Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Cường Phạm: Từ kỹ sư Apple đến ông chủ hãng nước mắm trứ danh
Hồng Phúc - 11/03/2018 10:18
 
Sau hơn 20 năm làm việc tại Apple, Cường Phạm, kỹ sư máy tính người Mỹ gốc Việt, đã trở thành ông chủ hãng nước mắm Red Boat, được nhiều chuyên gia ẩm thực đánh giá là ngon nhất thế giới, không chỉ chinh phục người Á Đông mà còn hướng đến hàng triệu khách phương Tây.

1. “Tôi đến Phú Quốc năm 1970, khi tham gia vào một số chiến dịch từ thiện, đã được chạm vào những chiếc thùng gỗ lớn, chứa hàng ngàn lít nước mắm thương phẩm và được thưởng thức chúng. Sau này, dù đã mua và nếm thử nhiều loại, nhưng tôi không thể tìm lại hương vị nước mắm ngày ấy. Năm ngoái, khi được dùng nước mắm Red Boat, tôi cảm thấy rất hài lòng. Cảm ơn anh đã làm nên nước mắm đúng nghĩa”, đó là nội dung một bức email mà khách hàng của Red Boat vừa gửi đến ông Cường Phạm.

“Tôi thường xuyên nhận được những lá thư thế này. Người Mỹ hay thể hiện cảm xúc như vậy và điều đó làm tôi cảm động, có thêm nhiều động lực”, ông Cường tự hào chia sẻ.

.
Doanh nhân Cường Phạm.

Nước mắm không chỉ là gia vị của bữa ăn, mà còn là gia vị của cuộc sống, khi mang theo cả ký ức tuổi thơ của ông Cường Phạm. Ông tâm sự, có nhiều thứ khi đang hiện diện, ta tưởng đó chỉ là những điều bình thường và chẳng mấy chú tâm, nhưng đến khi vắng bóng, cảm giác thiếu thốn xuất hiện, dù không thể gọi thành tên, hay miêu tả ra sao để tìm lại.

“Hương và vị nước mắm Phú Quốc luôn hiện diện trong tiềm thức của tôi. Tôi muốn tìm lại giá trị ấy qua hành trình gây dựng Red Boat và đến khi nếm những giọt nước mắm thành phẩm, tôi đã có được câu trả lời”, Cường Phạm nói.

Là một kỹ sư, nhiều năm gắn bó với máy tính và từng dự định mở công ty phần mềm khi về hưu, nhưng sự lấp lánh của từng mẻ cá đánh bắt vào mỗi sáng, và hương thơm, hậu vị trong từng giọt nước mắm đã thôi thúc ông Cường Phạm trở về Việt Nam bắt đầu hành trình với việc thành lập xưởng nước mắm thương hiệu Red Boat tại huyện đảo Phú Quốc, “cái nôi” của những loại nước mắm hảo hạng.

Năm 2006, ông mua lại một nhà thùng với 16 thùng ủ chượp, bắt đầu khởi sự kinh doanh, và ngay lập tức phải đối mặt với khó khăn. Khó khăn đầu tiên, là chưa hãng nước mắm nào từng làm theo phương pháp mà ông mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên không hiểu ông muốn làm gì, họ luôn đặt câu hỏi tại sao sản xuất nước mắm phải đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn. Đặc biệt, cá cơm - nguồn nguyên liệu tạo nên sự khác biệt, đang chịu nhiều tác động từ thời tiết...

Không thể đếm hết những lần thành phẩm không như ý trong thời gian đầu. Quy trình làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đã có từ 200 năm qua, ông Cường Phạm quyết tâm học hỏi từ những người lành nghề lâu năm, rồi phân tích để cải tiến.

Quy trình làm nước mắm, từ khâu đánh bắt cá, đến công đoạn ủ chượp, luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ, với những yêu cầu khắt khe. Tại Phú Quốc, nhiều người có thể chủ động sở hữu cá cơm chất lượng, nhưng chưa tìm ra phương thức để nguyên liệu ấy phát huy hết lợi thế như cách Red Boat đã làm. Những mẻ cá cơm ngay sau khi vớt lên được tuyển lựa và ướp những hạt muối trắng tinh, mặn mà từ vùng Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Muối và cá như hạt giống ươm mầm cho chất lượng nước mắm.

“Phú Quốc có con cá cơm cho đạm cao, chất lượng vượt trội, nên thành phẩm luôn là những giọt nước mắm khác biệt. Tôi có đội ngũ đánh bắt riêng, chứ không đi mua lại từ các tàu. Điều này cho phép Red Boat chủ động chọn được loại cá có chất lượng tốt nhất, nhưng sản lượng cũng bị phụ thuộc vào Mẹ thiên nhiên. Đó cũng là lý do khiến hãng chưa thể tăng nhanh quy mô sản xuất”, ông Cường Phạm cho biết.

2. Thông thường, mỗi thùng ủ chượp chứa từ 12 - 14 tấn cá, sau 12 tháng ủ chượp cho ra trung bình 3.000 - 4.000 lít nước cốt. Những tiêu chuẩn trên sổ sách về độ đạm chưa đủ minh chứng sản phẩm liệu đã đạt yêu cầu, chưa kể đến màu sản phẩm đặc trưng, hương và vị. Nước mắm của Red Boat là sự hòa quyện tròn đều giữa màu đỏ đậm cánh gián, hương thơm nguyên chất và hậu vị đậm đà, khiến cả thị giác và khứu giác “lên ngôi” mỗi khi thưởng thức.

Ông Cường Phạm cho biết, trong tiếng Mỹ, họ gọi sự mặn mà của nước mắm là “umami” bên cạnh 4 vị cơ bản là ngọt, chua, đắng và mặn, với mô tả như cảm giác vị “nước dùng” hoặc “ngọt thịt” kéo dài, gây tiết nước bọt và lan tỏa khắp lưỡi. Họ còn ví, con người thường nếm vị umami lần đầu tiên là từ sữa mẹ.

Người dân Phú Quốc có thể kể vanh vách những thương hiệu nước mắm nổi tiếng nơi đây, nhưng chẳng mấy ai biết đến Red Boat. Người tiêu dùng Việt Nam cũng khó có thể tìm mua nước mắm Red Boat ở chợ, siêu thị hay điểm bán hàng nhỏ lẻ nào trong nước, do hầu hết các sản phầm đều được xuất sang thị trường Mỹ, bắt đầu từ năm 2009, với khoảng 1.000 thùng mỗi năm.

Đến nay, Red Boat đã có mặt trên 3 kênh chính từ các chợ dành cho người Á Đông; các cửa hàng, siêu thị cao cấp và nhiều nhà hàng tại Anh, Pháp, Australia, Hồng Kông, Singapore, Canada với mức giá tùy loại, tùy địa điểm bán.

Xưởng sản xuất của Red Boat hiện có hơn 100 thùng ủ chượp. Ông Cường vẫn muốn tiếp tục nâng số lượng ấy lên, và khẳng định, dù có mở rộng Công ty đến đâu, cũng luôn đặt chất lượng là yêu cầu quan trọng nhất để giữ gìn danh tiếng và phát triển thương hiệu Red Boat.

“Mất trung bình một tháng để nước mắm Red Boat từ Việt Nam cập cảng Mỹ, chưa kể chi phí mua chai, nắp chai, nhân công đóng chai tại đây, nhưng tôi chấp nhận những chi phí đó để chất lượng sản phẩm được nguyên bản như tại nhà thùng”, ông chủ Red Boat nói.

Hơn 20 năm làm việc tại Apple, ông Cường Phạm học được giá trị, xuất phát điểm của kinh doanh phải là sản phẩm có chất lượng tốt và luôn cải tiến. Với ông, mỗi sản phẩm của doanh nghiệp, dù là nước mắm hay những phần mềm, người thực thi đều phải thật sự hiểu rõ mọi thứ về sản phẩm và đáp ứng hết những mong mỏi của đối tượng có nhu cầu; tiếp đó là các kế hoạch phân phối, tiếp thị sản phẩm...

Ông Cường luôn cởi mở chia sẻ câu chuyện làm nước mắm, thậm chí mở cửa nhà thùng cho khách đến tham quan. Bởi thế, những chiến dịch tiếp thị quốc tế diễn ra thường xuyên tại Red Boat. Họ đón tiếp các đoàn khách, từ chuyên gia ẩm thực, đến người dùng muốn tìm hiểu và trải nghiệm thực tế quá trình làm nước mắm, vốn được xem là “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam.

Những khó khăn đã là quá khứ, ông Cường Phạm đang chuẩn bị cho những kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu hay làm muối thương phẩm sau khi chiết nước mắm…

Ông chủ Red Boat cho biết, hiện con trai ông đang tham gia vào việc kinh doanh của Red Boat tại Mỹ, trong khi 2 người con gái thì chưa có ý định này. “Thế hệ trẻ hiện nay dường như có xu hướng lựa chọn công việc trong những lĩnh vực thời thượng, như công nghệ cao hay du lịch... Tôi hy vọng các con mình sẽ cảm nhận được và tự hào về Red Boat, bởi mỗi ngày đều có những khách hàng mong ngóng được mua sản phẩm này”, ông Cường Phạm chia sẻ.

“Red Boat còn rất nhiều tiềm năng, vì vậy, dù đã 60 tuổi, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục”, ông chủ Red Boat nói như một lời hứa với những khách hàng đã lựa chọn và tin dùng Red Boat.

Trao đổi với doanh nhân Cường Phạm:

Red Boat hướng đến những khách hàng nào?

Tôi muốn làm một sản phẩm nước mắm không điều vị, đạm cao và thơm, không chỉ người Á Đông mà người phương Tây vẫn ăn được.

Độ đạm có phải là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá về giá trị của nước mắm không, thưa ông?

Không hẳn đạm cao là tốt cho sức khỏe, mà tùy vào từng loại đạm trong tỷ lệ đạm tổng, gồm axit amin, đạm thô và amoniac. Axit amin càng cao sẽ tốt. Độ đạm của Red Boat là 40, và axit amin chiếm trên 60%.

Điều mà ông tự hào nhất về Red Boat là gì?

Đó là đội ngũ nhân viên hiện tại. Họ quyết tâm và hiểu rõ con đường mà chúng tôi theo đuổi.

Ra mắt Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống
Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa tổ chức lễ ra mắt Câu lạc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư