Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp TP.HCM hiến kế cho mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020
Hồng Sơn - 08/03/2017 08:33
 
Với chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp”, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM được tổ chức ngày 7/3, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến, hiến kế để thực hiện 7 chương trình đột phá của Thành phố và hướng tới mục tiêu TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
TIN LIÊN QUAN

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, tính đến cuối năm 2016, Thành phố có hơn 290.000 doanh nghiệp. Riêng năm 2016, Thành phố có thêm hơn 36.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, số lượng doanh nghiệp tăng cao nhưng nhìn chung quy mô và năng lực cạnh tranh còn yếu; mới có 35% doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho ngân sách…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và lãnh đạo thành phố nhấn nút ra mắt cổng thông tin kết nối hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Cao Thăng
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và lãnh đạo thành phố nhấn nút ra mắt cổng thông tin kết nối hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Cao Thăng

Hiến kế cho lãnh đạo Thành phố, ông Kiều Bình Sơn, Tổng giám đốc Công ty thép Việt đồng thời là chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí, điện, cao su TP.HCM cho rằng, nên có các khu chuyên ngành cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại các khu công nghiệp của Thành phố. Cụ thể, hình thành cụm, tiểu khu chuyên ngành tại các khu công nghiệp có diện tích 3-5 ha, được thiết kế đặc thù phù hợp với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, diện tích dành cho xây dựng nhà xưởng khoảng 750-1.000 ha. Mỗi khu như vậy có thể thu hút 20-30 doanh nghiệp đến đầu tư. Các doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các ưu đãi khi đầu tư vào khu công nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp được hưởng chính sách vay kích cầu của Thành phố, được hỗ trợ tiền thuê đất khoảng 10 USD/m2…

Ông Sơn cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp của Hội có đủ khả năng đầu tư các khu chuyên ngành như vậy. Có thể đầu tư thời gian ngắn hạn 20-30 năm hoặc có thể đầu tư theo thời hạn được cấp phép của khu công nghiệp. Theo tính toán, đơn giá cho thuê lại từ 2-3 USD/m2/tháng sẽ khuyến khích được doanh nghiệp. “Đã đến lúc không thể chậm trễ hơn để phát triển ngành CNHT. Muốn vậy, phải có những giải pháp đột phá”, ông Sơn nói và cho rằng, giải pháp này sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để phát triển ngành CNHT nói chung, trong đó có các doanh nghiệp ngành cơ khí, điện, cao su…Theo ông Sơn, nếu ngay trong năm 2017 triển khai thí điểm ngay mô hình này có thể thu hút được khoảng 100 doanh nghiệp, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm/doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2020, thu hút được khoảng 1000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT đến đầu tư tại các khu chuyên ngành.

Về mục tiêu TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020, ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ các nhà kinh tế cho rằng, đây là một chuyện không dễ làm bởi thời gian không còn nhiều. Ông Thành cũng đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM vì thực hiện được mục tiêu này sẽ giúp Thành phố bứt phá rất nhanh. Tuy nhiên, để làm được việc này, theo ông Thành cần có những giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để phát triển các hộ kinh doanh cá thể. Bởi, đây là đối tượng chính, có kinh nghiệm, nguồn vốn…Thứ hai, phải thay đổi một cách căn cơ về nhận thức, thái độ làm việc của cán bộ công quyền. Doanh nghiệp phát triển nhanh thì nhu cầu về đường sá, mặt bằng, cơ sở kinh doanh… là rất lớn, do đó, cần có nhiều cách làm hay, trong đó, mô hình đổi đất lấy cơ sở hạ tầng đã có nhiều ví dụ thành công và còn cần nhiều hơn các mô hình như vậy. “Thành phố đã có các mô hình nổi tiếng của Phú Mỹ Hưng, Đại Quang Minh…nhưng còn cần nhiều hơn các doanh nghiệp như vậy và có thêm nhiều mô hình ở các vùng ven, ở các huyện như Củ Chi, Bình Chánh chứ không chỉ ở khu trung tâm”, ông Thành nêu quan điểm.

Theo một khảo sát gần đây, toàn Thành phố có khoảng 245.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ đóng góp 2% nguồn thu cho ngân sách. Theo ông Tuyến, các hộ kinh doanh cá thể là nguồn tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp. Cụ thể, có khoảng 14.000 hộ kinh doanh cá thể đủ khả năng lên doanh nghiệp. Do đó, Thành phố đang tập trung các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích các hộ cá thể trở thành doanh nghiệp trong tương lai. Trong đó, các vấn đề về chính sách thuế, hỗ trợ tín dụng, vốn vay…sẽ được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, để 7 chương trình đột phá của Thành phố đạt kết quả tốt và nhất là hoàn thành mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 thì còn nhiều việc phải làm.“Trách nhiệm của chính quyền Thành phố là rất lớn, phải có nhiều chính sách, giải pháp đột phá để có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”, ông Phong nói và nhấn mạnh, TP.HCM kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, trong tương lai sẽ có những tập đoàn của Thành phố trong tốp 500 tập đoàn hàng đầu thế giới. Chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của Thành phố.

Trong dịp này, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đã khai trương cổng thông tin điện tử với mục đích kết nối các doanh nghiệp thành viên, tiếp nhận các ý kiến, đề xuất và cùng với doanh nghiệp theo đuổi gắn kết với tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước để xử lý kịp thời, đơn giản các vướng mắc, đề xuất từ phía doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, Hiệp hội cũng ký kết với sở, ngành của Thành phố nhằm đồng hành, hỗ trợ và phát triển cùng doanh nghiệp.


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư