Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp thực phẩm đi tìm chiến thuật M&A
Thanh Huyền - 12/11/2016 09:14
 
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lựa chọn mua bán - sáp nhập (M&A) làm “kim chỉ nam” để tăng tốc phát triển, nhưng bằng phương thức nào lại là vấn đề cần hóa giải.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường M&A tại Việt Nam bùng nổ với những thương vụ có giá trị “khủng” trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, hay thậm chí cả những lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống… Xu hướng M&A vào nông nghiệp, thực phẩm sạch đã được nhiều tên tuổi trong nước coi là chiến lược trọng tâm, điển hình như Tập đoàn PAN.

PAN hiện đã đầu tư vào 5 thương vụ M&A với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC), Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT), Công ty cổ phần Bibica, Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC).

Bà Lưu Vân Trang (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Lưu Vân Trang (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống tuần này

Chiến lược M&A đúng hướng đã giúp tổng tài sản của PAN trong 5 năm qua tăng 13 lần, doanh thu tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây (CAGR) lên tới 82%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân tăng 118% trong 5 năm. Tính ra, PAN đã rót khoảng 100 triệu USD vào các công ty nông nghiệp và thực phẩm từ năm 2013 đến nay.

Trước vấn nạn về thực phẩm bẩn hiện nay, không chỉ PAN, mà nhiều doanh nghiệp lớn khác như Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống nhất (GTN) hay Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, đã đổ vốn vào nông nghiệp, thực phẩm sạch nhằm chớp thời cơ tạo sự đột phá, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng nhiều mặt hàng thực phẩm sạch với cam kết về chất lượng.

Trong xu thế hội nhập, sự cạnh tranh trên thị trường càng khốc liệt, các đối thủ tuy ra đời sau nhưng lại có tiềm lực lớn, am hiểu thị trường với những bước đi bài bản khiến các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch phải tìm đến M&A là điều tất yếu để chống đỡ và tìm cơ hội bứt phá.

Không nằm ngoài xu thế đó, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và phân phối rau, củ, quả sạch ra đời cách đây gần 5 năm đã quyết định sẽ kêu gọi các đối tác hợp tác theo hình thức M&A để tiếp tục phát triển và mở rộng kinh doanh.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở rộng và quy chuẩn hoá quy trình sản xuất, phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp này đã xây dựng được vị thế tốt trên thị trường, với mức tăng trưởng đều đặn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần những bước đi đột phá hơn nữa để phát triển kinh doanh và nâng cao khả năng ứng phó với những đối thủ mới. M&A là giải pháp mà CEO (cũng là một cổ đông) và các cổ đông đều nhất trí lựa chọn, nhưng mâu thuẫn giữa CEO và các cổ đông đã xảy ra trong quá trình bàn bạc để tìm kiếm và lựa chọn đối tác.

CEO cho rằng, công ty nên tập trung mua lại những công ty, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch theo kiểu cá nhân hoặc hộ gia đình đang kinh doanh không tốt với giá rẻ để đưa vào hệ thống theo mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. “Làm được như vậy, doanh nghiệp vừa bảo đảm được chất lượng sản phẩm, vừa có hệ thống cửa hàng của mình rộng khắp”, CEO quả quyết.

Các cổ đông cũng có lý khi nhận định rằng, nếu làm theo cách của CEO thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra không ít nguồn lực, vốn để thu mua và xây dựng, thiết lập lại các hệ thống này, nên ẩn chứa nhiều rủi ro và khả năng thành công thấp. Các cổ đông đề xuất, nên đàm phán với các cửa hàng để tiến hành một mô hình kinh doanh các sản phẩm của công ty dưới một thương hiệu và chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm đồng nhất (tương tự như franchise). Như vậy, công ty sẽ chỉ tập trung phát triển thương hiệu và đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm có chất lượng, còn các cửa hàng sẽ cam kết về giá cả và dịch vụ bán hàng.

CEO vẫn một mực bảo lưu ý kiến của mình, bởi các cửa hàng này không phải do công ty quản lý, có thể không tuân thủ các cam kết và tự làm theo ý sau một thời gian, dẫn tới rủi ro lớn về quản trị.

Hơn nữa, để thực hiện theo mô hình này, công ty cần phải có những giá trị để bán cho đối tác (đặc quyền kinh doanh) mà điều này công ty lại chưa có. Chưa kể đối tác có sẵn lòng bỏ tiền ra mua đặc quyền kinh doanh đó hay không.

Rõ ràng, cả CEO và các cổ đông đều có những lý lẽ và lập luận thuyết phục, nhưng phương thức nào sẽ đem lại lợi ích tối đa cho công ty. Lời giải cho tình huống này sẽ được bật mí tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với người ngồi tại vị trí CEO là bà Lưu Vân Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Karta.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Sức ép thực phẩm sạch đến từ châu Âu
“Cơn khát” tiêu dùng thực phẩm an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc từ quy trình sản xuất đầu tiên, tới lúc thực phẩm đưa đến hệ thống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư