Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp công nghệ thông tin: Muốn xuất khẩu đột phá, phải đầu tư cho R&D
Hoa Giang - 24/08/2017 20:43
 
Để quảng bá hình ảnh ngành công nghệ thông tin, tìm hướng phát triển đột phá cho doanh nghiệp trong ngành, 500 chuyên gia tư vấn và nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham dự Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin (VNITO 2017) vào giữa tháng 10 tới, tại TP.HCM.

Tiềm năng còn rất lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh VNITO, Giám đốc QTSC cho biết, trong bảng xếp hạng của Cushman & Wakefield  năm 2016, Việt Nam đứng số 1 thế giới về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO). Còn Báo cáo năm 2017 của Jones Lang LaSalle đã xếp TP.HCM đứng thứ 2 và Hà Nội đứng thứ 7 trong Top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

.

Đáng chú ý nhất là, Báo cáo Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 do Gartner công bố cho thấy, Việt Nam được xếp là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là lý do mà Hội nghị VNITO 2017, sẽ diễn ra vào ngày 19 và 20/10 tại Trung tâm Hội nghị GEM Center (TP.HCM), lấy chủ đề chính là “Việt Nam - điểm đến hàng đầu châu Á về dịch vụ công nghệ thông tin”.

VNITO 2017 do Liên minh VNITO, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức cùng sự hỗ trợ của Hội Tin học TP.HCM (HCA) và Tổ chức Phát triển công nghệ thông tin Việt Nam tại Hoa Kỳ (VIDG).

Theo kết quả nghiên cứu của KPMG Việt Nam, khi so sánh với 8 khu công nghệ có quy mô hàng đầu tại châu Á, QTSC được xếp đứng thứ 3 về các yếu tố như tỷ lệ lấp đầy, chính sách đãi ngộ, hạ tầng viễn thông… và đứng thứ 4 về các yếu tố liên quan đến quy mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mức thu hút vốn FDI, tay nghề của nguồn nhân lực. “Những kết quả trên đã chứng minh được tiềm năng, thế mạnh và uy tín của Việt Nam đối với thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu”, ông Long nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty TMA Solutions, thành viên Ban cố vấn VNITO, ngành gia công phần mềm Việt Nam có rất nhiều cơ hội và thử thách. Cơ hội là ngày càng nhiều người biết đến Việt Nam, nhiều tổ chức đánh giá Việt Nam xếp những thứ hạng cao trên bản đồ gia công công nghệ thông tin thế giới, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại nhu cầu cao hơn về cả lượng lẫn chất của nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

“Thử thách là làm sao đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và phát triển ngành một cách lâu dài, bền vững. Để thực hiện được những điều này, phải có sự chung tay góp sức của tất cả các thành viên đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông. Đó là lý do mà chúng ta phải tích cực quảng bá hình ảnh ngành công nghệ thông tin Việt Nam thông qua những hội nghị mang tầm quốc tế như VNITO”, ông Lệ nói.

Biến tiềm năng thành hiệu quả

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để ngành phần mềm trở thành ngành xuất khẩu tỷ đô của TP.HCM?”, ông Việt Hồ, CPO Công ty Russell Investments cho biết, phải tích cực quảng bá ngành công nghệ thông tin để thế giới biết nhiều đến Việt Nam hơn và tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tìm ra các thị trường ngách, từ đó gia tăng giá trị cạnh tranh.

Theo ông Hùng Q. Nguyễn, Chủ tịch, kiêm CEO LogiGrear Corp, nhu cầu về gia công phần mềm trên thế giới và Hoa Kỳ hiện rất lớn và lĩnh vực được nói đến nhiều là tự động hóa. Tự động đòi hỏi khả năng chuyên môn hóa cao hơn, nhu cầu về số lượng ít hơn, nhưng kỹ sư phải nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, cloud. Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất về phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin là vấn đề nhân lực.

“Phải trao quyền và nâng cao hơn nữa khả năng làm việc chuyên nghiệp của các bạn trẻ, những nhà lãnh đạo thế hệ mới, là những người đại diện, xây dựng và phát triển hình ảnh của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Và để phát triển đột phá thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải đầu tư cho hoạt động R&D, phải đổi mới sáng tạo với những phương pháp, công nghệ mới để cạnh tranh hiệu quả với các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Hùng Q. Nguyễn bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, ông Hùng Q. Nguyễn cảnh báo, bên cạnh gia công phần mềm, phát triển tự động hóa, xu hướng hiện nay tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, cloud... do đó thay vì trước đây một công ty cần nhiều nhân sự, thì nay chuyển hướng cần ít nhân sự hơn nhưng trình độ chuyên môn cao hơn. Và vì không còn cần quá nhiều nhân sự, lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ mất đi.

Nhân lực công nghệ thông tin: Mỏng số lượng, yếu chất lượng
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang bước vào thời kỳ tăng trưởng nóng nhưng “lực lượng làm CNTT của Việt Nam còn rất mỏng về số lượng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư