Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp ứng xử thế nào khi bị chơi xấu?
Nhã Nam - 15/04/2017 08:11
 
Rất nhiều doanh nghiệp bị đối thủ chơi xấu bằng cách tung tin đồn thất thiệt, khiến người tiêu dùng ngoảnh mặt, thiệt hại rất lớn. Phải ứng xử thế nào trong tình huống ấy?

Không thiếu trường hợp các doanh nghiệp lao đao vì tin đồn thất thiệt, do bị đối thủ chơi xấu. Gần đây nhất và cũng ồn ào nhất là “nỗi oan mắm Việt” nhiễm asen. Trước đây là thông tin trong sữa, trong bia có chất diệt tinh trùng, trong cà phê có chất gây ung thư... Ngay cả người nông dân cũng bao phen khốn khổ vì những thông tin liên quan tới bưởi, cá rô phi... gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng...

Đã có lần chia sẻ rất thật, lãnh đạo của Intimex cho biết, cũng từng bị các đối thủ cạnh tranh tố làm ăn thua lỗ, mất hết tiền và không có khả năng giao hàng cho khách. Thậm chí, những thông tin như vậy không chỉ được tung ra ở trong nước, mà còn gửi sang tận nước ngoài cho các khách hàng của Intimex. “Gặp phải những trường hợp như vậy, nếu doanh nghiệp không tìm được lối ra, không bản lĩnh thì sẽ chết. Và tỷ lệ chết thường rất cao”, vị này nói.

Người chơi ngồi ở vị trí CEO lần này là ông Cao Duy Khương (ngồi giữa)
Người chơi ngồi ở vị trí CEO lần này là ông Cao Duy Khương (ngồi giữa)

Thực tế, đây là câu chuyện khá phổ biến trong kinh doanh hiện nay, khi thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt hơn, nhưng thay vì cạnh tranh lành mạnh, không ít doanh nghiệp lại lựa chọn cách chơi xấu đối thủ. Trường hợp của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khăn giấy ướt, đã có thương hiệu trên thị trường cũng thế. Mới đây, doanh nghiệp phát hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ chuyên làm hàng giả, hàng nhái thương hiệu của công ty.

Trong lúc đang tìm các biện pháp để xử lý thì đột nhiên xuất hiện tin đồn về các sản phẩm của công ty không đảm bảo chất lượng, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện hàng loạt hình ảnh sản phẩm mang thương hiệu của công ty, với thông tin các cơ quan chức năng phát hiện chất gây ung thư trong sản phẩm. Các thông tin và hình ảnh này được lan truyền với tốc độ chóng mặt, người tiêu dùng hết sức hoang mang. Báo chí cũng bắt đầu vào cuộc khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Khách hàng kêu gọi nhau tẩy chay sản phẩm trên diện rộng. Nhiều đại lý đòi trả lại hàng.

Điều này khiến doanh nghiệp phải tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ, nhằm hạ bệ uy tín thương hiệu và đẩy công ty ra khỏi thị trường. CEO và các cổ đông ngay lập tức ngồi lại với nhau để bàn giải pháp. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi CEO và các cổ đông lại có quan điểm trái ngược nhau.

CEO cho rằng, ngay lập tức phải thực hiện một chiến dịch truyền thông thương hiệu mạnh mẽ theo kiểu “dội bom” để đáp trả và lấy lại uy tín cho thương hiệu. Công ty phải tìm mọi cách để chứng minh cho khách hàng, đối tác, báo chí, truyền thông thấy doanh nghiệp chỉ là nạn nhân của hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh. Còn trên thực tế, sản phẩm của công ty có chất lượng đảm bảo.

Trong khi đó, theo các cổ đông, công ty đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thương hiệu trầm trọng, muốn phản pháo bằng truyền thông, doanh nghiệp phải đổ tiền tỷ mà chưa chắc đã thành công. Tốt hơn hết, doanh nghiệp cứ im lặng để mọi việc theo thời gian tự lắng xuống. Sau đó, sẽ tính toán để đấu tư làm truyền thông thương hiệu nhằm giúp doanh nghiệp lấy lại vị thế của mình. Đây là cách nhiều doanh nghiệp khác đã làm và đã thành công.

CEO đã rất nỗ lực thuyết phục, song cổ đông vẫn khăng khăng theo ý mình. Đây là chuyện khá dễ hiểu, bởi xử lý khủng hoảng như vậy không đơn giản, thậm chí nếu không khéo còn có thể gây hại cho hoạt động của doanh nghiệp.

“Tôi nhận ra rằng, cái quan trọng nhất là muốn tồn tại thì phải tạo cho mình một chỗ đứng để khách hàng không thể lung lay trước hành vi và những thông tin xấu”, lãnh đạo Intimex đã chia sẻ như vậy. Còn các CEO khác, nếu doanh nghiệp của mình cũng lâm phải tình huống nói trên, thì sẽ phải xử lý ra sao?

Đó chính là tình huống được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Chiến lược cạnh tranh - Đối thủ chơi xấu”. Theo dõi chương trình, các doanh nghiệp có thể bắt gặp hình ảnh của doanh nghiệp mình trong đó để tìm hướng giải quyết thỏa đáng.

Người chơi ngồi ở vị trí CEO lần này là ông Cao Duy Khương, Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất Modern Home Việt Nam. Đây cũng là vị doanh nhân xuất hiện trong chuyên trang Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn bất động sản Novaland
Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (16/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai, ngày 17/4/2017 trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.
Doanh nghiệp với khủng hoảng truyền thông mạng xã hội: “Tiên hạ thủ vi cường”
Theo lý thuyết được chia sẻ, 48h là “thời điểm vàng” để xử lý và kiểm soát khủng hoảng. Tuy nhiên trong thời đại bùng nổ của mạng xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư