.

TP. Cà Mau đã có những bước chuyển mình, thay đổi diện mạo ra sao về phát triển đô thị trong hai thập kỷ qua, thưa ông?

Là đô thị trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh, TP. Cà Mau trong những năm qua đã vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm nỗ lực thi đua thực hiện đạt được thành quả quan trọng, tạo bước chuyển biến khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm đề ra thực hiện đạt và vượt. Điểm nổi bật là TP. Cà Mau tiếp tục được quy hoạch mở rộng, tốc độ phát triển khá nhanh, nhiều công trình, dự án, nhất là những dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng gắn với nâng cấp, chỉnh trang đô thị khang trang hơn, không gian đô thị thông thoáng, sạch đẹp hơn. Mặc dù có nhiều thách thức và cơ hội đan xen, nhưng kinh tế của Thành phố vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và tiềm lực kinh tế của thành phố từng bước cải thiện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu.

Trước đó, sau khi tái lập tỉnh Cà Mau vào đầu năm 1997, tới năm 1999, Thị xã Cà Mau bấy giờ đã được công nhận là thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh (theo Nghị định số 21/1999/NĐ-CP), với diện tích tự nhiên 24.929 ha, gồm 15 đơn vị hành chính cơ sở (07 xã và 08 phường).

Tuy nhiên, thời điểm ấy, Thành phố vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém nhất định về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, xã hội. Hệ thống đường giao thông nội, ngoại ô; cấp thoát nước, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ; mạng lưới chợ, các trung tâm thương mại, giáo dục đào tạo, y tế và các điểm vui chơi giải trí... nhìn chung chưa đảm bảo theo quy định.

Kinh tế tuy tăng trưởng khá nhanh, nhưng chưa bền vững; lao động thiếu việc làm còn nhiều, tội phạm và tệ nạn xã hội từng lúc còn diễn biến phức tạp. Đội ngũ cán bộ nói chung còn hụt hẫng so với yêu cầu phát triển.

Xuất phát từ thực tế này, trên cơ sở kế thừa những thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố không ngừng phấn đấu, tập trung mọi nguồn lực, phát huy thế mạnh để xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp hơn.

.
Ông Hứa Minh Hữu, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau

Đến nay kinh tế - xã hội Thành phố đã tăng lên đáng kể. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư cải tạo, nâng cấp, mạng lưới thông tin liên lạc được hoàn chỉnh ổn định, kinh tế Thành phố phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng cao, tổng thu nhập của Thành phố năm 2016 (giá cố định 2010) là 9.129/9.110 tỷ đồng, so với năm 2006 tăng gấp 3 lần; GDP bình quân đầu người năm 2016 (giá cố định 2010) đạt 59 triệu đồng, gấp 4 lần so với với năm 2006; các loại hình dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn cao cấp được mở rộng và phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển, nhiều tuyến đường trên địa bàn nội đô được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cũng như phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn.

TP. Cà Mau cũng đã được công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào năm 2010. Đây là bước ngoặc lịch sử, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân thành phố; là cơ hội, điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề vững chắc cho Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Các chính sách xã hội được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện khá tốt. Công tác xoá đói, giảm nghèo được thực hiện bằng nhiều chương trình thiết thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố đến nay còn 1,51%. Chính sách dân tộc, tôn giáo được chỉ đạo thực hiện khá tốt; tình hình dân tộc, tôn giáo cơ bản ổn định. Công tác giáo dục - đào tạo được nâng lên cả chất lượng và số lượng. cơ sở vật chất được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường hàng năm đều đạt trên 99,8%. Theo đó, công tác dạy nghề, đào tạo nghề trên địa bàn thành phố phát huy tốt hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động Thành phố.

Theo ông đâu là những khó khăn cần khắc phục trong quá trình phát triển đô thị của Thành phố?

Thành phố có xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng đô thị thấp và chưa đồng bộ; nội lực chưa đủ sức tập trung đầu tư cho yêu cầu phát triển, chưa có giải pháp huy động vốn đầu tư có hiệu quả, nhất là thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, có mặt chưa chặt chẽ và hiệu lực, hiệu quả đạt còn thấp so với yêu cầu. Trình độ quản lý, điều hành của một số cơ quan tham mưu và một bộ phận cán bộ chuyên ngành làm công tác tham mưu còn hụt hẫng so với yêu cầu; chưa thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài và tập trung đầu tư đào tạo có hiệu quả cán bộ có trình độ chuyên môn cao, phục vụ tốt trước mắt cũng như lâu dài.

Theo tôi, việc nhận diện rõ những điểm nghẽn cần khắc phục để đưa TP. Cà Mau phát triển nhanh và bền vững là quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền và người dân TP. Cà Mau.

Vậy Thành phố sẽ có những đột phá nào để đạt được các mục tiêu như đã định…?

Với lợi thế được xác định là đô thị hạt nhân vùng đô thị Tây Nam, vùng kinh tế trọng điểm và là một trong ba đô thị động lực của tỉnh Cà Mau cùng sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương là những nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy TP. Cà Mau phát triển nhanh, đồng bộ để đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.

TP. Cà Mau sẽ quyết tâm nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế, đầu tư xây dựng nơi đây thành đô thị loại I với 3 nhiệm vụ và giải pháp chính.

Một là, Thành phố chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đã rà soát, điều chỉnh hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển Thành phố; điều chỉnh quy hoạch chung phát triển Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Quy hoạch chi tiết một số khu chức năng, các phường nội thị, cụm, tuyến dân cư; quy hoạch khu đô thị hiện đại thuộc địa bàn phường 8 và xã Lý Văn Lâm. Phát triển một số khu đô thị mới và phát triển đô thị theo mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Gắn công tác quản lý kiến trúc quy hoạch và xây dựng với bảo vệ môi trường; vừa phát triển đô thị, vừa chú trọng xây dựng nông thôn mới. Mở rộng không gian đô thị về hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc và thực hiện quy hoạch thiết kế đô thị, chuẩn bị các điều kiện để nâng cấp thành phố Cà Mau đạt tiêu chí đô thị loại I.

TP. Cà Mau sẽ quyết tâm nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế, đầu tư xây dựng nơi đây thành đô thị loại I.

Hai là, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và từng bước hiện đại. Cải tạo, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch, xác định các công trình xây dựng tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị; từng bước hoàn thành di dời nhà ở ven sông và xây dựng bờ kè một số tuyến sông chính trong nội ô thành phố. Phát triển một số khu đô thị mới, các trung tâm dịch vụ, thương mại cao cấp, đào tạo, ứng dụng công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Góp phần cùng tỉnh và Trung ương sớm đầu tư các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn thành phố như: đường Hành lang ven biển phía Nam, các đường vành đai 1, 2 và Tây Nam, đường tránh Quốc lộ 1A từ xã Tắc Vân đến cầu Lương Thế Trân; nâng cấp, mở rộng đường Cà Mau - Đầm Dơi từ cầu Huỳnh Thúc Kháng đến cầu Hoà Trung, các đoạn nội đô của quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 63, các cầu qua Kinh Xáng Cà Mau - Bạc Liêu, cầu qua sông Tắc Thủ, kè chống sạt lở nội đô; nâng cấp và mở rộng Dự án Sân bay Cà Mau, đồng thời khẩn trương hoàn thành Dự án Nâng cấp đô thị TP. Cà Mau.

Ba là, thực hiện tốt chức năng quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo cơ cấu “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các lĩnh vực kinh tế chủ yếu phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu sớm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển đồng bộ văn hóa - xã hội gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh đô thị, phấn đấu đến năm 2020 có 50% phường đạt chuẩn văn minh đô thị và xây dựng con người thành phố Cà Mau "Văn minh, lịch sự, mến khách".

Thành phố đang triển khai Dự án Nâng cấp đô thị. Điều này sẽ giúp thay đổi hạ tầng và cuộc sống người dân ra sao, thưa ông?

Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cà Mau được triển khai theo 2 giai đoạn, từ năm 2012 đến năm 2015 và từ năm 2015 đến năm 2017. Hiện dự án đang triển khai giai đoạn II. Qua một số hạng mục giai đoạn I hoàn thành như Khu tái định cư hợp phần 3 tại phường 4, nâng cấp các khu dân cư thu nhập thấp như LIA 1, LIA 2 tại phường 1; LIA 3, LIA 4 tại phường 4 đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chiếu sáng, cây xanh đô thị làm thay đổi rõ nét cảnh quan, môi trường, nâng cao điều kiện sống của người dân phạm vi thực hiện dự án và cả khu vực lân cận.

Để dự án đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành trong năm 2017, rất cần sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của cộng đồng dân cư nơi có dự án đi qua. Điều này đang diễn ra thế nào, thưa ông?

Đúng vậy. Dự án Nâng cấp đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Cà Mau rất cần sự chung tay hỗ trợ từ người dân nơi có Dự án, với việc hiến đất, vật kiến trúc để đẩy nhanh dự án, dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân.

Đối với việc hiến đất thực hiện dự án liên quan đến 3.805 hộ có ảnh hưởng, tổng diện tích hiến đất là 40.609m2 với tổng giá trị là 47,396 tỷ đồng. Đối với vật kiến trúc bị ảnh hưởng như mái che, hàng rào, số hộ bị ảnh hưởng là 2.089 hộ với tổng giá trị đã hiến là 7,797 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sự đồng tình hưởng ứng của người dân đối với dự án rất đáng ghi nhận. Thành phố cũng rút ra được kinh nghiệm trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đó là khi công trình dự án triển khai phù hợp, đáp ứng nhu cầu người dân và khi thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ tạo sự đồng thuận hưởng ứng cao của người dân trong quá trình xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Thành phố, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo đô thị Cà Mau nhanh chóng.

Cà Mau dồn dập đón vốn đầu tư
Tại Hội nghị "Cà Mau - Tiềm năng và cơ hội đầu tư" được tổ chức ngày 16/12 tại TP.HCM, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư