Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp đang đòi hỏi nhiều hơn từ báo chí
Khánh An - 20/06/2015 09:00
 
Sự đồng hành của báo chí và doanh nghiệp vì sự thăng hạng của nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới đang cần thêm sự dũng cảm của doanh nghiệp và sự đồng cảm của báo chí.

Khi báo chí dũng cảm hơn… doanh nghiệp

Một buổi cà phê doanh nhân vào sáng chủ nhật với khoảng vài chục người, chỉ gồm lãnh đạo và doanh nghiệp trong tỉnh. Khác với thường lệ, lần này có sự tham gia của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng một số chuyên gia về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI.

Cuộc đối thoại đang vào hồi gay cấn khi doanh nghiệp lên tiếng phàn nàn về một vài thủ tục hành chính họ gặp phải, bỗng im lặng khi ông Vũ Tiến Lộc hỏi: “Có ai ở đây nắm được nội dung Nghị quyết 19 trong hai năm 2014 và 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được triển khai tại địa phương thế nào không?”. Chỉ một vài cánh tay giơ lên.

Sự tham gia của truyền thông đã đưa tiếng nói của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vượt ra ngoài phạm vi của một cuộc đối thoại
Sự tham gia của truyền thông đã đưa tiếng nói của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vượt ra ngoài phạm vi của một cuộc đối thoại

 

“Tôi rất tiếc vì quá ít doanh nghiệp biết đến Nghị quyết này, trong khi là người hưởng lợi trực tiếp từ kết quả thực thi. Trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp phải cảm ơn báo chí. Các nhà báo đã dũng cảm hơn doanh nghiệp khi “đối mặt” trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đấu tranh, tìm giải pháp cho một môi trường kinh doanh Việt Nam thuận lợi hơn, minh bạch hơn”, ông  Lộc thẳng thắn khi kể câu chuyện này trong cuộc đối thoại với chủ đề Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp do VCCI tổ chức.

Thực ra, sự im lặng không phải chỉ có trong Cuộc cà phê doanh nhân đó mà ngay tại Cuộc đối thoại giữa báo chí và doanh nghiệp này. Nhiều doanh nhân né tránh câu hỏi tại sao họ “ngại” báo chí, ngại “cung cấp các ý kiến phản biện chính sách” với báo chí, ngại va chạm với các cơ quan quản lý nhà nước. Câu hỏi có phải sự chưa minh bạch của môi trường kinh doanh vẫn đang là “cơ hội” cho một bộ phận doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “co lại” để tìm sự an lành cho riêng mình… được gửi đi, nhưng ít doanh nhân hồi đáp!

Thực trạng này không hiếm. Trong khá nhiều cuộc tọa đàm về vướng mắc của doanh nghiệp với các quy định hiện hành, sự tham gia của báo chí nhiều khi lấn át. Thậm chí, tại cuộc hội thảo về điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã buộc phải nói rằng, ông trông đợi nhiều vào các bài báo hơn là ý kiến góp ý của doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã công khai dự thảo danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó trong 3 tháng để lấy ý kiến, nhưng không nhận được bất cứ một góp ý nào từ 500.000 doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, báo chí là cách tốt hơn để những người được giao nhiệm vụ phân tích và hoạch định chính sách tiếp cận với doanh nghiệp, các ý kiến của doanh nghiệp, cũng là kênh tốt nhất để những tư duy đổi mới, cải cách của Chính phủ đến được cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi, bắt kịp thời cuộc”, ông Cung nói.

Để những người đồng hành không đơn độc

Dành thời gian khá dài để trải lòng về lý do tại sao khoảng cách giữa báo chí và doanh nghiệp dường như đang rộng hơn, đang khó thu hẹp hơn, song vị chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp lớn vẫn không muốn lộ diện.

“Tôi cũng không dám chắc doanh nghiệp của mình không vi phạm gì vì thú thực, chính sách thay đổi chóng mặt, tuân thủ đúng đã khó chứ chưa nói là phản biện. Hơn thế, nhiều khi doanh nghiệp góp ý song không được tiếp thu, phản hồi nên cũng nản”, vị lãnh đạo doanh nghiệp bộc bạch.

Tuy vậy, lý do sâu xa hơn mà ông muốn gửi gắm, đó là môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp “lộ sáng”.

“Chúng tôi rất cần báo chí trong hoạt động của mình. Không chỉ là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp tới cộng đồng xã hội, mà còn là nơi chúng tôi tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ trong các vướng mắc của doanh nghiệp. Nhưng tôi có cảm giác, báo chí đang ở phía… bên kia của cộng đồng doanh nghiệp”, vị giám đốc doanh nghiệp nói.

Không dùng từ đối lập, nhưng nhiều doanh nghiệp thừa nhận, khoảng cách giữa báo chí và doanh nghiệp đang doãng ra. Soi vào mục tiêu hoạt động chính của báo chí và doanh nghiệp là vì sự phát triển chung Việt Nam, vì thứ hạng của kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, thì cả báo chí và doanh nghiệp dường như “đang đơn độc” nếu khoảng cách này không được thu hẹp.

“Nhiều trường hợp, nhà báo không hiểu rõ hoạt động doanh nghiệp nên thông tin không chính xác, không đầy đủ, làm tổn hại đến doanh nghiệp. Có thể trường hợp này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, khi doanh nghiệp phải đối mặt với sự tồn vong, thì tốt nhất là né những gì ngoài tầm kiểm soát”, một vị giám đốc khác chia sẻ.

Cũng phải thẳng thắn, phản biện chính sách chưa phải là thói quen hay mối quan tâm của các doanh nhân. Với doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có bộ phận nghiên cứu chính sách riêng thì càng trở nên “vô hình” trong quá trình này… Ở góc độ này, ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng, sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp với tư cách là những người đồng hành sẽ đảm bảo cho tiếng nói của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sự phát triển của nền kinh tế.

“Khi nhạy cảm hơn với vấn đề của doanh nghiệp, nhà báo chắc chắn sẽ có góc nhìn công bằng hơn, dù đó là sự tán đồng hay phê phán. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ tận dụng được kênh truyền thông vô cùng quan trọng để góp tiếng nói vào bước đổi mới của nền kinh tế”, ông Đoan nói.

Nhắc tới sự cộng hưởng giữa báo chí và doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, ông Lộc đã nhắc tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2015  trung tuần tháng 6 vừa qua.

“Sự tham gia của báo giới tại VBF không chỉ cộng thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, mà còn tạo ra kênh giám sát quan trọng trong thực hiện cam kết của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp tại các kỳ VBF. Tôi tin chắc rằng, trong các bước thăng hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua, cũng như sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, có vai trò quan trọng của báo chí”, ông Lộc khẳng định.

Ý kiến – Nhận định

Môi trường kinh doanh cần sự giám sát và phản biện của báo chí.

- Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Tôi nghĩ, báo chí nên phối hợp cùng với các hiệp hội doanh nghiệp chấm điểm các từng sở, ban, ngành, công khai trên báo chí. Khi đó, cả doanh nghiệp và báo chí cùng vào cuộc để giải quyết không chỉ vướng mắc của doanh nghiệp mà làm tốt công việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên, doanh nghiệp phải sẵn sàng chia sẻ thật khó khăn, vướng mắc của mình.

Nền kinh tế hội nhập đang đòi hỏi cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước tự nâng cấp năng lực, chất lượng theo chuẩn mực chung của khu vực và thế giới. Trong quá trình này, rất cần sự giám sát và phản biện của báo chí.n

Nền kinh tế và doanh nghiệp đều cần kênh thông tin từ báo chí.

- Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G

Công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi cả về chất và lượng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trong sự thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của báo chí rất lớn. Báo chí không chỉ là kênh thông tin, phản biện chính sách, tuyên truyền tư duy mới trong phát triển kinh tế, hoạt động doanh nghiệp,  mà còn là nơi cổ vũ, tuyên truyền cách thức làm ăn mới tới cộng đồng xã hội, đối tác trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, hình ảnh của doanh nghiệp, cách thức làm ăn kinh doanh được thay đổi theo hướng tích cực thông qua hoạt động thông tin của báo chí.

Điều này sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp đang đòi hỏi nhiều hơn từ báo chí.

- Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí toàn cầu

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong phát triển kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Tôi dành nhiều thời gian để đọc báo, tìm kiếm và tiếp cận thông tin về những thay đổi chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập kinh doanh, doanh nghiệp đang đòi hỏi nhiều hơn từ báo chí, đặc biệt là sự thấu hiểu và trách nhiệm giữa báo chí và doanh nghiệp. Đây là lý do chúng tôi lựa chọn báo chí đề đồng hành trong quá trình phát triển của mình cũng như trong việc tham gia phản biện chính sách. Điều này có nghĩa là các cơ quan báo chí cũng phải nâng cấp lên những chuẩn mực cao hơn, cả về năng lực và đạo đức nghề nghiệp.

Đóng góp của báo chí vào sự nghiệp giải phóng dân tộc: Đôi điều suy ngẫm
Hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" do Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Báo Quân đội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư