Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp khởi nghiệp trước bài toán dòng tiền
Thanh Huyền - 15/09/2018 08:49
 
Báo cáo tài chính ghi nhận lãi, nhưng doanh nghiệp không có tiền hoạt động là tình trạng mà không hiếm doanh nghiệp gặp phải. Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến không ít câu chuyện của những doanh nghiệp thường báo lãi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng không lâu sau đó lại bất ngờ rơi vào tình trạng khó khăn vì không có tiền, thậm chí dẫn tới phá sản. Vậy tiền đã chạy đi đâu?

Nguyên nhân có thể là nợ phải thu quá lớn, thậm chí phải thu khó đòi cao và có khả năng không thu được do chính sách bán hàng cho nợ chưa chặt chẽ. Hai là tồn kho quá nhiều, tiền nằm ở đó và đang mất dần vì hàng tồn kho sẽ dẫn đến giảm giá trị do thay đổi công nghệ, thời gian sử dụng…

Nữ doanh nhân Lê Ngọc Nguyên ngồi ở vị trí CEO tuần này
Nữ doanh nhân Lê Ngọc Nguyên ngồi ở vị trí CEO tuần này

Đây chính là bài toán dòng tiền của doanh nghiệp. Dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, do đó nếu “dòng máu” này tắc nghẽn, doanh nghiệp sẽ không đủ tiền để tài trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính.

Bài toán này có thể xảy ra ở bất kỳ doanh nghiệp nào dù ở quy mô lớn hay nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong quản trị dòng tiền.

Câu chuyện của nhóm bạn trẻ dưới đây là một ví dụ. Nhờ nhanh nhạy đón đầu xu hướng tiêu thụ thực phẩm sạch của người tiêu dùng, các bạn trẻ này đã cùng nghiên cứu và đầu tư công nghệ để làm ra sản phẩm dầu lạc nguyên chất tinh khiết cao, tốt cho sức khỏe. Để đưa sản phẩm chính thức ra thị trường, họ đã cùng nhau góp vốn lập công ty khởi nghiệp Dalavi. Với chất lượng khác biệt, giá cạnh tranh, nên chỉ sau 6 tháng, sản phẩm Dalavi đã được thị trường đón nhận tích cực và kinh doanh bước đầu có lãi.

Trước bối cảnh thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh, trong khi Dalavi không có nhiều chi phí để truyền thông, nên doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tập trung phát triển thị trường qua nhiều kênh phân phối, đặc biệt chấp nhận cả hình thức ký gửi qua đại lý. Sau 4 tháng thực hiện chính sách cho ký gửi, doanh số đã tăng lên rõ rệt, nhưng cũng kéo theo hệ lụy là bị đọng vốn khá lớn ở hàng ký gửi, dẫn tới việc công ty cạn vốn quay vòng trong kinh doanh.

Mặc dù đã tìm đủ mọi giải pháp nhưng vẫn không cân đối được dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. CEO nhận thấy cần phải tăng vốn để duy trì được hoạt động kinh doanh và tăng hiệu quả cho phần ký gửi.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối từ các cổ đông. Các cổ đông đều không đồng ý tăng vốn, thậm chí đề xuất dừng hẳn ký gửi để tránh những rủi ro về vốn.

Để bảo vệ quan điểm của mình, CEO thuyết phục rằng, các sản phẩm organic có thị trường tiềm năng, nhưng do sản phẩm của công ty là thương hiệu mới, cần chấp nhận ký gửi để mở rộng thị trường, tăng độ phủ. “Nếu ngừng cho ký gửi, đồng nghĩa với thu hẹp kênh phân phối, như vậy sản phẩm sẽ ngay lập tức bị đánh bật khỏi thị trường”, CEO nói. 

Các cổ đông vẫn không đồng tình và cho rằng, báo cáo tài chính vẫn thể hiện có lãi. Do đó, cần phải làm rõ nguyên nhân và giải quyết việc ách tắc dòng tiền, bằng cách ưu tiên những đại lý có thanh khoản tốt và dừng giao hàng với những đại lý chậm thanh toán. Các cổ đông cũng gợi ý cho CEO phương án vay tiền từ ngân hàng hoặc gọi vốn từ các nhà đầu tư mới, thay vì “lấy tiền” từ túi của cổ đông hiện hữu.

CEO cho rằng, việc vay vốn hiện nay không khả thi, bởi để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng được một loạt thủ tục không dễ dàng, chưa kể trong thời gian chờ đợi giải ngân, doanh nghiệp phải dừng hoạt động do thiếu vốn.

Sự xung đột vẫn tiếp tục nảy sinh, do hai bên không tìm được tiếng nói chung. CEO phải làm gì để thuyết phục được các cổ đông. Câu trả lời sẽ được tìm ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Bài toán gọi vốn”. CEO tham gia giải quyết tình huống của Chương trình là bà Lê Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Á Long - người cũng sẽ xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (16/9) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (17/9) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - Chìa khóa thành công của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Hà Nội hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020". Theo Đề án, Thành phố sẽ có nhiều giải pháp hỗ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư