Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân
Doanh nghiệp chân chính không việc gì phải sợ
Mạnh Bôn - 21/12/2015 08:45
 
“Hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân là nội dung mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự sửa đổi, những doanh nghiệp làm ăn chân chính không việc gì phải sợ”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, TS. Nguyễn Đình Quyền trao đổi về Bộ luật Hình sự sửa đổi được Văn phòng Chủ tịch nước công bố hôm nay (18/12/2015).
.
TS. Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Thưa ông, nhiều người quan ngại, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ khiến nhiều người không dám đầu tư, kinh doanh?

Doanh nghiệp không việc gì phải sợ vì theo quy định hiện nay, nếu pháp nhân có hành vi buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả; đầu cơ; trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ… thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Và từ ngày 1/7/2016, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, nếu vi phạm các quy định kể trên, thì doanh nghiệp cũng chỉ bị xử phạt như vậy.

Vậy là hình sự hóa pháp nhân với xử phạt vi phạm hành chính pháp nhân không có gì khác biệt?

Sự khác biệt chỉ ở chỗ, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu vi phạm các quy định kể trên đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì doanh nghiệp bị phạt tiền tối thiểu là 50 triệu đồng ngoài việc phải đền bù thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Ngoài ra, tùy từng tội danh, doanh nghiệp còn có thể bị tòa án cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

Với mức phạt như trên, ông có nghĩ rằng, tính răn đe quá thấp, không khác nhiều so với quy định hiện nay?

Quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi có tính răn đe cao hơn, vì sau khi bị tòa án tuyên án, thực hiện xong bản án, pháp nhân còn có án tích. Trong cơ chế thị trường, đặc biệt là quan hệ làm ăn với nước ngoài, nếu doanh nghiệp có án tích sẽ rất khó hợp tác đầu tư, kinh doanh vì uy tín, thương hiệu bị ảnh hưởng rất nặng nề trong thời gian dài.

Tất cả doanh nghiệp làm ăn chân chính, đàng hoàng đều ủng hộ trách nhiệm hình sự với pháp nhân vì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của họ được pháp luật bảo vệ. Chỉ những doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp làm ăn chụp giật mới sợ khi hành vi phạm tội của pháp nhân bị xử lý hình sự.

Nhưng để xóa án tích cũng như không phải thực hiện bản án đã có hiệu lực, chủ doanh nghiệp chỉ cần xóa pháp nhân này, lập pháp nhân khác, thưa ông?

Để có được uy tín với khách hàng, đối tác; thương hiệu với người tiêu dùng, doanh nghiệp phải mất nhiều năm và chi không ít thời gian, tiền bạc, nên chủ doanh nghiệp chắc chắn chấp hành bản án có hiệu lực của tòa án, chứ không dại gì đóng cửa, giải thể, phá sản. Hơn nữa, nếu đóng cửa, giải thể, phá sản thì tài sản còn lại của doanh nghiệp cũng bị cơ quan quản lý nhà nước thanh lý, bán đấu giá để thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp với người lao động, tiền thuế và nghĩa vụ tài chính khác với ngân sách nhà nước, nộp phạt theo bản án của tòa án.

Còn nếu chủ doanh nghiệp cố tình tẩu tán tài sản của doanh nghiệp trước khi giải thể, phá sản, thì sẽ bị xử lý hình sự đối với cá nhân cùng với xử lý hình sự pháp nhân, vì theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Giả sử khi bị điều tra, truy tố, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ biện minh rằng, họ thực hiện theo nghị quyết của hội đồng quản trị, ban giám đốc để né tránh trách nhiệm cá nhân, thì xử lý thế nào?

Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn bị xử lý trách nhiệm hình sự còn cá nhân trực tiếp đưa hối lộ, cá nhân chỉ đạo việc trốn thuế, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường sẽ bị truy tố tội đưa hối lộ, gây ô nhiễm, trốn thuế hoặc bị truy tố tội không tố giác tội phạm. Vì vậy, không ngại cá nhân “chuyển tội” cho pháp nhân để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Sẽ tăng xử lý hình sự đối với các vi phạm trên TTCK
Với nhiều nội dung mới tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua, dự kiến có hiệu lực từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư