Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch lo thiếu nhân sự tốt
Hiếu Ninh - 14/09/2017 08:08
 
Nhu cầu về nhân lực tăng cao, khiến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam năm 2017 đã có bước cải thiện đáng kể, từ thứ 75/141 quốc gia năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.

Dẫu vậy, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với những bất cập tồn tại từ lâu, trong đó nổi cộm là vấn đề chất lượng nhân lực. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao một cách đồng bộ và hiệu quả.

.
Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

GS. Michael Palmer (Đại học RMIT Việt Nam) cho biết, ngành du lịch Việt Nam hiện chỉ có khoảng 3% nhân lực được đào tạo bài bản và Việt Nam đang thiếu hụt một lượng lớn nguồn nhân lực ở vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cấp cao.

Còn theo Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động trong ngành du lịch nước ta chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia… Điều này cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, chất lượng nhân lực du lịch của Việt Nam còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, như chương trình đào tạo chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Phương pháp giảng dạy tại nhiều trường du lịch còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành, nên chất lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chia sẻ vấn đề trên, ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCP Du thuyền Đông Dương cho biết, để có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp như hiện nay, sau khi tuyển dụng, Công ty thường phải mất khá nhiều thời gian, kinh phí để đào tạo lại nhân lực.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là mục tiêu phát triển kinh tế thì nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành này là rất lớn.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển đó, việc cần phải làm ngay là xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Đặc biệt, phải tạo dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch. Theo đó, trên cơ sở nhu cầu việc làm, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm, trong khi doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó có kế hoạch sát hạch, tuyển dụng nhân viên.

“Các cơ sở đào tạo cần bắt tay với doanh nghiệp du lịch để nắm bắt nhu cầu thực tế, từ đó có chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng”, ông Đoàn Văn Dũng chia sẻ.

Kinh doanh du lịch chờ vốn mồi hỗ trợ
Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đang được xây dựng là Chính phủ sẽ rót 200...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư