Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp cần thiết phải minh bạch các loại phí trong xuất khẩu lao động
Hải Hà - 24/04/2018 19:49
 
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, chi phí xuất khẩu lao động của Việt Nam cao hơn một số quốc gia, do đó, trong Bộ Quy tắc ứng xử sử dụng cho các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (CoC – VN 2018) đã đưa ra yêu cầu doanh nghiệp công bố minh bạch các chi phí.
.
Doanh nghiệp tham gia CoC-VN 2018 phải minh bạch chi phí trước khi người lao động xuất cảnh cùng hàng loạt điều kiện liên quan tới hỗ trợ lao động khi làm việc tại nước ngoài

Theo nội dung của CoC-VN 2018 vừa được công bố hôm nay (24/4)) tại Hà Nội, các chuẩn mực mới đưa ra trong bộ quy tắc này tập trung nhiều hơn vào việc giảm phí cho người lao động bằng cách yêu cầu doanh nghiệp công bố minh bạch các chi phí trong các quảng cáo tuyển dụng, hợp đồng và chia sẻ thông tin về chi phí trong các khóa bồi dưỡng kiến thức cơ bản trước khi xuất cảnh.  

Hiện, Việt Nam có khoảng 540.000 lao động di cư làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Tính riêng năm 2017 đã ghi nhận con số kỷ lục là 134.751 người lao động ra nước ngoài làm việc. Phần lớn trong số họ là người lao động tay nghề thấp, xuất thân từ nông thôn.

Nghiên cứu năm 2017 của ILO và IOM (Tổ chức Di cư quốc tế) về “Rủi ro và Lợi ích: Tác động của di cư lao động ở Đông Nam Á” cho thấy, những thông tin tin cậy về di cư thường không có cho người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài. Người Việt Nam phải chi trả chi phí cao nhất trong số các nước xuất cư trong nghiên cứu này, mặc dù ILO không cho biết cụ thể những nước xuất cư trong nghiên cứu là những nước nước nào.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, rất ít lao động Việt Nam được bố trí công việc phù hợp với kỹ năng nghề mà họ có, hơn ¾ người lao động Việt Nam được khảo sát cho biết có trải nghiệm một số hình thức vi phạm quyền nào đó và ít người được tiếp cận với các biện pháp khắc phục theo quy định luật pháp và chỉ có 3% người lao động có khả năng áp dụng những kỹ năng mới thu được từ di cư sau khi về nước.

Phản hồi về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, so sánh mức phí giữa các thị trường cũng cần so sánh ở nhiều phương diện. Thực tế, mức phí ở mỗi thị trường là khác nhau và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Trình độ của người lao động, kỹ năng nghề, sức khỏe… trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ đàm phán với đơn vị tiếp nhận để đưa ra mức phí phù hợp.

“Mức phí ở các thị trường phụ thuộc vào việc có nhiều đơn hàng và trình độ lao động là khác nhau. Mức phí “mặc cả” thấp tùy thuộc vào trình độ lao động khi có kỹ năng, trình độ, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Trào nói.

Để giải quyết được vấn đề này, theo ông Trào cần có giải pháp tổng thể trong tuyển chọn doanh nghiệp phái cử lao động, nhất là trong vấn đề tuân thủ luật pháp.

Ngoài vấn đề phí của doanh nghiệp, CoC-VN 2018 cũng đề cập tới các nội dung liên quan tới chống phân biệt đối xử; bảo vệ lao động nữ; bảo vệ lao động nữ giúp việc gia đình; nâng cao điều kiện và thực hiện hợp đồng; tiếp cận thông tin đầy đủ và chính xác; tiếp cận cơ chế khiếu nại và giữ giấy tờ tùy thân nhằm hướng dẫn doanh nghiệp tuyên truyền cho người lao động những nội dung cần thiết để xử lý tình huống khi làm việc tại nước ngoài.

Mặc dù với CoC-VN chỉ là khuyến khích tuân thủ nhưng theo ông Trào, đây là bộ quy tắc đo lường hiệu quả, chi tiết hoạt động của doanh nghiệp. Nếu không tuân thủ đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp không đủ uy tín hoạt động trên thị trường và như vậy, người lao động sẽ rời bỏ doanh nghiệp.

Kết quả thực hiện CoC – VN năm 2017 cho thấy, trong số 106 doanh nghiệp được xếp hạng, chỉ có 2 doanh nghiệp được xếp hạng 6 sao còn lại, 53 doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao, 46 doanh nghiệp được xếp hạng 4 sao và 5 doanh nghiệp được xếp hạng 3 sao. 

Trong khi đó, trên thực tế hiện có tới gần 300 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Cảnh giác với những "hứa hẹn" xuất khẩu lao động Singapore
Do nhẹ dạ tin vào những lời rao tuyển việc nhẹ lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ tốt, chi phí rẻ nhiều người dính bẫy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư