Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp xuất khẩu liên tục dính bẫy lừa
Trần Mạnh - 16/01/2017 08:06
 
Hàng chục doanh nghiệp thủy sản đã dính bẫy lừa đảo từ đối tác nước ngoài. Trong danh sách những doanh nghiệp bị lừa, có rất nhiều tên tuổi lớn.
TIN LIÊN QUAN

Nửa triệu USD có nguy cơ mất trắng

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP) cho biết, tháng 6/2015, Công ty Al-Reda (Cairo, Ai Cập) có mua hàng cá tra phi lê đông lạnh của Vĩnh Hoàn với tổng trị giá đơn hàng 58.881,60 USD (sau khi đã trừ 10% đặt cọc 6.542,4 USD). Thế nhưng, từ đó đến nay, dù đã đã gửi thư yêu cầu thanh toán nhiều lần, Al-Reda luôn tránh việc thanh toán với nhiều lý do. 

.
.

Trường hợp như VINH HOAN CORP gặp phải không hiếm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng bị lừa đảo, có nguy cơ mất hàng trăm ngàn USD khi bán hàng cho cho khách hàng Echopack INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown (Quebec, Canada). Được biết, có hơn chục doanh nghiệp thủy sản đã dính bẫy lừa của Echopack với số tiền ít nhất lên tới nửa triệu USD.

Theo VASEP, số trường hợp doanh nghiệp thủy sản giao hàng nhưng không được thanh toán của đang có dấu hiệu gia tăng. Một số trường hợp là nợ xấu, song một số trường hợp là lừa đảo. VASEP đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết, song việc đòi lại số tiền này là rất khó.

Một số trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng bị lừa đảo:
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có nguy cơ mất hơn 50.000 USD
Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng có nguy cơ mất gần 200.000 USD
Công ty Thủy sản Gò Đàng có nguy cơ mất hơn 100.000 USD…
Năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu nước ta đã mất khoảng 8 tỷ USD

Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, càng hội nhập, tình trạng lừa đảo trong thương mại quốc tế càng có dấu hiệu tăng. Không chỉ thủy sản, mà trước đó, nhiều doanh nghiệp gỗ, hạt điều… cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự. Tính chung, năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu nước ta đã mất khoảng 8 tỷ USD do không thu hồi nợ được hoặc bị lừa đảo.

Do áp lực mở rộng thị trường, gia tăng doanh số xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm các khách hàng mới, thị trường mới. Song nếu không tìm hiểu kỹ, đây cũng chính là những khách hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP khuyến cáo, các doanh nghiệp ngày càng phải trang bị những kiến thức cần thiết để phòng tránh lừa đảo, nợ xấu.

Rủi ro thanh toán là lớn nhất

Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu bị đối tác lừa đảo do chủ quan về các điều khoản thanh toán, cũng như chưa tìm hiểu kỹ về tính xác thực của ngân hàng thanh toán, thư tín dụng (L/C)…

Đơn cử, Gò Đàng, Thủy sản Sóc Trăng và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác bị Echopack INC lừa do điều khoản thanh toán có quy định: chữ ký của khách hàng tại ngân hàng mở phải trùng với chữ ký của khách trên hợp đồng thương mại ký với doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính vì điều khoản cài cắm này, Echopack đã chủ động làm khác chữ ký trong đăng ký mở L/C tại Ngân hàng General Equity  và chữ ký trên hợp đồng với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Do đó, sau khi doanh nghiệp thủy sản Việt Nam giao hàng, General Equity  đã từ chối thanh toán với lý do L/C không hợp lệ. VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, giữa Echopack INC và General Equity có sự cấu kết để lừa đảo. 

Ngoài trường hợp đối tác đưa điều khoản cài cắm vào hợp đồng để lừa đảo như trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu nước ta còn có nguy cơ bị lừa vì nhận L/C giả. Một trường hợp tương tự cũng đã diễn ra trước đây với doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi xuất khẩu cho khách hàng Arabian Distributor LLC ở Dubai theo hình thức thanh toán là thư tín dụng trả ngay. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông báo L/C trị giá 2,3 triệu USD do khách hàng này mở tại Ngân hàng Regnum Bank (Nga), doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta chuyển lô gạo trị giá gần 1 triệu USD lên tàu. Thế nhưng, khi gửi bộ chứng từ xuất khẩu cho Ngân hàng Regnum Bank để đòi tiền, doanh nghiệp mới biết, bộ chứng từ trên là giả. Trong khi đó, khách hàng Arabian Distributor LLC đang chuẩn bị nhận hàng tại cảng.

Với trường hợp trên, sau khi cầu cứu rất nhiều cơ quan chức năng, cuối cùng doanh nghiệp xuất khẩu gạo nọ cũng đã nhận về được lô hàng gạo trị giá gần 1 triệu USD. Thế nhưng, chi phí mà doanh nghiệp này phải bỏ ra là rất lớn.

Như vậy, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã cả tin giao hàng khi chưa kiểm tra độ xác thực của L/C hoặc chấp nhận cho khách hàng mở L/C tại những ngân hàng nhỏ, không được xếp hạng tín nhiệm quốc tế và đã rơi vào bẫy lừa êm ái vì sự dễ dãi này.

Bộ Công thương cũng nhận định, những trường hợp lừa đảo như trên chủ yếu xuất phát từ tình trạng doanh nghiệp quá chủ quan, không thẩm tra kỹ thông tin về đối tác. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm để “đọc” được những điều khoản thanh toán bất lợi cũng dẫn đến trường hợp trên.

Với những trường hợp đối tác mới, ký hợp đồng lớn, có giá hời bất thường, doanh nghiệp cần phải đặc biệt cẩn trọng. Đồng thời, không nên quá tin tưởng vào các công ty môi giới, hoặc phải có điều khoản rõ ràng quy định trách nhiệm của bên môi giới để tránh trường hợp bị cấu kết lừa đảo.

Riêng về điều khoản thanh toán, Ngân hàng BIDV khuyến cáo, doanh nghiệp cần thẩm tra thông tin về ngân hàng cấp L/C qua các ngân hàng Việt Nam, qua Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), qua cơ quan đại diện ngoại giao… 

Các doanh nghiệp có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu…) để giảm bớt rủi ro.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư