Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp vẫn chê đầu tư nông nghiệp
Thùy Liên - 24/08/2013 08:41
 
Chủ trương của Nhà nước khi triển khai chương trình Nông thôn mới là Nhà nước góp 40% vốn, DN góp 20% vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhà nước phải bỏ vốn tới 50% trong khi phía DN chỉ đóng góp 5%.
Dù nhiều chính sách ưu đãi đã ban hành song thực tế đầu tư vào
nông nghiệp chưa có những ưu đãi đủ mạnh

DN ngại rót vốn vào nông nghiệp

Tại Diễn đàn “Phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong xây dựng Nông thôn mới” diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, Chủ trương của Nhà nước khi triển khai chương trình Nông thôn mới là Nhà nước góp 40% vốn, DN góp 20% vốn.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nhà nước phải bỏ vốn tới 50% trong khi phía DN chỉ đóng góp 5%. Lý do là chính sách hiện nay chưa đủ thu hút DN mạo hiểm bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tương tự, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng chưa có nhiều DN tham gia, dù những ưu đãi được hưởng là rất lớn.

Cho đến nay, cả nước mới chỉ có 5 DN nông nghiệp được công nhận là DN ứng dụng công nghệ cao, bao gồm Công ty CP thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH) và 4 DN sản xuất, kinh doanh hoa tại Lâm Đồng.

Theo ông Ngô Tiến Dũng – Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhiều năm qua, mô hình liên kết 4 nhà ở Việt Nam tại nhiều nơi thất bại. Các DN vẫn cho rằng đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm nên không muốn mạo hiểm bỏ vốn vào nông ghiệp.

Để thay đổi tư duy trên và thay đổi bức tranh nông nghiệp Việt Nam, chỉ có cách duy nhất là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Dũng cũng đã nêu lên hai ví dụ điển hình thành công về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam, đó là tập đoàn TH và Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt. Tuy là DN sữa mới ra đời, nhưng sản phẩm sữa TH True Milk đang phủ sóng tại hầu hết các địa phương trong cả nước với thị phần ngày càng tăng mạnh.

Hiện tại tập đoàn TH đã hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, công suất 500 triệu lít/năm. Hiện nay, sau gần 2 năm hoạt động, tập đoàn TH đã là nhà cung cấp sữa tươi “sạch” hàng đầu Việt Nam. Dự kiến năm 2015 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu.

Tương tự, Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt dù tuổi đời mới 10 năm nhưng với phương pháp nhân giống Invitro đã khiến năng suất sản xuất cây giống từ 300.000 cây giống/năm (năm 2003) lên tới 24 triệu cây con/năm (từ năm 2010 đến nay).

Công ty cũng vừa ra sản phẩm hoa tươi mãi mãi (giữ hoa tươi lâu trong 8-10 năm). Mỗi năm, công ty xuất khẩu gần 10 triệu cây giống và cành hoa sang các thị trường cao cấp như Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Rút ra bài học về các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Dũng cho rằng, có bốn điều kiện tiên quyết để làm nên cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thứ nhất là phải có DN đủ 3 yếu tố Tâm – Trí – Lực, xác định không tối ưu hóa lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích. Thứ hai, phải có nguồn lực đất đai đủ lớn. Thứ ba, phải lựa cọn công nghệ đúng. Thứ tư, phải có sự ủng hộ của nhân dân.

Từ những vướng mắc hiện nay của DN nông nghiệp công nghệ cao, Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, phải xem đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là nền kinh tế tri thức, đơn giản hóa các thủ tục cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và có các chính sách ưu đãi về thuế quan, các thủ tục pháp lý phù hợp hơn với thực tế.

Thúc đẩy mô hình PPP nông nghiệp

Liên kết 4 nhà là mô hình mà nước ta tiến hành từ lâu song không đạt hiệu quả cao. Theo ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), sở dĩ mô hình này hạn chế là chưa chặt chẽ trong cơ chế lợi ích gắn kết các đối tác tham gia; thiếu chế tài phù hợp để xử lý tranh chấp; đánh đồng vai trò của Nhà nước như một tác nhân liên kết; việc tổ chức chỉ đạo thực hiện ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sâu sát; thiếu nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ đã ban hành…

Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đàm Quang Thắng – TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam cũng khẳng định, công ty đã áp dụng triển khai liên kết 4 nhà.

“Thuận lợi của mô hình này là tạo được vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động của công ty; đáp ứng được những chỉ tiêu về an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Sản xuất đúng theo quy trình, sử dụng đúng, hiệu quả, hợp lý các vật tư nông nghiệp; Nâng cao thu nhập, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Tuy nhiên trong việc triển khai cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt là khó khăn trong giai đoạn đầu khi nông dân triển khai làm theo quy trình”, ông Thắng nói.

Trong khi mô hình liên kết 4 nhà còn nhiều bất cập, giải pháp hợp tác công tư (PPP) được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Bà Lê Thị Phi Vân, Cán bộ nghiên cứu Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, để thúc đẩy mô hình PPP thời gian tới, cần có các chính sách miễn thuế kết hợp lồng ghép các dự án, chương trình phát triển, hoặc vay vốn với nhiều ưu đãi, đào tạo cán bộ nguồn có chất lượng…

Vì đâu người nông dân bị móc túi
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang bị thiệt khi giá đầu vào tăng cao, giá đầu ra giảm mạnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư