Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp ngành F&B tăng đầu tư mở rộng hệ thống
Hồng Sơn - 27/05/2018 15:00
 
Bên cạnh việc xây nhà máy mới, mở rộng chuỗi, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) đang đầu tư mạnh cho quản trị hệ thống bằng công nghệ hiện đại để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Đầu tư nhà máy, mở rộng hệ thống

Ngành F&B tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor đánh giá, giai đoạn 2014 - 2019, thị trường F&B Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18% năm.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành, nhất là từ các thương hiệu nước ngoài, các doanh nghiệp F&B trong nước thời gian gần đây đã tăng tốc đầu tư nhà máy sản xuất, mở rộng hệ thống.

Các doanh nghiệp ngành F&B đang tăng tốc đầu tư  cho hệ thống. Trong ảnh: Nhà máy của Redsun ITI. Ảnh: Hồng Sơn
Các doanh nghiệp ngành F&B đang tăng tốc đầu tư cho hệ thống. Trong ảnh: Nhà máy của Redsun ITI. Ảnh: Hồng Sơn

Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun ITI) cho biết, mới đây, Redsun ITI đã đầu tư 250 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy Chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM). Giai đoạn đầu, Nhà máy chủ yếu sản xuất kim chi, thịt, sốt, nước lẩu và các sản phẩm phục vụ khách hàng thông qua chuỗi nhà hàng của Công ty với sản lượng khoảng 15.000 tấn sản phẩm/năm. 

Redsun ITI đang sở hữu 12 thương hiệu ẩm thực trung, cao cấp cùng hệ thống chuỗi hơn 140 nhà hàng trên toàn quốc, trong đó có gần 20 nhà hàng nhượng quyền thương hiệu. 

“Mục tiêu đến năm 2021, Redsun ITI sẽ phát triển được 400 nhà hàng, trong đó có 200 nhà hàng nhượng quyền thương hiệu. Sắp tới, Redsun ITI sẽ mở thêm nhiều nhà hàng tại nước ngoài”, ông Vinh cho biết.

Trong khi đó, một doanh nghiệp tên tuổi khác trong ngành F&B là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Gogi House, Sumo BBQ, Cowboy Jacks, Vuvuzela, đã cán mốc hơn 200 cửa hàng trong năm 2017 và đang tiếp tục lên kế hoạch tăng tốc.

“Golden Gate vừa phát triển hệ thống nhà hàng trên diện rộng, vừa chú trọng phát triển bền vững, tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nhằm đem lại niềm tin và đạt được sự hài lòng của khách hàng. Chúng tôi hướng đến 400 nhà hàng, hoặc hơn thế trong tương lai không xa”, ông Nguyễn Cao Trí, CEO Chi nhánh TP.HCM của Golden Gate chia sẻ.

Tăng đầu tư công nghệ quản trị hiện đại

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông James Dương Nguyễn, CEO của Dcorp R-Keeper Việt Nam - công ty tư vấn và triển khai giải pháp quản lý cho ngành F&B và bán lẻ nhận định, Việt Nam là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng. 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh tay đầu tư cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, sự “đổ bộ” của không ít thương hiệu nước ngoài khiến cho cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

“Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp kinh doanh F&B tại Việt Nam”, đại diện của Dcorp R-Keeper Việt Nam nhìn nhận.

Hiện cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 430.000 cửa hàng nhỏ, hơn 7.000 nhà hàng thức ăn nhanh, 22.000 nhà hàng cà phê, bar và hơn 80.000 nhà hàng phát triển bài bản.
(Nguồn: Theo Dcorp R-Keeper Việt Nam)

Đối với ngành F&B, ngoài những yếu tố như chiến lược kinh doanh, sự phù hợp với văn hóa địa phương…, việc chậm ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành là một “rào cản” cho sự phát triển. Một doanh nghiệp có thể kinh doanh tốt với quy mô nhỏ, nhưng khi quy mô mở rộng, nếu quản lý không tốt rất có thể bị “vỡ trận”. Bên cạnh đó, việc vận hành thủ công sẽ làm cho chi phí tăng lên, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Đó cũng là lý do mà năm 2017, Dcorp R-Keeper Việt Nam đã triển khai giải pháp quản lý chuyên nghiệp cho hơn 1.000 nhà hàng vừa và lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang bước vào thời kỳ mở rộng và tăng trưởng nóng. Ngoài ra, khá nhiều chuỗi tầm trung và lớn trong ngành F&B đang khảo sát, lên kế hoạch thay đổi, nâng cấp giải pháp quản lý và vận hành sang tiêu chuẩn mới.

Theo Dcorp R-Keeper Việt Nam, xu hướng của thực khách đang ngày càng thay đổi, họ quan tâm đến sức khỏe và dinh dưỡng nhiều hơn, muốn được phục vụ nhanh hơn và giảm thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, xu hướng gọi đồ ăn online và giao hàng sẽ ngày càng tăng.

Đón đầu xu hướng này, Dcorp R-Keeper đã đầu tư khoảng 20 triệu USD vào việc nghiên cứu và phát triển nền tảng công nghệ mới, mua lại một số công ty chuyên về công nghệ phụ trợ cho ngành nhà hàng ở châu Âu; đồng thời, sẽ kết hợp với các công ty công nghệ tại Việt Nam nhằm phát triển hệ sinh thái công nghệ đầy đủ và toàn diện nhất để cung cấp cho thị trường.

Ngành thực phẩm, đồ uống sẽ tăng trưởng "bùng nổ"?
Năm 2016, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được đánh giá vào khoảng 30 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ gia tăng mạnh trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư