Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đô thị mới: Quảng cáo như "chốn bồng lai", thực tại nhếch nhác, thiếu đủ thứ
Mạnh Bôn - 16/08/2017 13:56
 
Nhiều khu đô thị quảng cáo như chốn bồng lai nhưng không điện, không nước, không chợ, không trường, không chỗ vui chơi, giải trí.

Quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn, kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu… là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sáng nay tại Phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, ngày 16/8/2017.

Quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn

Minh chứng quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Thuý dẫn chứng, đô thị nào cũng gặp phải vấn đề về môi trường, đó là nước thải, rác thải không có cách xử lý ổn thoả; thiếu chỗ vui chơi, giải trí cho người dân.

“Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HM, tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng, ngày nắng thì thiếu nước, mưa xuống thì phố biến thành sông. Nhiều con phố, đoạn đường mới làm xong, kinh phí đầu tư rất lớn, nhưng phố xá vẫn nhếch nhác, nhà mặt phố toàn nhà “bé tin hin”, méo mó, mỏng dính”, bà Thúy phác họa bức tranh về thực trạng đô thị hiện nay và muốn biết Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận vấn đề này ra sao.

Tiếp tục nội dung quy hoạch đô thị, nhắc đến những con đường, đoạn phố đang thẳng, sau khi quy hoạch biến thành “đường cong mềm mại”; sân golf nằm trong sân bay; trong các khu đô thị thì “nhà trọc trời nọ sát vách nhà trọc trời kia” nhưng cả khu không có chợ, trường học, khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng công tác phòng cháy chữa cháy, bà Thúy hỏi thẳng: “Liệu có tình trạng một số người biết trước quy hoạch để trục lợi?”.

Trong khi đó, Đại biểu tỉnh Hậu Giang, bà Nguyễn Thanh Thuỷ cho biết, cử tri rất bức xúc trước thực trạng xây dựng trái phép, sai phép, không phép, lấn chiếm đất công, lấn chiếm kể cả đất quốc phòng trong khi cơ quan nào cũng có thanh tra chuyên ngành.

“Bộ trưởng, có cam kết là không để tình trạng này xảy ra trong thời gian tới và có xử lý nghiêm được tình trạng trái phép, không phép, sai phép hay không?”, bà Thủy chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Hoà Đại biểu tỉnh Đồng Tháp thừa nhận những nội dung được hai nữ đại biểu kể trên nêu ra “vừa trúng, vừa đúng”, đồng thời ông còn cho rằng tình trạng lãng phí, thất thoát trong khảo sát, tư vấn thiết kế xây dựng không hề nhỏ; tình trạng thất thoát, bớt xén vật tư trong thi công xây dựng vẫn còn; định mức chi phí quản lý dự án và đầu tư quá cao khiến giá trị công trình bị đội lên, hiệu quả và chất lượng công trình xây dựng bị giảm xuống.

“Có giải pháp gì để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này”, ông Hòa hỏi Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.

Vì đâu nên nỗi?

Giải thích nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh (hiện tại cả nước có 805 đô thị, chiếm 37% dân số); chất lượng lập quy hoạch thấp, có cái quá dài, có cái quá ngắn, tiến độ thực hiện quy hoạch chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương… Tổ chức thực hiện quy hoạch thường thực hiện chậm, chắp vá, cái đáng lẽ làm trước thì làm sau, đáng lẽ làm toàn phần thì làm một phần.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, theo tư lệnh ngành xây dựng là thiếu nguồn lực (cụ thể là tiền) để thực hiện và thiếu tiền cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập lụt, quy hoạch treo. Thiếu tiền triển khai quy hoạch cũng dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công do quy hoạch nhưng không có tiền triển khai nên người dân “nhảy dù” vào chiếm đất công.

Ông Hà khẳng định, tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, không phép đã và đang giảm dần. Tỷ lệ vi phạm giấy phép trong hoạt động xây dựng năm 2016 chỉ chiếm 12-13%, ước vào khoảng 15.000 trường hợp.

“Vi phạm giấy phép trong hoạt động xây dựng có một số lý do. Thứ nhất, giấy phép được cấp không đúng quy hoạch, tức là giấy phép sai. Thứ hai, giấy phép cấp đúng quy hoạch nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm. Thứ ba là buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, rất nhiều trường hợp cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi người dân và báo chí lên tiếng. Thậm chí, vào cuộc xử lý hợp vi phạm cũng không đến nơi, đến chốn”, ông Hà thẳng thắn.

“Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nhưng cũng không dám đứng ra cam kết đến thời điểm nào sẽ chấm dứt được các hạn chế trong xây dựng mà các đại biểu đặt ra”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn.

“Chốn bồng lai” không có lối vào

Cũng như tất cả người dân, hàng ngày, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng được nghe những mỹ từ quảng cáo bán bất động sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, nào là khu đô thị đáng sống, chốn ta về, khu đô thị kiểu mẫu, nơi đầu tư thông minh…

“Toàn là “những lời có cánh”, nhiều khu đô thị quảng cáo như chốn bồng lai nhưng lại “năm không”: không điện, không nước, không chợ, không trường, không chỗ vui chơi, giải trí”. Nhiều đô thị quảng cáo rất hay, nhưng thực tế thì đến đường vào cũng chẳng có. Ngay cả khu đô thị trước đây được mệnh danh là kiểu mâu đó là Khu đô thị Linh Đàm giờ cũng nhếch nhác”, ông Hồng bình luận.

“Nhiều khu đô thị vừa làm xong đường đã bị đào lên, lấp xuống rồi lại đào lên để làm ống thoát nước, cấp nước, cáp quang… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân”, Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phản ánh và hỏi: “Bộ trưởng có biết vấn đề này không?”.

Tất nhiên, tư lệnh ngành xây dựng không thể không biết, mà còn biết rất rõ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Hà là do chủ đầu tư quá tập trung đầu tư xây căn hộ để bán mà không quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

“Theo tôi, chủ đầu tư nào tập trung xây dựng đồng bộ hà tầng thì giá nhà chung cư hấp dẫn hơn, thu hút được khách hàng, người dân quan tâm đến sản phẩm của mình sẽ thu được lợi nhuận cao hơn thay vì chỉ chăm chăm xây căn hộ để bán mà không quan tâm đến hạ tầng xung quanh”, ông Hà phát biểu.

Còn về phần Bộ Xây dựng, ông Hà cho biết sẽ cùng với các bộ ngành, địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra các khu đô thị, chung cư, tất cả đơn vị nào vi phạm quy hoạch chi tiết (trong đó quy định rất rõ mất độ xây dựng, chiều cao, kết cấu hạ tầng…) sẽ xử lý nghiêm.

Quy hoạch đô thị TP.HCM: Hàng loạt dự án treo
Quy hoạch đô thị của TP.HCM hiện được coi là một bức tranh xám màu, khi trên địa bàn tồn tại những dự án khu đô thị bỏ hoang 20 năm; những dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư