Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt Nam mất 876 giờ để nộp thuế
Mạnh Bôn - 20/03/2014 12:09
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm giảm thời gian nộp thuế và thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. >>> >>> >>> >>>

Theo số liệu khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm. Trong đó, Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ. Còn tại Việt Nam, năm 2013, doanh nghiệp phải mất tới 876 giờ (gấp hơn 5 lần so với ASEAN-6) để thực hiện các thủ tục về thuế.

Phải đến hết năm 2015 thời gian nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam mới bằng các nước ASEAN-6 năm 2013
Phải đến hết năm 2015 thời gian nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam mới bằng các nước ASEAN-6 năm 2013

Cũng theo số liệu trên, thời gian xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày. Trong đó, Indonesia là 17 và 23 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày, Philippines là 15 và 14 ngày, Malaysia là 11 và 8 ngày, Brunei là 19 và 15 ngày, Singapore là 5 và 4 ngày. Còn tại Việt Nam, năm 2013, doanh nghiệp phải mất tới 21 ngày để làm thủ tục xuất khẩu và 21 ngày để làm thủ tục nhập khẩu.

Từ thực tế trên, Chính phủ thừa nhận, nền kinh tế đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Năng lực cạnh tranh quốc gia không chỉ xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, mà còn chậm được cải thiện, nhất là về thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh. Trong đó đáng lưu ý là các vướng mắc liên quan tới thành lập doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nộp thuế, tiếp cận điện năng và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán...

Những hạn chế, yếu kém nêu trên, theo Nghị quyết 19/NQ-CP do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Bên cạnh thiếu chiến lược, chương trình quốc gia và cách tiếp cận hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh, việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu cũng là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn khoảng cách khá xa với các nước ASEAN-6.

Để nâng cao cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19/NQ-CP đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2014 - 2015 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6, trong đó phải đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6 (thời gian xuất khẩu là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày).

Rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày); hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế.

Tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng; công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

'Muốn nộp 7 triệu tiền thuế phải đi 3 lần'
"Ngành thuế phải thực hiện cải cách hành chính, có cử tri phản ánh muốn nộp 7 triệu đồng thuế phải mất 3 lần đi lại. Phải chăng chúng ta chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư